.
KỶ NIỆM 112 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ (8-3-1910 - 8-3-2022) VÀ 1982 NĂM CUỘC KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG

Phụ nữ Tiền Giang ngày càng khẳng định vị thế

Cập nhật: 09:47, 07/03/2022 (GMT+7)

Những năm qua, phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động đã lan tỏa mạnh mẽ trong hội viên, phụ nữ (HV-PN) tỉnh Tiền Giang.

Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Trọng Hữu tặng quà cho cán bộ Hội LHPN tại buổi  Họp mặt kỷ niệm 8-3 năm nay.
Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Tiền Giang Nguyễn Trọng Hữu tặng quà cho cán bộ Hội LHPN tại buổi Họp mặt kỷ niệm 8-3 năm nay.

Hưởng ứng phong trào, nhiều HV-PN trong tỉnh Tiền Giang không ngừng thi đua học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc, từng bước khẳng định vị thế của mình trong gia đình và ngoài xã hội.

NĂNG ĐỘNG TRÊN MỌI LĨNH VỰC

Thực tế đã chứng minh các mẹ, các chị luôn giữ vai trò quan trọng trong việc chăm sóc gia đình, nuôi dạy con tốt; tham gia quyết định nhiều vấn đề trong gia đình và xây dựng gia đình hạnh phúc. Đặc biệt, ở thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, phụ nữ Tiền Giang đã sớm “nhập cuộc”, với mong muốn góp sức cùng quê hương và khẳng định vị thế bản thân trên mọi lĩnh vực.

Phụ nữ Tiền Giang ngày càng nỗ lực trong việc thực hiện bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Hội LHPN tỉnh đã gắn công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ với thực hiện Đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ”.

Minh chứng cụ thể nhất là khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, HV-PN là hậu phương vững chắc, với hàng chục ngàn phần quà đã được trao tận tay lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân gặp khó khăn các khu phong tỏa, cách ly; hàng trăm tấn nông sản của nông dân đã được chị em hỗ trợ tiêu thụ; nhiều cán bộ, HV-PN đã không quản ngại khó khăn, hiểm nguy tham gia trực chốt, tầm soát, tuyên truyền tiêm ngừa phòng Covid-19…

Trong lĩnh vực kinh tế, phụ nữ Tiền Giang là lực lượng trực tiếp lao động sản xuất đông đảo, tích cực tham gia chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) ở địa phương; nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường; nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng, mở rộng quy mô sản xuất, góp phần giải quyết vấn đề lao động, việc làm tại địa phương…

Ngoài thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ, phụ nữ Tiền Giang còn không ngừng nỗ lực vươn lên hoàn thiện bản thân cả về tri thức, kỹ năng. Qua đó, nhiều chị đã được đề bạt đảm trách các vị trí lãnh đạo, quản lý; có học hàm, học vị cao; tích cực nghiên cứu khoa học; làm chủ doanh nghiệp…, được xã hội ghi nhận, đánh giá cao.

HÃY QUAN TÂM, CHIA SẺ

Phụ nữ Tiền Giang được tạo điều kiện để học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, tham gia đóng góp trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, đâu đó trong xã hội vẫn còn tồn tại tư tưởng trọng nam, khinh nữ; phụ nữ chưa được tạo điều kiện để phát huy vai trò của mình; không nhận được sự chia sẻ từ các thành viên trong gia đình, nhất là người bạn đời...

“Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 là ngày tôn vinh và thể hiện sự yêu thương, trân trọng phái đẹp và phụ nữ chịu nhiều vất vả trong mưu sinh, khó nhọc nuôi dạy con nên người. Vì vậy, nhân 8-3, hay 20-10 (Ngày Phụ nữ Việt Nam), nếu nam giới tặng hoa, tặng quà kèm những lời chúc chân thành thì rất ý nghĩa; nhưng theo tôi, ý nghĩa nhất là nam giới nên quan tâm, chia sẻ việc nhà, bởi phụ nữ nay đã khác xưa, họ phải đi làm việc như nam giới, chịu áp lực không kém gì nam giới. Và tôi tin rằng, nếu nam giới làm được điều này, thì với phụ nữ, ngày nào cũng là ngày 8-3 hay 20-10…”.

ANH NGUYỄN HOÀNG NAM, THỊ TRẤN CHỢ GẠO, HUYỆN CHỢ GẠO

 

Theo Chủ tịch Hội LHPN phường 10, TP. Mỹ Tho Cao Thị Phương Đông: “Cách tôn vinh phụ nữ ý nghĩa nhất chính là các cấp, các ngành tạo điều kiện để phụ nữ được học tập, phát huy năng lực, sở trường của bản thân và được ghi nhận bằng việc bố trí vào những vị trí tương xứng với năng lực, sự cống hiến. Các thành viên trong gia đình, nhất là người chồng cần chia sẻ công việc gia đình để phụ nữ có thêm cơ hội khẳng định mình…”.

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Mỹ Nương khẳng định: “Việc bảo vệ phụ nữ ngay từ trong gia đình là việc làm cần thiết. Để làm đựợc điều này, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động; xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật đối với phụ nữ. Khi bị bạo lực gia đình, các chị cần mạnh dạn chia sẻ và tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân, bạn bè, chuyên gia tâm lý, hoặc các cơ quan, tổ chức có liên quan, nếu có đủ bằng chứng kiên quyết tố cáo hành vi bạo lực với cơ quan chức năng. Đặc biệt là, phụ nữ đừng hy sinh quá nhiều, mà hãy luôn chăm sóc bản thân, nói không với chịu đựng…”.

Thời gian qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là các tổ chức Hội LHPN, Công đoàn, các chính sách dành riêng cho lao động nữ được hầu hết các doanh nghiệp quan tâm thực hiện, tạo điều kiện để nữ công nhân lao động yên tâm làm việc. Tuy nhiên, từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19 cho đến nay, đời sống của một bộ phận nữ công nhân lao động bị ảnh hưởng, nhiều người rơi vào cảnh mất việc, giảm thu nhập, cuộc sống rất khó khăn, nhất là đối với nữ công nhân lao động xa quê ở tại các khu nhà trọ.

Vì lẽ đó, Trưởng Ban Tuyên giáo - Nữ công, Liên đoàn Lao động tỉnh Võ Thị Mỹ mong muốn các cấp, các ngành quan tâm hơn đến đời sống nữ công nhân lao động, nhất là nữ công nhân lao động ở các khu nhà trọ, nữ công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn.

LÊ PHƯƠNG

.
.
.