Từ 31-8: Tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ
(ABO) Ngày 27-8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang tổ chức họp triển khai quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid- 19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang theo Thông báo Kết luận số 10-TB/VPTW và Nghị quyết 86/NQ-CP, UBND tỉnh báo cáo kết quả công tác phòng, chống dịch và bàn giải pháp tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang chủ trì cuộc họp.
Quang cảnh cuộc họp. |
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá cao chiến lược tầm soát của tỉnh và sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các địa phương trong đợt thực hiện giãn cách xã hội lần này với mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh; xác định nhiệm vụ trọng tâm là xét nghiệm tầm soát diện rộng (chiến dịch xét nghiệm sàng lọc) để tách F0 ra khỏi cộng đồng, xử lý ổ dịch theo phương châm “4 tại chỗ”, thần tốc điều tra, truy vết F0, F1, khoanh vùng, dập dịch; đánh giá các mức độ nguy cơ, thiết lập “vùng xanh”, cô lập “vùng đỏ”; củng cố hoạt động của các chốt, trạm, đội tuần tra, kiểm soát phòng, chống dịch; tăng cường quản lý trong các khu cách ly F1 tập trung, tại nhà và nâng cao năng lực điều trị, hạn chế bệnh nhân nặng và tử vong…. Công tác phòng, chống dịch đã đi đúng hướng và đạt kết quả khá khả quan.
Đánh giá mức độ nguy cơ các vùng đến ngày 26-8-2021 cho thấy: Vùng nguy cơ rất cao (vùng đỏ): Cấp huyện từ 27,27% xuống còn 9,09%; cấp xã từ 18,02% xuống còn 7,56%; ấp, khu phố từ 13,29% xuống còn 4,06%. Vùng nguy cơ cao (vùng cam): Cấp huyện từ 45,45% xuống còn 36,36%; cấp xã 19,34% xuống còn 8,72%; ấp, khu phố từ 19,34% xuống còn 3,96%.
Vùng nguy cơ (vùng vàng): Cấp huyện 27,27% so với trước là 9,09%; cấp xã 21,51% so với trước 37,21%; ấp, khu phố 16,26% so với trước 22,02%. Vùng bình thường mới (vùng xanh): Ở cấp huyện 27,27% so với trước 18,18%; cấp xã 62,2% so với trước 25%; ở ấp, khu phố 75,69% so với trước 45,34%.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được cũng còn một số công việc cần tập trung chấn chỉnh khắc phục như: Phải chú trọng đến việc cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân, đặc biệt là người nghèo, người gặp hoàn cảnh khó khăn ở những địa phương thực hiện phong tỏa; việc tầm soát thông qua lấy mẫu phải được thực hiện đúng yêu cầu quy định; tăng cường kiểm tra bên trong khu vực phong tỏa nhằm đảm bảo thực hiện nghiêm giãn cách “ai ở đâu ở yên đấy”; đẩy nhanh thời gian trả kết quả xét nghiệm, truy vết nhanh khi có phát sinh ổ dịch…
Sau khi nghe báo cáo, đề xuất của UBND tỉnh và các ý kiến thảo luận, đồng chí Nguyễn Văn Danh yêu cầu các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các Ban đảng, Ban Cán sự đảng, Đảng đoàn, các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh; cấp ủy huyện (tương đương) và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp tiếp tục kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện nghiêm, quyết liệt hơn nữa một số việc sau:
- Tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ đối với 4 huyện (Tân Phú Đông, Gò Công Tây, Tân Phước, Cai Lậy) và Chỉ thị 16 đối với 7 huyện, thành, thị (TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công, TX. Cai Lậy, các huyện Châu Thành, Cái Bè, Chợ Gạo, Gò Công Đông) từ 0 giờ ngày 31-8-2021.
Tùy vào tình hình thực tế của từng địa phương có thể áp dụng giãn cách, phong tỏa từng khu vực cho phù hợp theo tinh thần Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ.
- Đảm bảo ổn định an sinh xã hội, thực hiện tốt việc tổ chức cung cấp đầy đủ, lương thực, thực phẩm thiết yếu đến từng người, từng hộ gia đình trong khu vực phong tỏa, các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội, đặc biệt là người già, phụ nữ, trẻ em, người yếu thế…
Đẩy nhanh việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ, góp phần giảm thiểu các tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định đời sống nhân dân. Huy động mọi nguồn lực xã hội, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, không để người dân bị thiếu lương thực, thực phẩm, thuốc trị bệnh... Địa phương nào để người dân thiếu ăn thì Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND là người chịu trách nhiệm trước.
- Giải pháp về y tế: Triển khai hiệu quả các biện pháp chuyên môn về y tế, tiếp tục thực hiện chiến dịch tầm soát, tách F0 ra khỏi cộng đồng, thực hiện truy vết khoanh vùng dập dịch.
Tăng cường giám sát, kiểm tra và chấn chỉnh kịp thời hoạt động của các bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung; tăng cường theo dõi, thăm khám điều trị, chăm lo bữa ăn và nhu cầu sinh hoạt nhằm giảm bớt áp lực tâm lý cho bệnh nhân. Chú ý việc điều phối mẫu và trả kết quả xét nghiệm kịp thời để việc phòng, chống dịch đạt hiệu quả, kịp thời khống chế ổ dịch, nhanh chóng cắt đứt chuỗi lây nhiễm, tránh lây lan trong cộng đồng; có kế hoạch tiêm vắc xin kịp thời, an toàn khi được phân bổ.
- Với các giải pháp về quản lý nhà nước:
- Tập trung làm tốt công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch trong tình hình mới, huy động sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức tôn giáo, cộng đồng doanh nghiệp và sự tự giác của mỗi người dân trong công tác phòng, chống dịch, nhất là việc tiếp tục vận động, giải thích, thuyết phục, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà “ai ở đâu ở yên đấy", người dân là chủ thể trong phòng, chống dịch.
Bởi sự đồng hành, chia sẻ, tuân thủ các quy định của người dân đóng vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch. Đây là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cho cộng đồng.
- Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đóng vai trò nòng cốt trong việc quản lý cách ly, quản lý địa bàn, vừa làm công tác vận động, vừa làm công tác quản lý địa bàn; phải bảo vệ, giữ vững và mở rộng “vùng xanh”, cô lập, thu hẹp “vùng đỏ”, thực hiện mục tiêu kép vừa sản xuất, phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch đối với "vùng xanh", lấy “vùng xanh” làm hậu phương, là nơi cung cấp hàng hóa cho “vùng đỏ”. Trong thời điểm mùa mưa bão, lốc xoáy đang diễn ra, chính quyền phải có phương án lồng ghép để đảm bảo phòng, chống dịch trong việc di dời, bố trí người dân tránh bão.
- Công an, Quân sự cần có giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường tuần tra, kiểm soát ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
- UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cấp huyện, cấp xã tham gia phòng, chống dịch (kể cả những ngày nghỉ lễ); cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại nhà trong thời gian nghỉ lễ phải chấp hành nghiêm việc giãn cách xã hội.
- Tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh, cung cấp thông tin báo chí minh bạch, kịp thời để người dân hiểu, tự giác phối hợp với chính quyền, cơ quan chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch.
Kịp thời biểu dương, khích lệ, động viên khen thưởng các tấm gương tốt, điển hình, cách làm hay, tạo sự đồng thuận thống nhất trong toàn xã hội; ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm về phòng, chống dịch; các thông tin xấu, độc, sai sự thật, kích động, gây tác động tiêu cực; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định, chủ quan, lơ là không hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống dịch.
Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phải tiếp tục bám địa bàn, chỉ đạo thực hiện quyết liệt các công việc phòng, chống dịch, cố gắng đạt được kết quả tốt nhất để giảm dần việc giãn cách xã hội, ổn định đời sống người dân, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Cần chú trọng việc liên kết, phối hợp giữa các huyện, thành, thị, giữa các xã, phường, thị trấn, giữa các ấp, khu phố, tổ tự quản với nhau trong thực hiện giãn cách xã hội.
Trong giai đoạn này, từng đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cấp uỷ, chính quyền, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch ở các cấp phải đoàn kết, thống nhất quyết tâm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, cùng với cả nước đẩy lùi đại dịch nhằm đạt mục đích cuối cùng là ổn định, phát triển kinh tế, tạo cuộc sống bình thường mới cho người dân.
Tiếp tục thực hiện giãn cách, phong tỏa tất yếu sẽ có nhiều khó khăn đối với người dân trong đời sống, trong sinh hoạt, đi lại và cũng là thách thức không nhỏ đối với Đảng bộ, chính quyền các cấp... Nhưng trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến rất phức tạp, khó lường; nếu chúng ta chủ quan, lơi là, thỏa mãn thì dịch bệnh sẽ phát sinh, phát triển trở lại là điều không thể tránh khỏi.
Vì vậy, để đảm bảo việc phòng, chống dịch có hiệu quả vững chắc, bảo vệ an toàn sức khỏe, người dân sớm có cuộc sống bình thường trở lại, chúng ta cần phải chấp nhận khó khăn, kham khổ trong một thời gian nhất định. Lãnh đạo tỉnh rất mong mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, nhất là người dân trong vùng phong tỏa thực hiện giãn cách cần có sự chia sẻ, cảm thông, đồng hành cùng với Đảng bộ, chính quyền địa phương để quyết tâm dập dịch và chiến thắng đại dịch Covid-19 trong thời gian sớm nhất.
T.P