.

Tiền Giang: Chuyển biến tích cực từ Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị

Cập nhật: 10:18, 12/11/2021 (GMT+7)

Sau 8 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012 - 2020 (viết  tắt Nghị quyết 21), với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tỉnh Tiền Giang, sự nỗ lực vượt khó của ngành BHXH từ tỉnh đến cơ sở, Nghị quyết 21 đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực.

HIỆU QUẢ TỪ NGHỊ QUYẾT

Quán triệt Nghị quyết 21, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động 38 thực hiện Nghị quyết 21, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 21 và Chương trình hành động của Tỉnh ủy; đồng thời, chỉ đạo các cấp chính quyền, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo BHXH tỉnh phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu công tác BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). BHXH tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phát triển người tham gia BHXH, BHYT với nhiều hình thức, thông qua nhiều kênh truyền thông: Tuyên truyền qua báo, đài, cổng thông tin điện tử, các mạng xã hội (Zalo, Facebook: Youtube, Tiktok); phát hành tờ rơi, băng rôn, pa nô, áp phích; tổ chức hội nghị khách hàng; tuyên truyền, vận động trực tiếp người dân…

Kết quả, 100% cán bộ, đảng viên nhận thức đúng về chính sách BHXH, BHYT; trên 90% người lao động (NLĐ) và nhân dân nâng cao nhận thức và tự nguyện tham gia BHXH, BHYT, BHTN.

Giám đốc BHXH Tiền Giang Võ Khánh Bình trao tặng thẻ BHYT cho các hộ gia đình làm nông nghiệp có mức sống trung bình ở huyện Tân Phước (ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát).
Giám đốc BHXH Tiền Giang Võ Khánh Bình trao tặng thẻ BHYT cho các hộ gia đình làm nông nghiệp có mức sống trung bình ở huyện Tân Phước (ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát).

Qua 8 năm thực hiện Nghị quyết 21, số người tham gia BHXH tăng bình quân hằng năm 9,5%/năm; cụ thể, năm 2013 có 133.391 người tham gia (chiếm 13,4% lực lượng lao động trong độ tuổi), đến năm 2020 có 209.497 người tham gia (chiếm 19,6% lực lượng lao động trong độ tuổi). Số người tham gia BHYT tăng bình quân hằng năm 4,2%/năm; cụ thể, năm 2013 có 946.541 người tham gia (chiếm 58,8%), năm 2020 có 1.644.884 người tham gia (chiếm 92,61% dân số toàn tỉnh).

Số người tham gia BHTN tăng bình quân hằng năm 7,1%/năm; cụ thể, năm 2013 có 114.208 người tham gia (chiếm 11% lực lượng lao động trong độ tuổi), đến năm 2020 có 179.429 người tham gia (chiếm 16,8% lực lượng lao động trong độ tuổi). Số người tham gia các loại hình bảo hiểm tăng dần qua các năm và chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) BHYT ngày càng nâng lên…

Theo BHXH tỉnh, cùng với sự tăng nhanh số người tham gia, số thu BHXH, BHYT, BHTN cũng tăng nhanh. Tổng thu BHXH, BHYT, BHTN từ năm 2012 đến năm 2020 trên 29.000 tỷ đồng. Đặc biệt, Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm đến việc thực hiện các chế độ BHXH, BHYT cho NLĐ và nhân dân, từ năm 2011 đến 2019 tỉnh đã trích ngân sách đóng BHXH tự nguyện, BHYT cho đối tượng là người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ấp; hỗ trợ 30% mức đóng BHYT (ngoài mức hỗ trợ 70% của Trung ương) cho đối tượng hộ cận nghèo; hỗ trợ 30% mức đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình nông - lâm nghiệp có mức sống trung bình (ngoài hỗ trợ 30% của Trung ương); hỗ trợ 5% mức đóng BHYT (ngoài mức hỗ trợ 30% của Trung ương) cho học sinh, sinh viên. Nhờ đó, các đối tượng này được KCB kịp thời, giảm gánh nặng về kinh tế khi không may bị ốm đau, bệnh tât.

BHXH tỉnh còn đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT. Ngành BHXH đã cắt giảm từ 115 bộ TTHC xuống còn 27 bộ TTHC (năm 2020) và hiện nay còn 25 bộ TTHC; trong đó có 6 dịch vụ công (DVC) mức độ 2, 6 DVC mức độ 3, 13 DVC mức độ 4.

Mặt khác, triển khai thực hiện nhiều phương thức giao dịch: Giao dịch hồ sơ điện tử, giao dịch hồ sơ qua Bưu điện, giao dịch hồ sơ ở bộ phận “Một cửa” tại cơ quan BHXH tỉnh, huyện và Trung tâm Hành chính công để người dân, doanh nghiệp lựa chọn, đảm bảo giải quyết linh hoạt, hiệu quả, kịp thời, tiện lợi. Từ năm 2012 đến năm 2020 đã giải quyết cho trên 3,4 triệu lượt người hưởng, với số tiền gần 20.000 tỷ đồng.

NHIỀU GIẢI PHÁP TĂNG NHANH DIỆN BAO PHỦ BHXH, BHYT

Theo đánh giá của BHXH các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh, bên cạnh những thuận lợi, việc thực hiện Nghị quyết 21 vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế như: Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHTN còn thấp; tỷ lệ NLĐ tham gia BHXH tự nguyện những năm gần đây tăng mạnh nhưng vẫn chiếm tỷ lệ thấp so với lực lượng lao động của tỉnh; số người tham gia BHYT ở một số nhóm đối tượng chưa mang tính bền vững (học sinh, sinh viên, hộ gia đình và tỷ lệ người tham gia BHYT theo hộ nông - lâm - ngư nghiệp còn thấp so với tiềm năng hiện có); công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, BHXH, BHYT, BHTN tại các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý của các huyện, thành, thị chưa thường xuyên; chất lượng KCB BHYT ở một số cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là ở tuyến cơ sở…

Tuyên truyền lưu động chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.
Tuyên truyền lưu động chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.

Giám đốc BHXH tỉnh Võ Khánh Bình cho biết: “Qua 8 năm thực hiện Nghị quyết 21 đã có nhiều bài học được rút ra, nhìn nhận một cách khách quan về những việc làm được và những việc chưa làm được, từ đó tháo gỡ khó khăn, hạn chế để thực hiện tốt hơn trong giai đoạn tiếp theo.

Theo Quyết định 824 ngày 16-4-2021 của UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng BHXH: Năm 2021, có 27% lực lượng trong độ tuổi tham gia BHXH, 92% dân số tham gia BHYT; đến năm 2025, có 37% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trên 92% dân số tham gia BHYT…

Để đạt những mục tiêu này, BHXH tỉnh đề ra 5 nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh, như sau: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của NLĐ và nhân dân về chính sách BHXH, BHYT; xây dựng các nhóm giải pháp thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN; đẩy mạnh CCHC và thường xuyên nâng cao năng lực, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ của đội ngũ cán bộ ngành BHXH, hướng tới chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của NLĐ và nhân dân...”.

Tại Hội nghị tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 21 vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Văn Bình nhấn mạnh: BHXH, BHYT là hai chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, có tính nhân văn cao, yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể khắc phục những hạn chế còn tồn tại, thực hiện tốt hơn nữa các chủ trương, chính sách về BHXH, BHYT, BHTN. Đồng chí yêu cầu tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

Trong đó, cần chủ động nắm tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, công nhân, NLĐ gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 để thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và địa phương kịp thời, hiệu quả, không để ai bị bỏ lại phía sau; không để xảy ra tình trạng trục lợi, tham nhũng, tiêu cực trong thực hiện các chính sách hỗ trợ.

Duy trì việc làm, tham gia đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, BHXH, BHYT, BHTN tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi tiền BHXH, BHYT, BHTN. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tăng nhanh và bền vững diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh...

HOÀI THU

.
.
.