.
NHÀ GIÁO, NHÀ CÁCH MẠNG LƯU TẤN PHÁT:

Hiến toàn bộ tài sản cho cách mạng, thoát ly ra bưng biền chống thực dân Pháp

Cập nhật: 12:36, 13/08/2021 (GMT+7)

Nhà giáo, nhà cách mạng Lưu Tấn Phát sinh năm 1910 tại xã Long Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang trong một gia đình trung lưu yêu nước. Là một trí thức dưới chế độ thực dân Pháp, đồng chí luôn mang trong lòng nỗi đau của người dân mất nước và nung nấu ý chí đấu tranh giải phóng dân tộc.

Trường THPT Lưu Tấn Phát trên quê hương Tam Bình, huyện Cai Lậy.
Trường THPT Lưu Tấn Phát trên quê hương Tam Bình, huyện Cai Lậy.

Sau khi tốt nghiệp Bằng Thành chung tại Trường Collège de Mytho (nay là Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), đồng chí học sư phạm tại Trường Sư phạm Sài Gòn; rồi trở thành giáo viên dạy học tại Trường Tiểu học Long Khánh (huyện Cai Lậy).

Đồng chí tham gia vào Hội Việt Nam Cách mạng tại xã Long Trung, Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (cũ) do đồng chí Lưu Văn Hiến tổ chức. Đồng chí đóng góp tích cực vào việc vận động, giáo dục và giác ngộ các giáo chức và học sinh ở nơi dạy học tại. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930, đồng chí càng hăng say công tác và luôn tin tưởng vào sự thắng lợi của công cuộc đấu tranh giành nền độc lập cho đất nước. Năm 1940, đồng chí là một trong những hạt nhân nòng cốt trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ diễn ra rất sôi nổi và quyết liệt ở xã nhà.

Để tỏ lòng tôn kính công lao và sự nghiệp của đồng chí, năm 2005, UBND tỉnh Tiền Giang đã quyết định lấy tên đồng chí đặt cho một trường THPT trong tỉnh - Trường THPT Lưu Tấn Phát, tọa lạc tại xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Sau đó, địch nghi ngờ, đồng chí bị điều đến xã Long Phụng, huyện An Hóa, tỉnh Bến Tre dạy học đến năm 1942. Địch nghi ngờ đồng chí hoạt động cách mạng nhưng không có bằng cớ cụ thể, nên Thanh tra giáo dục kiếm chuyện quở trách. Đồng chí đấu tranh chống lại, vì không có bằng cớ nên chúng không bắt đồng chí được. Do đó, đến giữa năm 1942 đồng chí nghỉ dạy, trở về TX. Mỹ Tho mướn một góc sân của tiệm buôn Nam Thành để sửa đồng hồ. Năm 1943, đồng chí mở tiệm sửa và bán đồng hồ, lấy tên hiệu buôn Tấn Phát ở đường Trưng Trắc, Mỹ Tho. Nơi đây cũng là cơ sở để đồng chí móc nối với các đồng chí cách mạng.

Tháng 8-1945, hòa trong khí thế sôi nổi của quần chúng, đồng chí nhiệt tình tham gia cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Mỹ Tho và tham gia vào lực lượng vũ trang. Với lòng yêu nước nồng nàn và ý chí quyết tâm bảo vệ thành quả của cách mạng cũng như nền độc lập của Tổ quốc, đồng chí đã hiến toàn bộ tài sản cho cách mạng và thoát ly ra bưng biền tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Năm 1954, thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ, đồng chí được Đảng phân công ở lại miền Nam (không tập kết ra Bắc) lãnh đạo cuộc đấu tranh chống Mỹ. Lúc bấy giờ, địch tăng cường đánh phá phong trào cách mạng rất ác liệt. Tuy vậy, đồng chí vẫn kiên trì bám trụ địa bàn huyện Cai Lậy, ra sức xây dựng cơ sở cách mạng, lực lượng chính trị của quần chúng và nhất là lực lượng vũ trang.

Trong thời kỳ đầy khó khăn và thử thách này, đồng chí lần lượt giữ nhiệm vụ là Huyện đội trưởng rồi Bí thư Huyện ủy Cai Lậy. Với cương vị của mình, đồng chí đã góp phần quan trọng trong chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân huyện nhà tiến lên vững chắc, trở thành một trong những địa phương có phong trào cách mạng phát triển mạnh nhất của tỉnh Mỹ Tho.

Đầu năm 1960, đồng chí được phân công làm Tỉnh đội phó Tỉnh đội Mỹ Tho. Ở trọng trách mới, đồng chí đã cùng với Bộ Tham mưu Tỉnh đội đề ra nhiệm vụ củng cố và tăng cường lực lượng vũ trang của toàn tỉnh, nhất là các tiểu đoàn địa phương quân, vững mạnh cả về chính trị, quân số, kỹ thuật, chiến thuật, sức mạnh chiến đấu, trang bị hậu cần... để từ đó đủ sức đánh bại các cuộc hành quân càn quét của quân đội Sài Gòn, tiến lên chủ động đánh địch, góp phần làm chuyển biến cục diện trên chiến trường theo hướng có lợi cho ta.

Sau đó, do có thành tích xuất sắc trong công tác, đồng chí được đề bạt làm Trung tá Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu 8. Đây cũng là lúc Mỹ đang đổ quân viễn chinh ồ ạt vào miền Nam, cường độ của chiến tranh trở nên vô cùng khốc liệt. Tuy nhiên, với sự năng nổ, nhiệt tình, không ngại khó khăn, gian khổ, đồng chí đã làm mọi cách để đảm bảo hậu cần cho lực lượng vũ trang của toàn quân khu, giúp cho các đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ chiến đấu.

Năm 1966, trên đường đi công tác tại Kiến Phong (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp), đồng chí đã anh dũng hy sinh. Được biết, đồng chí có tất cả 7 người con đều tham gia vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong đó có 3 người đã anh dũng hy sinh.

Quá trình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí Lưu Tấn Phát đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Ba; 3 Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.

LINH THỦY (tổng hợp)

.
.
.