Tiền Giang phấn đấu năm 2025 đạt tỉnh nông thôn mới
(ABO) Ngày 18-11, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị tổng kết Nghị quyết 21 và Kết luận 28 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001 - 2010, thời kỳ 2011 - 2021. Các đồng chí: Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và Trần Văn Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu tại hội nghị. |
Theo Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 21 và Kết luận 28 của Bộ Chính trị do đồng chí Trần Văn Dũng trình bày: Tiền Giang đã tích cực triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh giai đoạn 2003 - 2020 tăng bình quân 9,0%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế tăng từ 891,1 ngàn người (năm 2003) lên 984,8 ngàn người (năm 2010) và 1.081,1 ngàn người (năm 2020), chiếm 11,2% so toàn vùng, tăng bình quân 1,1%/năm.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2003 - 2020 đạt 80.396 tỷ đồng, tăng bình quân 17,1%/năm; trong đó, giai đoạn 2003 -2010 đạt 14.051 tỷ đồng và giai đoạn 2011 - 2020 đạt 66.345 tỷ đồng. Chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2003 - 2020 là 134.880 tỷ đồng, tăng bình quân 17,1%/năm; trong đó, chi đầu tư phát triển 38.041 tỷ đồng, chiếm 38,2% tổng chi ngân sách.
GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 56,2 triệu đồng, tương đương 2.400 USD, gấp 10 lần so với năm 2003. Tổng huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2003 - 2020 đạt 310.151 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 15,0%/ năm. Năng suất lao động giai đoạn 2003 - 2020 tăng bình quân 14,0%/năm. Hệ số ICOR của tỉnh có xu hướng tăng dần qua các giai đoạn.
Xây dựng 118/143 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), chiếm 82,5%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề; 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; huyện Gò Công Đông và huyện Chợ Gạo đạt chuẩn huyện NTM; TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công và TX. Cai lậy hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đến cuối năm 2020, số tiêu chí bình quân là 17,7 tiêu chí/xã…
Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông phát biểu tham luận tại hội nghị. |
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở, ngành đã có nhiều tham luận, làm rõ thêm kết quả thực hiện Nghị quyết 21 và Kết luận 28 của Bộ Chính trị trên các lĩnh vực của tỉnh. Các tham luận còn đưa ra mục tiêu, giải pháp và kiến nghị các vấn đề trên các lĩnh vực để Tiền Giang thực hiện phát triển các lĩnh vực đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tham luận. |
Mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Phát triển kinh tế nhanh và bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, liên kết vùng mở rộng thị trường xuất khẩu; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Huy động mọi nguồn lực, tập trung thực hiện có hiệu quả các khâu đột phá đã xác định để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh. Cụ thể, đến năm 2025, Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phấn đấu đến năm 2025, xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM.
Quang cảnh hội nghị. |
Tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án lớn trên địa bàn tỉnh, kết hợp với công tác chính trang đô thị, nâng cấp via hè, hệ thống thoát nước, mở rộng hẻm, hệ thống giao thông.... Rà soát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, kiên quyết chấm dứt đầu tư đối với các dự án kém hiệu quả, thiếu tính khả thi để tập trung đầu tư cho các công trình và dự án cấp bách khác.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phương pháp quản lý hiện đại trong tổ chức xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng nguồn lực cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh. Thực hiện nghiêm Luật Ngân sách nhà nước, tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước ở tất cả các cấp, các ngành; nuôi dưỡng nguồn thu, giám sát chặt chẽ các khoản chi từ ngân sách nhà nước, bảo đảm tiết kiệm, chống lãng phí, tăng nguồn thu sự nghiệp.