.

Tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 gắn với phục hồi kinh tế - xã hội

Cập nhật: 12:18, 05/02/2022 (GMT+7)

Dịch COVID-19 xuất hiện gây nhiều xáo trộn trong cuộc sống của người dân. Trên nền tảng kinh nghiệm phòng, chống dịch, năm 2021, ngành Tuyên giáo tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, có những nhận định, đánh giá, dự báo chính xác tình hình, kịp thời đề ra phương hướng lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách, phù hợp với diễn biến dịch bệnh của từng giai đoạn và thực tiễn của đất nước.

Từ những quyết sách kịp thời, hợp lý đã tạo sự đồng thuận, tin tưởng, đoàn kết, ủng hộ của người dân, thực hiện thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch, phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

b

Trạm y tế lưu động trên địa bàn phường Thái Hòa, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ảnh: TTXVN phát

Tạo đồng thuận xã hội

Xác định công tác thông tin, tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm, ngay từ đầu năm, trên cơ sở kinh nghiệm đã có, toàn ngành Tuyên giáo đã quan tâm, tập trung chỉ đạo, định hướng, triển khai bài bản, quyết liệt, huy động sức mạnh tổng thể của các lực lượng làm công tác này. Các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 đã được cung cấp kịp thời, minh bạch và sâu rộng tới tất cả các nhóm đối tượng trong xã hội, tạo ra sự hưởng ứng mạnh mẽ, đồng thuận của toàn xã hội trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành nhiều công văn, kế hoạch, hướng dẫn, quán triệt sâu sắc và chỉ đạo, định hướng công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 tới các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các cơ quan báo chí, ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và các tổ chức chính trị - xã hội, phù hợp với từng giai đoạn cụ thể: “Thực hiện mục tiêu kép”, “phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới”, bảo đảm yêu cầu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh đối với từng vùng, từng địa bàn, đặc điểm dân cư...

Ban Tuyên giáo các cấp chủ động thành lập Tiểu ban tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 để triển khai các hoạt động tuyên truyền. Hàng tuần báo cáo cấp ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và ban tuyên giáo cấp trên về kết quả thực hiện của từng cơ quan, đơn vị.

Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy chủ động, tập trung triển khai xây dựng các kế hoạch, văn bản chỉ đạo công tác tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19, chỉ đạo và hướng dẫn hệ thống tuyên giáo cơ sở tập trung tuyên truyền theo các nội dung đã đề ra. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, nhanh nhạy, linh hoạt đảm bảo mục tiêu truyền thông an dân, vì nhân dân để tạo ra sự bình ổn, đoàn kết thống nhất, cùng chung tay góp sức khắc phục khó khăn vượt qua đại dịch. Xuất hiện nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, đơn cử như tuyên truyền trên báo chí, trên nền tảng số, internet, cổng/trang thông tin điện tử các ban, bộ, ngành, địa phương và mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube…) bằng hình thức livestream, video, clip, banner ảnh, infographics, biểu ngữ cổ động, tin nhắn…

Tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh cơ sở, đội truyền thông lưu động, loa tay, thông qua hội nghị, sinh hoạt chính trị - xã hội; chú trọng phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở để tuyên truyền phòng, chống dịch sâu sát, cụ thể, “đi từng ngõ, gõ từng nhà”; nhắc nhở, vận động người dân vừa tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, vừa tăng gia lao động, sản xuất, kinh doanh với tinh thần như thời chiến “vừa sản xuất, vừa chiến đấu”. Tuyên truyền, thông tin, cổ động trên các phương tiện trực quan: băngrôn, khẩu hiệu, pano, áp phích, phim, ảnh, triển lãm… trên các trục đường chính, chợ dân sinh, siêu thị, bệnh viện, tổ dân phố, khu chung cư, khu lao động, khu công nghiệp, chế xuất…; tuyên truyền thông qua các hoạt động văn hóa - văn nghệ, trên các ấn phẩm sách, tài liệu, tờ rơi, tờ gấp… tạo được sự an tâm đến với đông đảo người dân với các quyết sách của chính quyền các cấp về phòng, chống dịch...

Ngành Tuyên giáo tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan liên quan, đặc biệt là ngành Y tế, kịp thời định hướng, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về tình hình, diễn biến dịch bệnh, các chủ trương, văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, thành phố về công tác phòng, chống dịch. Điển hình là công tác phối hợp, phát huy vai trò của Tổ COVID-19 cộng đồng, tổ kiểm soát ở thôn, bản, tổ dân phố trong tham gia tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19. Hệ thống tuyên giáo cơ sở đã chủ động xây dựng các loại tài liệu, video clip, Inforgraphic...; tận dụng hệ thống loa phát thanh của các phường, xã, trường học để thực hiện công tác tuyên truyền. Lực lượng quân y, bộ đội tham gia các trạm Y tế lưu động, tổ chăm sóc F0 ở phường, xã, thị trấn đã tích cực tham gia tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch. Qua đó, giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch, thực hiện tốt phương châm “5K + vaccine”, “5T”.

Sáng tạo trong thực hiện

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương đã thành lập Tổ công tác đặc biệt Trung ương do đồng chí do đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương làm tổ trưởng, hỗ trợ chỉ đạo, định hướng truyền thông đúng kịch bản đề ra; bổ sung, điều chỉnh kịch bản truyền thông phù hợp với thực tiễn.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết trong triển khai công tác tư tưởng, tuyên truyền, cần quán triệt sâu sắc 3 phương châm. Đó là công tác thông tin, tuyên truyền cần đi trước, mở đường, giảm thiểu chạy theo, nói lại. Trong công tác phòng, chống dịch, do thực tiễn phát sinh nhiều vấn đề, đồng thời cần phải linh hoạt thay đổi biện pháp, rất dễ khiến người dân bị động trong sinh kế và cuộc sống thường ngày, đồng thời các thế lực thù địch dễ lợi dụng xuyên tạc. Do đó, ông Nguyễn Hải Bình nhấn mạnh cần phải có kế hoạch truyền thông đi trước, làm công tác tư tưởng kỹ càng, giảm thiểu tình trạng ban hành chính sách đột ngột khiến người dân không có thời gian chuẩn bị; đồng thời phải làm cho thông tin đến được với dân. Do phong tỏa, giãn cách, nhiều người dân không tiếp cận được thông tin chính thống nên vốn đã khó khăn lại càng thêm bức xúc. Một số nơi, do nguyên nhân chủ quan và khách quan, thông tin không đến được với dân, không thực hiện tốt ngay từ bước đầu tiên là “dân biết”, do đó không thể làm cho “dân hiểu, dân tin” được.

Một điểm nữa là phải kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, nhu cầu, bức xúc của người dân. Việc này có nhiều giá trị quan trọng, nhất là đối với việc điều chỉnh chính sách, biện pháp cho phù hợp thực tế, gắn với lợi ích của nhân dân, lấy nhân dân làm trọng. Thậm chí, trong khi chưa kịp điều chỉnh chính sách hoặc chưa kịp triển khai hiệu quả, việc phát huy tinh thần sẵn sàng lắng nghe, trao đổi, tiếp xúc qua các kênh khác nhau cũng đã giải quyết được phần nào bức xúc của người dân.

Ông Nguyễn Hải Bình dẫn chứng, tại Thành phố Hồ Chí Minh, việc triển khai chương trình livestream “Dân hỏi - Thành phố trả lời” là minh chứng cho sự cần thiết phải duy trì và phát huy mọi kênh tương tác với người dân. Qua kênh tương tác này, lãnh đạo thành phố nắm bắt tâm tư của nhân dân, phát hiện những bất cập trong tổ chức triển khai và thực hiện chính sách phòng, chống dịch tại cơ sở; trực tiếp trả lời nhân dân, giải tỏa bức xúc của nhân dân. Qua tương tác trực tiếp, tỷ lệ người dân bày tỏ bức xúc giảm dần qua từng ngày. Người dân ngóng chờ 21h hàng đêm để được bày tỏ nguyện vọng, nhu cầu với các cấp lãnh đạo thành phố. Một số tỉnh, thành khác cũng đã có các hình thức linh hoạt để nắm bắt tình hình dư luận xã hội, từ kênh đường dây nóng 1022, đến các chương trình truyền hình tương tác (như “Về làng xuống phố” của Đài Phát thanh-Truyền hình Đồng Tháp), sử dụng Google Form (Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu…), sử dụng phần mềm chuyên dụng (Lâm Đồng…).

Phát huy vai trò tiên phong

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, trong thời gian tới, ngành Tuyên giáo tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, “đi trước mở đường” tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch; đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm người đứng đầu, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Ngành Tuyên giáo cần phải chủ động trong công tác thông tin, tuyên truyền; chủ động, tích cực, linh hoạt, kiên quyết, hiệu quả, sự việc xảy ra tại đâu thì xử lý triệt để tại đó, nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu giải pháp xử lý.

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn nhấn mạnh trong năm 2022, toàn ngành Tuyên giáo đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và đồng thuận xã hội về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng nhân dân, tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...

Trước mắt, cần chủ động thông tin, tuyên truyền trong trạng thái bình thường mới vừa phát triển kinh tế, vừa sẵn sàng phòng, chống dịch trong tất cả các ngành, lĩnh vực và ở tại tất cả các cơ quan, đơn vị tổ chức doanh nghiệp và cộng đồng; coi việc đảm bảo an toàn với dịch bệnh là cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, siết chặt việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhất là những nơi thường xuyên tập trung đông người, xử lý nghiêm các vi phạm.

Hệ thống tuyên giáo các cấp chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyên truyền, giáo dục phòng, chống dịch COVID-19, tập trung tuyên truyền về thực hiện yêu cầu “5K + vaccine”, “5T”; xử lý nghiêm việc đưa tin sai lệch về dịch bệnh gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng; triển khai tốt ứng dụng khai báo y tế, thực hiện truy vết các trường hợp nghi ngờ và xây dựng bản đồ an toàn dịch bệnh. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp để tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, cảnh giác với dịch bệnh và tự giác tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền tạo thành dòng thông tin chủ lưu về những diễn biến tích cực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của cả nước và từng tỉnh, thành phố; các chính sách, giải pháp mới nhằm kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, sớm phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch COVID-19; tạo sự yên tâm, tin tưởng nhưng không chủ quan, lơ là của người dân trong và ngoài nước, người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài và bạn bè quốc tế. Tuyên truyền các vấn đề trong phòng, chống dịch gắn với phục hồi kinh tế - xã hội theo nhiều góc nhìn tích cực, truyền cảm hứng cho xã hội; tuyên truyền về chiến lược tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, đặc biệt là nỗ lực triển khai tiêm chủng cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Công tác tuyên truyền khẳng định việc thực hiện tiêm chủng cho trẻ em được chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, trên cơ sở khoa học với loại vaccine được nhiều quốc gia trên thế giới phê chuẩn và đưa vào chương trình tiêm chủng; tránh các thông tin thiếu căn cứ, chưa được kiểm chứng gây phân tâm trong dư luận, ảnh hưởng đến chiến lược tiêm chủng...

Theo Tạp chí Tuyên giáo

.
.
.