.

Vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng, gìn giữ, chấn hưng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc

Cập nhật: 15:27, 24/11/2021 (GMT+7)

(ABO) Sáng 24-11, Ban Tuyên giáo Trung ương cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến toàn quốc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Hà Nội.

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Văn Bình; Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Châu Thị Mỹ Phương; đại diện Thường trực HĐND - UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; lãnh đạo Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Tại hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa báo cáo tóm tắt về “Kết thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; Các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.

Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố cùng các đại biểu là trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trình bày nhiều ý kiến, bài tham luận phân tích những thành tựu văn hóa của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; những khó khăn, hạn chế còn tồn tại; một số giải pháp bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa dân tộc và giải pháp phát huy, khai thác hiệu quả hơn trong thời gian tới...

Sau khi lắng nghe tham luận của lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương và một số đại biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lược lại lịch sử quan điểm xuyên suốt của Đảng về văn hóa ngay từ ngày đầu thành lập tới nay chính là văn hóa phải được đặt ngang hàng chính trị, kinh tế, xã hội, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Đồng thời, nhấn mạnh, chủ trương xuyên suốt của Đảng ta là xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó con người là chủ thể xây dựng văn hóa; trọng tâm xây dựng văn hóa là xây dựng con người. “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”, văn hóa làm nên hồn cốt của dân tộc nên mất văn hóa là mất dân tộc. Nhìn lại những thành tựu trong xây dựng về văn hóa, sản phẩm văn hóa, bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa có nhiều thành tựu đáng tự hào.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu vẫn còn không ít hạn chế như: Nhận thức của các ngành, các cấp chưa được đầy đủ về văn hóa; phát triển văn hóa chưa đồng bộ; môi trường văn hóa bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội; nhiều di tích văn hóa có thể bị mai một, lưu vong; tình trạng làm kinh tế trong văn hóa làm mất đi giá trị văn hóa; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý về văn hóa chưa được quan tâm đúng mức; một số yếu kém, khuyết điểm chậm được giải quyết; tiếp thu văn hóa chưa chọn lọc trong thời kỳ hội nhập quốc tế... Cần phân tích sâu sắc nguyên nhân dẫn đến những hạn chế này, nhất là nguyên nhân chủ quan, để chấn hưng việc phát triển văn hóa Việt Nam trong thời gian tới..

Quang cảnh tại điểm cầu Tiền Giang
Quang cảnh tại điểm cầu Tiền Giang.

Tổng Bí thư cũng đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm và nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực đề nghị các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương tập trung thực hiện trong thời gian tới.  

Đồng thời, đề nghị ngay sau hội nghị này, mỗi đồng chí, nhất là các đồng chí làm công tác văn hóa, các trí thức, văn nghệ sĩ cả nước quán triệt sâu sắc, toàn diện chủ trương, quan điểm về văn hóa của Đảng ta, đặc biệt là quan điểm của Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về việc xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Cùng nhau nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn và toàn diện hơn về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, xứng tầm với sự nghiệp đổi mới và truyền thống lịch sử vẻ vang ngàn năm văn hiến của dân tộc.

Tổng Bí thư mong rằng sau hội nghị này, công tác văn hóa sẽ có bước tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.

Tổng Bí thư tin tưởng, với một đất nước dân tộc giàu truyền thống yêu nước, giàu truyền thống cách mạng, nhân dân đoàn kết, cần cù, sáng tạo, đội ngũ trí trức, văn nghệ sĩ tâm huyết, tài năng, có trách nhiệm cao với nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới...

THU HOÀI

 

.
.
.