.
KỲ HỌP THỨ 2, QUỐC HỘI KHÓA XV:

Đại biểu Tiền Giang thảo luận kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế và quy hoạch sử dụng đất quốc gia

Cập nhật: 21:44, 29/10/2021 (GMT+7)

(ABO) Ngày 29-10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) và thảo luận tổ về báo cáo các tờ trình về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050...

Trong buổi sáng, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến đại biểu đánh giá cao và tán thành với nhiều nội dung trong tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; đồng thời, nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật này.

Đại biểu Nguyễn Kim tuyến phát biểu tại buổi thảo luận tổ
Quang cảnh buổi thảo luận tại tổ.

Bên cạnh đó, một số đại biểu có ý kiến tranh luận, tập trung về những nội dung cụ thể của dự án Luật, như: Hồ sơ và bố cục dự thảo Luật; sự phù hợp của Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với Hiến pháp và các luật có liên quan; phạm vi điều chỉnh; áp dụng pháp luật; chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm; nội dung hợp đồng bảo hiểm; hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe; hợp đồng bảo hiểm tài sản và thiệt hại; quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm...

Buổi chiều, các ĐBQH nghe các tờ trình, báo cáo và thảo luận tổ về: Dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).

Thảo luận kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025

Cho ý kiến về Dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, đa số đại biểu đơn vị tỉnh Tiền Giang cho rằng, việc xây dựng kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế của giai đoạn trước; đồng thời, đưa các nội dung đi vào thực chất, hiệu quả, nhất là trong bối cảnh phải đương đầu với đại dịch Covid-19 như thời gian qua và chưa thể đảm bảo hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh nên các giải pháp, định hướng, chiến lược trong thời gian tới cần được điều chỉnh cho phù hợp với giai đoạn phục hồi nền kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến thống nhất với 5 nhóm giải pháp mà Chính phủ đưa ra trong Dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Đại biểu cho rằng, các nhóm giải pháp đều rất cần thiết, tuy nhiên đại biểu đề nghị Chính phủ cần xác định nhóm giải pháp ưu tiên trọng tâm để tập trung nguồn lực về con người, tài chính trong điều kiện còn hạn hẹp về nguồn lực.

Đại biểu Nguyễn Kim tuyến phát biểu tại buổi thảo luận tổ
Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến đóng góp ý kiến đối với kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế tại buổi thảo luận tổ.

Đối với việc hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, ngân sách nhà nước, đầu tư công và tổ chức sự nghiệp công lập, đại biểu đề nghị giảm bớt các thủ tục hành chính để giảm nguồn nhân lực đi kèm, từ đó giảm chi tiêu. Đồng thời, cần đánh giá lại hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm tiến tới tự chủ để chuyển sang loại hình doanh nghiệp, giảm áp lực cho ngân sách nhà nước. Cùng với đó, việc chi đầu tư cần được đánh giá lại, nên đầu tư theo chiều sâu hơn là chiều rộng, mang tính đột phá, trọng tâm hơn. Vì theo đánh giá của Chính phủ và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thời gian qua, chi đầu tư còn dàn trải, manh mún; nhiều trường hợp đầu tư công chưa hiệu quả.

Các đại biểu cũng đề nghị cần làm tốt các khâu như thẩm định dự án, tư vấn thiết kế xây dựng công trình, việc giải ngân vốn đầu tư để tránh lãnh phí nguồn lực, giảm hiệu quả của dự án đầu tư. Vì thời gian qua, chưa làm tốt khâu thẩm định dự án, còn mang tính sơ sài, thiếu khả thi. Việc tư vấn, thiết kế xây dựng công trình đầu tư công còn lãng phí. Việc triển khai dự án đầu tư công giải ngân còn chậm dẫn đến lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả của dự án.

Ngoài ra, các đại biểu cho rằng bên cạnh các giải pháp trên, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa trên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, tận dụng mọi nguồn lực để ngân sách nhà nước phát huy vai trò định hướng, thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Góp ý đối với Quy hoạch sử dụng đất quốc gia

Đối với Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) cấp quốc gia, các đại biểu nhất trí với Báo cáo thẩm tra về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025)

Đồng thời, đóng góp thêm một số ý kiến đối với các mục tiêu cụ thể như:

Về đất trồng lúa, đề nghị rà soát, hạn chế việc chuyển đổi đất lúa tại các vùng có tiềm năng trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp. Đại biểu Tiền Giang kiến nghị Trung ương xem xét giảm chỉ tiêu sử dụng đất trồng lúa phân bổ cho địa bàn tỉnh Tiền Giang trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, với diện tích đất trồng lúa còn khoảng 39.120 ha; nhằm tạo điều kiện cho địa phương thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển các vùng chuyên canh cây ăn trái theo hướng bền vững; đồng thời, đầu tư xây dựng các công trình, dự án sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, cơ sở hạ tầng... phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu ý kiến đối với dự án luật SHTT
Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận tổ.

Đối với đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đề nghị Chính phủ làm rõ, có giải trình cụ thể về việc giảm diện tích đất rừng phòng hộ tại vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và vùng Đông Nam bộ. Vì đây là những địa bàn chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ hằng năm, rất cần củng cố và mở rộng phát triển diện tích rừng phòng hộ.

Đồng thời, kiến nghị Trung ương xem xét giảm chỉ tiêu sử dụng đất rừng phòng hộ phân bổ cho địa bàn tỉnh Tiền Giang trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, với diện tích đất rừng phòng hộ còn khoảng 2.117 ha; nhằm tạo điều kiện cho địa phương thực hiện chuyển đổi mục đích, mời gọi đầu tư phát triển công nghiệp khu vực phía Đông; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư và phát triển rừng phục vụ mục tiêu bảo vệ bờ biển chống sạt lở, xói mòn.

Đại biểu Nguyễn Thị Uyên Trang phát biểu tại buổi thảo luận tổ
Đại biểu Nguyễn Thị Uyên Trang phát biểu tại buổi thảo luận tổ.

Ngoài ra, đại biểu cũng kiến nghị Trung ương tiếp tục chuyển tiếp phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 vào quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho địa bàn tỉnh, trong đó có 3 dự án là: Khu công nghiệp Bình Đông (212 ha), Khu công nghiệp Tân Phước 1 (470 ha), Khu công nghiệp Tân Phước 2 (300 ha) để tổ chức triển khai đầu tư các dự án khu công nghiệp cho địa bàn tỉnh…

HOÀI THU (lượt ghi)

.
.
.