.
KỶ NIỆM 203 NĂM NGÀY SINH KARL MARX (5-5-1818 - 5-5-2021):

Lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới

Cập nhật: 09:25, 05/05/2021 (GMT+7)

Cách đây 203 năm, ngày 5-5-1818, tại thành phố Trier cổ kính, miền Tây nước Đức, trong gia đình luật sư Heinrich Marx, Karl Marx (Các Mác) đã được sinh ra, để rồi 30 năm sau - năm 1848, một học thuyết khoa học giải phóng con người, giải phóng xã hội hoàn toàn mới, chính thức được ra đời, đã đưa Các Mác trở thành lãnh tụ vĩ đại và thiên tài của giai cấp công nhân thế giới.

Thời gian càng lùi xa, nhìn lại cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Các Mác, chúng ta càng thấy rõ, ông không chỉ là nhà tư tưởng vĩ đại, đã giải đáp được các vấn đề mà loài người tiên tiến nêu lên, mà còn là vị lãnh tụ thiên tài, một người bạn, một người đồng chí chân thành, chung thủy, một mẫu mực về đạo đức cách mạng hết sức cao đẹp, luôn lấy đấu tranh cho tự do và hạnh phúc của nhân loại làm lẽ sống, lý tưởng và sứ mệnh của cả cuộc đời.

 

CUỘC ĐỜI VÀ NHỮNG CỐNG HIẾN CỦA NHÀ TƯ TƯỞNG VĨ ĐẠI

Xuất thân trong một gia đình luật sư, từ lúc còn là sinh viên, Các Mác đã nghiên cứu và tinh thông nhiều môn học, đặc biệt là môn luật, sử và triết học. 23 tuổi (năm 1841), ông đỗ tiến sĩ triết học và từ đó ngày càng tỏ rõ là một nhà nghiên cứu khoa học xã hội tài năng.

Kế tục và phát triển một cách thiên tài 3 trào lưu tư tưởng chủ yếu của thế kỷ XIX là: Triết học cổ điển Ðức, kinh tế học chính trị cổ điển Anh, chủ nghĩa xã hội Pháp, Các Mác đã tổng kết tri thức của nhân loại và sáng lập chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, học thuyết kinh tế mác xít và chủ nghĩa xã hội khoa học, làm cho chủ nghĩa xã hội từ không tưởng trở thành khoa học, rồi đem khoa học đó kết hợp với phong trào công nhân, biến nó thành vũ khí sắc bén của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản.

“Tư bản” - bộ sách Các Mác coi là sự nghiệp của cả đời mình, và “Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản” do Các Mác khởi thảo lúc vừa tròn 30 tuổi (năm 1848) là những tác phẩm bất hủ. Chủ nghĩa Mác từ khi ra đời cho đến nay luôn là mặt trời chiếu sáng, cơ sở tư tưởng, lý luận và là ngọn cờ chiến đấu đầy khí phách của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trong cuộc đấu tranh lật đổ chủ nghĩa tư bản, đế quốc thực dân và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Gần 2 thế kỷ, từ khi hình thành, xác lập đến nay, chủ nghĩa Mác-Lênin đã trải qua nhiều giai đoạn thử thách, nhiều lần bị các trào lưu tư tưởng đối lập phê phán, nhất là từ khi mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Ðông Âu sụp đổ, các hoạt động bài xích, xuyên tạc, phủ định chủ nghĩa Mác-Lênin, bác bỏ vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản, bác bỏ con đường xã hội chủ nghĩa cũng như công lao, cống hiến của Các Mác càng gia tăng và được thực hiện dưới nhiều chiêu bài tinh vi. Nhưng với bản chất khoa học, cách mạng và nhân văn sâu sắc, chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn khẳng định được giá trị to lớn, sức sống bền vững và ý nghĩa thời đại.

"Chủ nghĩa Mác-Lênin soi phương hướng, đường lối cho chúng ta đi. Có phương hướng đúng thì làm việc mới đúng. Hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc; bất kỳ việc to việc nhỏ cũng nhằm mục đích ấy; đó là chủ nghĩa Mác-Lênin”.

HỒ CHÍ MINH

Lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học luôn lôi cuốn hàng triệu triệu trái tim, khối óc của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, giành hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Những nhân tố của chủ nghĩa xã hội vẫn đang nảy sinh và phát triển ngay trong lòng nhiều nước tư bản. Dù tình hình thế giới có xảy ra nhiều biến cố, thăng trầm, nhưng vẫn không đi ngoài những quy luật phổ biến đã được Các Mác tổng kết. Một khi xã hội còn giai cấp, đối kháng giai cấp thì chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn là kim chỉ nam, định hướng cho sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng con người.

NHỮNG THÀNH QUẢ RỰC RỠ CỦA CHỦ NGHĨA MÁC-LÊNIN

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Bôn-sê-vích Nga, đứng đầu là V.I Lênin, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã hiện thực hóa chủ nghĩa Mác bằng thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917, lập nên nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, mở ra một thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội.

Trong hơn 70 năm xây dựng và phát triển, Liên Xô đã giành được những thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực, là chỗ dựa vững chắc cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và có nhiều đóng góp to lớn vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Người dân thăm mộ Karl Marx tại Nghĩa trang Highgate ở London, Anh.                                                                                                                               Nguồn: THX/TTXVN
Người dân thăm mộ Karl Marx tại Nghĩa trang Highgate ở London, Anh. Nguồn: THX/TTXVN

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chủ nghĩa xã hội hiện thực từ thắng lợi ở một nước đã trở thành hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa; nhiều nước ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ La-tinh đã giành được độc lập dân tộc và lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa cho sự phát triển… Đó chính là những thành quả rực rỡ mà chủ nghĩa Mác-Lênin đem lại.

Đối với Việt Nam, chủ nghĩa Mác- Lênin đã trở thành sức mạnh vật chất và di sản tinh thần quý báu, gắn liền với truyền thống yêu nước của dân tộc ta. Trên con đường đi tìm chân lý cứu nước, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành / Nguyễn Ái Quốc, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã sớm tiếp thu ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm thấy con đường giải phóng các dân tộc thuộc địa gắn chặt với cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản.

Ngay từ đầu năm 1923, Người đã khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc…”. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930 là kết quả của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, tạo ra bước ngoặt vĩ đại của lịch sử dân tộc Việt Nam.

Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại luôn lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của mình; luôn vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, kết hợp nhuần nhuyễn giữa giai cấp và dân tộc, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lãnh đạo nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Từ thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Bác Hồ kính yêu, nhân dân ta đã tiếp tục giành được những thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Năm nay, kỷ niệm 203 năm Ngày sinh Các Mác, chúng ta mãi mãi khắc ghi những cống hiến to lớn của Các Mác - người đã cùng Ph.Ăng-ghen xây dựng nên hệ thống lý luận cách mạng và khoa học, là kim chỉ nam, vũ khí tinh thần sắc bén, soi sáng sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới trong cuộc đấu tranh xóa bỏ áp bức, bóc lột. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng cao cả của Các Mác đã đi vào lịch sử thế giới như một trong những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời trí tuệ nhân loại.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.