.
KỶ NIỆM 130 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ VÕ VĂN TẦN (8-1891 - 8-2021)

Đồng chí Võ Văn Tần: Nhà lãnh đạo xuất sắc, người chiến sĩ cộng sản kiên cường

Cập nhật: 09:18, 03/08/2021 (GMT+7)

Trong lịch sử đấu tranh cách mạng oanh liệt và vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân Nam bộ, đồng chí Võ Văn Tần thuộc thế hệ chiến sĩ cách mạng tiền bối, lớp đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với 50 tuổi đời, hơn 15 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí đã để lại cho Đảng ta, nhân dân ta và thế hệ trẻ Việt Nam một tấm gương sáng của người chiến sĩ cộng sản kiên cường suốt đời vì nước, vì dân.

Đồng chí Võ Văn Tần sinh tháng 8-1891 ở làng Ðức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc huyện Ðức Hòa, tỉnh Long An). Trên mọi cương vị công tác đồng chí đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng, của dân tộc.

TUỔI NHỎ - CHÍ LỚN

Lúc nhỏ, đồng chí Võ Văn Tần vừa theo học chữ Nho, vừa học nghề bốc thuốc. Đến năm 23 tuổi, đồng chí mở lớp dạy học tại làng và bốc thuốc chữa bệnh cho người dân. Năm 1917, đồng chí lên Sài Gòn để kiếm sống và tìm hiểu về thời cuộc, bất bình trước sự bất công, áp bức, bóc lột của chế độ thực dân, phong kiến và nỗi  nhục của người dân mất nước…, nên tham gia đấu tranh chống chính quyền thực dân, bị thực dân Pháp bắt giam, khép tội “cầm đầu các cuộc chống đối”, nhưng không có chứng cớ để khép án, chúng buộc phải trả tự do.

Sau đó, đồng chí tham gia nhiều cuộc bàn luận về lịch sử, về chính trị. Đến năm 1926, do chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng yêu nước của Nguyễn An Ninh, đồng chí gia nhập và là hội viên cốt cán của Hội kín Nguyễn An Ninh (tức Thanh niên Cao vọng Đảng). Với lòng nhiệt tình và niềm tin của tuổi trẻ, đồng chí đã hòa mình vào phong trào yêu nước, phong trào đấu tranh giành tự do của dân tộc - là bước tiến gần đến với chủ nghĩa cộng sản trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.

Cuối năm 1926, đồng chí quyết định tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam kỳ, đánh dấu bước chuyển biến tất yếu từ lập trường yêu nước sang lập trường giai cấp vô sản. Đồng chí đã tích cực tuyên truyền, vận động, tìm chọn những người hăng hái, tích cực trong nông dân, người lao động, nhất là thanh niên, để giáo dục lòng yêu nước và ý thức giai cấp, gây dựng, thành lập các tổ chức chi hội Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nhiều nơi, sau đó trở thành những đảng viên cộng sản kiên trung như: Nguyễn Văn Thỏ, Trần Văn Thẳng, Trần Văn Thủ, Dương Thị Biết, Lê Văn Mè, Huỳnh Văn Bằng, Huỳnh Văn Ngọ…

NHÀ LÃNH ĐẠO XUẤT SẮC

Ngày 6-3-1930, sau ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí Võ Văn Tần đứng ra thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở làng Đức Hòa, cũng là chi bộ sớm nhất của tỉnh Chợ Lớn lúc bấy giờ. Giỏi vận động và có tài tổ chức, đồng chí nhanh chóng phát triển phong trào cách mạng. Tháng 5-1930, đồng chí được bầu làm Bí thư Quận ủy Đức Hòa. Ngày 4-6-1930, đồng chí Võ Văn Tần cùng với Bí thư Liên Tỉnh ủy Gia Định - Chợ Lớn Châu Văn Liêm lãnh đạo nông dân tiến hành cuộc biểu tình chống Pháp lớn nhất ở Nam kỳ tại quận lỵ Đức Hòa, bị địch đàn áp dã man, đồng chí Châu Văn Liêm hy sinh, đồng chí Võ Văn Tần bị địch truy nã và kết án tử hình vắng mặt.

Đài tưởng niệm đồng chí Võ Văn Tần tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Đài tưởng niệm đồng chí Võ Văn Tần tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Với chức trách Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, cuối năm 1930 đầu năm 1931, trong bối cảnh thực dân Pháp đàn áp quyết liệt các cơ sở đảng, đồng chí Võ Văn Tần phải nhiều lần “thay hình đổi dạng” để hoạt động, liên lạc, chỉ đạo xây dựng các cơ sở đảng, duy trì các cuộc đấu tranh của quần chúng, tìm các đồng chí để tái lập Xứ ủy bất chấp mọi hy sinh, gian khổ, đã từng bước gây dựng lại các tổ chức cơ sở đảng, duy trì sự lãnh đạo liên tục của Đảng ở Gia Định - Chợ Lớn.

Với vai trò Bí thư Tỉnh ủy Gia Định, tháng 6-1932, đồng chí đứng ra thành lập cơ quan Liên Huyện ủy Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa và tổ chức viết báo “Cờ lãnh đạo” (sau được nâng chuyển thành cơ quan tuyên truyền của Xứ ủy Nam kỳ) để vận động phục hồi cơ quan lãnh đạo của Đảng vừa bị phá vỡ. Vừa bí mật hoạt động, vừa sâu sát với quần chúng, đồng chí đã khéo léo che mắt địch, một mặt tiếp tục thúc đẩy phong trào cách mạng, mặt khác phục hồi các tổ chức cơ sở đảng và tổ chức đấu tranh với kẻ thù.

Ngày nay, tên của đồng chí Võ Văn Tần được đặt cho nhiều con đường tại TP. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác trong cả nước. Riêng trên quê hương Long An của đồng chí, có một con đường tại trung tâm phường 2, TP. Tân An và tại huyện Đức Hòa - nơi đồng chí lãnh đạo cuộc đấu tranh ngày 4-6-1930 - một công viên văn hóa - lịch sử và một ngôi trường đã vinh dự mang tên đồng chí.

Giữa năm 1933, đồng chí xuống miền Tây chỉ đạo việc thành lập Tỉnh ủy Lâm thời Mỹ Tho; đồng thời, với tư cách là cán bộ Xứ ủy, đồng chí đề nghị Tỉnh ủy Gia Định ra tờ báo “Lao động” để tuyên truyền, giáo dục đảng viên và giác ngộ quyền lợi giai cấp cho quần chúng. Từ năm 1933 đến năm 1934, đồng chí  dành nhiều công sức để liên lạc và tổ chức các hoạt động của Đảng giữa Liên tỉnh miền Đông và miền Tây, đồng thời tham gia công việc xây dựng lại Xứ ủy Nam kỳ.

Sau khi Xứ ủy Nam kỳ được phục hồi (tháng 5-1935) và sau Đại hội Đảng lần thứ Nhất ở Ma Cao (Trung Quốc), đồng chí Võ Văn Tần được cử vào Ban Thường vụ Xứ ủy. Năm 1937, đồng chí được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy và bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Được làm việc trực tiếp và học tập kinh nghiệm từ các đồng chí Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập…, đồng chí Võ Văn Tần đã phát huy vai trò lãnh đạo, năng động trong việc gây dựng, mở rộng và phát triển phong trào cách mạng không chỉ ở Gia Định, miền Đông, mà còn ở nhiều tỉnh miền Tây Nam kỳ.

Ngày 14-7-1940, đồng chí bị địch bắt trong khi đang cùng một số đồng chí họp bàn tại nhà chị Nà ở ấp Tân Thới Trung (nay là xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn - Bà Điểm). 16 tháng bị thực dân Pháp giam cầm, mua chuộc, dụ dỗ và dùng nhiều cực hình tra tấn dã man nhưng không thể lay chuyển được ý chí bất khuất, kiên cường và khí tiết cách mạng, thực dân Pháp đã xử bắn đồng chí. Trước khi ra pháp trường, đồng chí đã để lại di bút trên tường xà lim “Thà mình chết, không khi nào mình giết chết phong trào cách mạng…”.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.