Ưu tiên mọi nguồn lực nâng cao chất lượng xây dựng thể chế pháp luật
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Các Bộ cần rà soát lại các văn bản pháp luật theo tinh thần chung bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, chủ trương sửa đổi dùng một luật sửa nhiều luật, tháo gỡ ách tắc nhiều năm chưa tháo gỡ được, nhất là trong tình hình hiện nay, ảnh hưởng dịch Covid-19, kinh tế - xã hội khó khăn để tạo ra nguồn lực, động lực mới cho sự phát triển.
Sáng 17-8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8-2021. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành.
Tại phiên họp, Bộ Tài chính đã trình bày dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Các thành viên Chính phủ đã thảo luận, đóng góp ý kiến về dự án luật này.
Cho ý kiến chỉ đạo về vấn đề này, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta cần rà soát, cái gì còn chồng chéo, vướng mắc trong thực tiễn để bổ sung, hoàn thiện. Cái gì có quy định trong luật cũ nhưng không còn phù hợp thì bổ sung thêm. Những vấn đề mới mà luật chưa có thì phải phân tích, bổ sung hoàn thiện dự thảo luật này.
Tinh thần chung là khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tham gia kinh doanh bảo hiểm, giảm tối thiểu thủ tục hành chính, phân cấp để quản lý, thiết kế các công cụ kiểm tra, thanh tra chuyên ngành. Các bộ không nên "ôm" việc; cái gì biết mới quản, cái gì xã hội, nhân dân làm được tốt hơn thì giao cho làm trừ những vấn đề, lĩnh vực thuộc an ninh, chủ quyền quốc gia.
Cần bảo đảm tinh thần an sinh xã hội; chúng ta không hy sinh an sinh xã hội để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần. Tinh thần này cần được quán triệt trong việc xây dựng các dự luật. Phải bảo đảm lợi ích của người dân là trên hết. Nếu cần thì phải quy định đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Điều này thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.
Thủ tướng đề nghị, các cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự thảo luật này; nhân lực xây dựng dự thảo luật là hết sức quan trọng, do đó phải ưu tiên số 1 bằng tất cả điều kiện về con người, vật chất, điều kiện làm việc. Nếu cần, Bộ Tư pháp xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí để sửa một luật thì cần bao nhiêu kinh phí; nếu cần thì cắt bớt các khoản kinh phí khác không cần thiết, tập trung đầu tư cho việc xây dựng thể chế này.
Cho ý kiến chỉ đạo về vấn đề Bộ Thông tin và Truyền thông trình bày đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; xây dựng Nghị định về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần, Thủ tướng lưu ý, cần xác định đây là nhiệm vụ đột phá, quan trọng; nguyên tắc thực hiện là lấy nguồn chi thường xuyên; tiết kiệm chi thường xuyên để dành nguồn lực cho việc này, không để ách tắc.
Các Bộ trưởng bố trí những người có trình độ, năng lực, tâm huyết để thực hiện việc này. Đây là vấn đề đột phá chiến lược thì phải đầu tư mang tính đột phá.
Thủ tướng nêu rõ, tần số là tài sản quốc gia, do đó phải có cách sử dụng hiệu quả. Hiện nay, chiến tranh trên không gian mạng rất khốc liệt, nếu không làm chủ không gian mạng thì sẽ lúng túng, bị động, bất ngờ khi có chiến tranh.
Do đó, tần số phục vụ bảo vệ độc lập chủ quyền phải được ưu tiên. Tần số phục vụ an ninh - quốc phòng phải bảo đảm tối đa kiểm soát được tình hình, không đấu thầu, đấu giá cái này. Nếu có đấu thầu, đấu giá tần số phục vụ thương mại không thuộc lĩnh vực này phải tuân theo quy luật thị trường.
Thủ tướng lưu ý, tinh thần là thực hiện kinh tế thị trường triệt để, cái gì thuộc độc lập, chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia là bất di bất dịch. Chúng ta cần thiết kế những vấn đề vào Luật vì xây dựng nhà nước pháp quyền phải theo luật. Phải tính toán khi đấu thầu để bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia. Những vấn đề này sẽ do Chính phủ quy định. Không thể lấy hết tần số mang ra đấu giá. Kiên quyết không đánh đổi chủ quyền an ninh quốc gia lấy kinh tế.
Thủ tướng đề nghị, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông tiếp thu các ý kiến đóng góp. Đối với an ninh - quốc phòng, nhiệm vụ chính trị đặc biệt thì đã có quy định. Việc kinh doanh tần số thương mại phải có đấu thầu và phải có công cụ kiểm soát, bảo đảm minh bạch; tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Phải tham khảo kinh nghiệm quốc tế và của cả 35 năm đổi mới vừa bảo đảm an ninh - quốc phòng, nhiệm vụ chính trị đặc biệt, vừa khai thác hiệu quả tài nguyên quốc gia, vừa bảo đảm các quy định quốc tế. Trước khi trình Quốc hội, các Bộ trưởng sang làm việc với các Ủy ban liên quan của Quốc hội, bảo đảm sự thống nhất.
Hệ thống chính trị của chúng ta là một thể thống nhất, mọi quyền lực thuộc về nhân dân, có sự phân công, kiểm soát, phối hợp để thực hiện 3 quyền hành pháp, tư pháp, lập pháp độc lập nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, cho nên phải phối hợp, làm thật tốt, không câu nệ, không "quyền anh, quyền tôi".
Cố gắng tạo sự thống nhất trên cơ sở đánh giá, phản biện, nêu ý kiến độc lập. Các cơ quan tiếp thu ý kiến đóng góp, hoàn thiện văn bản.
Tại phiên họp, Văn phòng Chính phủ cũng đã báo cáo về việc rà soát văn bản pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong điều kiện dịch Covid-19.
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, các bộ cần rà soát lại các văn bản pháp luật theo tinh thần chung bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, chủ trương sửa đổi dùng một luật sửa nhiều luật, tháo gỡ ách tắc nhiều năm chưa tháo gỡ được, nhất là trong tình hình hiện nay, ảnh hưởng dịch Covid-19, kinh tế - xã hội khó khăn để tạo ra nguồn lực, động lực mới cho sự phát triển.
Phải rà soát rất kỹ theo tinh thần này, không làm tràn lan, phải làm căn cơ và theo pháp luật. Cái gì đã "chín", đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì triển khai ngay, thì chúng ta sửa đổi, bổ sung, luật hóa. Cái gì thấy thực tiễn đặt ra, cần kiểm chứng, tạo sự đồng thuận thì chúng ta làm.
Phải phân cấp, phân quyền tối đa, tăng cường giám sát, kiểm tra. Cái gì cấp dưới làm được, làm tốt thì phân cấp cho họ, không tập trung ở Trung ương. Tăng cường chịu trách nhiệm của các cấp; giám sát, kiểm tra quyền lực bằng các công cụ quản lý nhà nước.
Làm có trọng tâm, trọng điểm, những gì cần thiết, cấp bách thì làm trước, rà soát thêm, thực sự cần thiết thì đưa vào, nếu không thì dừng lại. Bộ trưởng Tư pháp thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội xin chủ trương, trên cơ sở đó, chúng ta sẽ làm, các Bộ trưởng theo quy định thì cũng chủ trì làm. Những phần nào thuộc trách nhiệm của các bộ thì Bộ trưởng bộ đó phải làm.
Trong một kỳ họp, không thể giải quyết hết các ách tắc mà chúng ta cần chọn lọc những gì cần thiết, cấp bách để làm nhằm tháo gỡ nguồn lực trong lúc dịch bệnh chưa được kiểm soát, kinh tế còn khó khăn.
Việc cần làm tiếp nữa, đề nghị các Bộ trưởng chủ trì, thực hiện ở các kỳ họp sau theo thủ tục, luật pháp quy định; các Bộ trưởng phải "xắn tay" trực tiếp làm. Thủ tướng hoan nghênh Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư... làm có trách nhiệm để tháo gỡ các vướng mắc.
Theo nhandan.vn