Phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Ngày 13-10, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19: Khắc phục đứt gãy kinh tế, tăng cường kết nối giữa các địa phương”.
Hội thảo trực tuyến được tổ chức tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị quốc tế số 11 Lê Hồng Phong (Hà Nội) và các điểm cầu tại Văn phòng 63 tỉnh, thành ủy toàn quốc.
Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì Hội thảo. Đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố cả nước cùng đông đảo đại biểu khách quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước đã tham dự Hội thảo.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, Hội thảo nhằm triển khai, cụ thể hóa các kết luận của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư, khóa XIII về một số vấn đề kinh tế - xã hội trên tinh thần mới, đổi mới tư duy, phương thức về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với phục hồi, duy trì phát triển sản xuất kinh doanh, thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát có hiệu quả đại dịch Covid-19; cũng như thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Tại Hội thảo, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đã trình bày dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2020-2023. Dự thảo Chương trình nêu các quan điểm định hướng, ưu tiên và các nhóm giải pháp quản trị rủi ro gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; nhóm giải pháp về thông tin, truyền thông.
Các đại biểu nêu ý kiến thống nhất, hơn một năm qua, với nỗ lực to lớn, tinh thần quyết liệt của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, bằng các giải pháp xử lý đúng đắn, kịp thời và đồng bộ, Việt Nam đã kiểm soát tốt sự lây lan, phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả và duy trì phát triển kinh tế - xã hội, vẫn là một điểm sáng trên thế giới.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là đợt bùng phát dịch lần thứ tư từ tháng 4-2021 đến nay, Việt Nam đang phải đối mặt với những hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19 trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Đặc biệt, tác động của đại dịch đã làm cho nền kinh tế Việt Nam bị chệch ra khỏi quỹ đạo tăng trưởng, hiện đang ở mức thấp hơn đáng kể so với tăng trưởng tiềm năng và nếu không được khắc phục sớm, bản thân quỹ đạo tăng trưởng này có nguy cơ bị đảo chiều, có thể bị chuyển xuống mức tăng trưởng tiềm năng thấp hơn.
Đại dịch lần này đã làm đứt gãy các liên kết trong nền kinh tế và trong các hoạt động của đời sống xã hội, dẫn đến đứt gãy sự kết nối giữa tổng cung và tổng cầu gồm: đứt gãy trong chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị do đột ngột ngưng cung lao động; đứt gãy trong khâu vận chuyển, vận tải và hệ thống logistics; đứt gãy trong khu vực dịch vụ cần tiếp xúc trực tiếp...
Tham luận tại Hội thảo, lãnh đạo các địa phương, các doanh nghiệp đã chia sẻ những kinh nghiệm, những mô hình vừa bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả; vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để khắc phục các đứt gãy kinh tế, tăng cường phối hợp hành động nhằm thực thi thắng lợi “mục tiêu kép” trong trạng thái “bình thường mới”. Nhiều kinh nghiệm về bảo đảm năng lực y tế, bảo đảm an sinh xã hội, sự phối hợp giữa các địa phương... đã được các đại biểu chia sẻ.
Các chuyên gia, đại diện các tổ chức quốc tế, cơ quan nước ngoài tại Việt Nam lạc quan vào tương lai phát triển của Việt Nam. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Các chuyên gia, đại diện các tổ chức quốc tế, cơ quan nước ngoài tại Việt Nam đã nêu nhiều ý kiến thể hiện sự lạc quan vào tương lai phát triển của Việt Nam, với các giải pháp mà Việt Nam đã và đang thực hiện, nhất là khi các cân đối lớn, vĩ mô, chính sách tài khóa của Việt Nam vẫn bảo đảm. Đồng thời, các đại biểu bày tỏ đồng tình và đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả cao phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19 như: tiếp tục đẩy mạnh chiến lược vaccine; động viên nhân dân tiếp tục thực hiện 5K và các giải pháp phòng, chống dịch khác; nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội, nhất là nhóm yếu thế; bảo đảm lưu thông, di chuyển thông suốt, an toàn; kích cầu tiêu dùng; thúc đẩy đầu tư công; đẩy mạnh chuyển đổi số... Các đại biểu đặc biệt quan tâm, lưu ý các chính sách cần được xây dựng, thực thi nhất quán, thống nhất từ Trung ương tới địa phương.
Phát biểu kết thúc Hội thảo, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn, đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, chất lượng cao của các đại biểu; yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp thu, tổng hợp để phục vụ quá trình xây dựng chính sách và thực thi các giải pháp nhằm phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19.
Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, trước tình hình dịch bệnh đang lây lan toàn cầu, không có người dân nào an toàn khi vẫn còn người dân khác mắc Covid-19, không có quốc gia nào an toàn khi còn các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới vẫn còn phải chống dịch Covid-19. Do đó, đòi hỏi chúng ta phải kiên trì các biện pháp phòng, chống dịch; cùng với đó là giữ vững kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; có giải pháp tăng tổng cầu để kích thích sản xuất; tập trung khôi phục thị trường lao động; tìm giải pháp giảm chi phí đầu vào của sản xuất…
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung chăm lo an sinh xã hội, ổn định đời sống cho nhân dân cả về vật chất, tinh thần; giữ vững an ninh trật tự, an toàn, an dân. Đặc biệt, các bộ, ngành và địa phương sẽ cùng với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, phát triển sản xuất, kinh doanh theo nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ các đại biểu bên lề hội thảo. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Hội thảo đã đưa ra nhiều ý kiến, giải pháp, mô hình có giá trị nhằm giảm rủi ro, bảo đảm an toàn cho nguời dân trong bối cảnh dịch Covid-19 đồng thời tham gia các giải pháp, mô hình, xây dựng kịch bản khôi phục và phát triển kinh tế bảo đảm thực hiện thành công chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.
Theo nhandan.vn