.
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV:

Đại biểu Quốc hội từ các địa phương giãn cách xã hội về tham dự kỳ họp như thế nào?

Cập nhật: 22:50, 18/07/2021 (GMT+7)

 

a
Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: Viết Tôn

Trong điều kiện nhiều tỉnh, thành phố phía nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, vậy phương án tham dự Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đối với các Đoàn đại biểu Quốc hội ở các địa phương này được thực hiện như thế nào để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19?

435/499 đại biểu Quốc hội đã được tiêm vaccine

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Văn phòng Quốc hội đã chuẩn bị kỹ các phương án bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

“Từ kết quả và thành công của đợt bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp vừa qua, chúng ta rút ra nhiều kinh nghiệm trong công tác tổ chức. Chính vì thế mà Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã có các biện pháp để phòng, chống Covid-19 hết sức chặt chẽ”, Tổng Thư ký Quốc hội khẳng định.

Cụ thể, Văn phòng Quốc hội sẽ thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 cho đại biểu Quốc hội, cán bộ tham gia phục vụ kỳ họp và phóng viên, báo chí tham gia tuyên truyền về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (khai mạc vào ngày 20-7).

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, tính đến nay, có 435/499 đại biểu Quốc hội (chiếm 87%) đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Đối với 64 đại biểu Quốc hội còn lại, Văn phòng Quốc hội đang tiếp tục rà soát, xác minh để tiến hành tổ chức tiêm vaccine nhằm bảo đảm an toàn cho các vị đại biểu Quốc hội.

Bên cạnh đó, hơn 80% cán bộ phục vụ kỳ họp của Văn phòng Quốc hội; gần 400 cán bộ thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố và phần lớn phóng viên tham gia đưa tin tại kỳ họp… cũng đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, do tình hình dịch bệnh hiện diễn biến phức tạp nên một số đại biểu Quốc hội là lãnh đạo chủ chốt ở các tỉnh, thành phố có thể vắng mặt tại kỳ họp để tập trung chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ an toàn tính mạng và sức khỏe cho nhân dân. Ngoài ra, các đại biểu thuộc diện đang phải cách ly theo dõi y tế cũng được xem xét cho vắng mặt tại kỳ họp lần này.

Cũng tại kỳ họp này, tất cả các đại biểu Quốc hội sẽ được xét nghiệm 3 lần tại địa phương trước khi tham dự kỳ họp, đối với các địa phương tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, đang thực hiện giãn cách xã hội thì đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục được xét nghiệm thêm 2 lần nữa khi về tham dự kỳ họp tại Hà Nội.

"Các đại biểu tại địa phương có nguy cơ cao về dịch bệnh sẽ ở khách sạn riêng, có phương tiện riêng đưa đón, vào nhà Quốc hội theo lối riêng và ngồi họp tại khu vực riêng. Văn phòng Quốc hội đã xây dựng phương án, tính toán các tình huống để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho kỳ họp", Tổng Thư ký Bùi Văn Cường cho biết.

a
Tổ chức xét nghiệm cho phóng viên báo chí đưa tin kỳ họp. Ảnh: Tiến Tuấn

Đại biểu có kết quả xét nghiệm âm tính và đã tiêm vaccine được về dự họp bình thường

Đối với các tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết trong buổi làm việc giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự đảng Chính phủ sáng 17-7 đã thống nhất: Về nguyên tắc, người ở các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 khi về Hà Nội (nếu là công dân bình thường thì phải cách ly) nhưng đối với các đại biểu Quốc hội, khi đã xét nghiệm có kết quả âm tính, đã tiêm vaccine thì được về dự họp bình thường. Tuy nhiên vẫn phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

“Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, chúng tôi yêu cầu các đại biểu thực hiện nghiêm, đó là: Không tổ chức giao lưu, không rời khỏi nơi cư trú và nơi họp Quốc hội. Đại biểu nào có việc rời khỏi nơi cư trú phải báo cáo và phải được sự cho phép của Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội. Đồng chí trưởng đoàn phải chịu trách nhiệm và bảo đảm về sự an toàn này”, ông Cường nhấn mạnh.

Về phương án dự phòng trong trường hợp nếu phát hiện những đại biểu có biểu hiện như ho, sốt, khó thở do nhiễm Covid-19, ông Cường cho biết Văn phòng Quốc hội sẽ bố trí có phòng họp riêng để cách ly nhưng vẫn được tham dự đầy đủ tất cả các nội dung của kỳ họp, và vẫn thực hiện các nhiệm vụ bỏ phiếu như bình thường. Kể cả khi đại biểu nghỉ giữa giờ cũng có khu vực riêng cho các đại biểu này.

“Trong quá trình diễn ra kỳ họp cũng sẽ thực hiện các lần xét nghiệm. Khi đại biểu đến họp, chúng tôi cũng tổ chức đo thân nhiệt, theo dõi các biểu hiện và bảo đảm khử khuẩn thường xuyên. Nói chung công tác chuẩn bị đã được bảo đảm an toàn tốt nhất cho kỳ họp”, ông Cường cho biết thêm.

Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, việc rút ngắn thời gian kỳ họp so với dự kiến (khoảng 5 ngày) là nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh, và tại kỳ họp lần này Quốc hội sẽ làm việc cả ngày thứ 7 (chỉ nghỉ ngày chủ nhật).

"Trong trường hợp cần thiết, Quốc hội sẽ tiếp tục làm việc sau 17 giờ. Mặc dù thời gian kỳ họp được rút ngắn, nhưng tất cả các nội dung của kỳ họp đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, không ảnh hưởng đến chất lượng của kỳ họp", lãnh đạo Văn phòng Quốc hội thông tin cho biết.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV sẽ chính thức khai mạc vào 9 giờ sáng ngày 20/7 tại Nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội. Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ họp tập trung trong thời gian 11,5 ngày, dự kiến bế mạc vào ngày 31-7-2021.

Theo nhandan.vn

 

.
.
.