Một trong nhiều sự kiện lịch sử trọng đại ở chiến trường tỉnh Mỹ Tho
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên địa bàn tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) có nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, có ý nghĩa to lớn mang tính bước ngoặt, làm thay đổi tình thế chiến trường. Chiến thắng Ngã Sáu - Bằng Lăng tại xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè là một trong những sự kiện tiêu biểu đó.
Trong 3 ngày, từ ngày 11 đến 14-3-1975, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 8, lực lượng quân chủ lực Khu 8 cùng quân và dân tỉnh Mỹ Tho với tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, mưu trí đã liên tiếp tiến công địch giành quyền làm chủ, giải phóng yếu khu Ngã Sáu, cùng cả miền Nam mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng quê hương vào ngày 30-4-1975 lịch sử.
NGÃ SÁU - ĐIỂM MỞ MÀN CHO ĐỢT 2 CỦA CHIẾN DỊCH MÙA KHÔ NĂM 1975
Đầu năm 1975, những thắng lợi liên tiếp ở chiến trường miền Nam nói chung, tỉnh Mỹ Tho nói riêng đã dồn địch vào thế bị động, chúng chỉ còn giữ được các chi khu, các đồn, bót dọc theo tuyến giao thông quan trọng.
Tuy nhiên, ở vùng bắc của huyện Cái Bè và huyện Cai Lậy Bắc của tỉnh Mỹ Tho địch tập trung lực lượng chủ lực liên tục hành quân càn quét nhằm bảo vệ các tuyến giao thông chiến lược, duy trì hệ thống đồn bót, bộ máy kìm kẹp, ngăn chặn mọi hoạt động của cách mạng nhằm chia cắt tuyến hành lang chiến lược của ta từ biên giới Campuchia đến chiến trường Quân khu 8.
Đầu năm 1975, tại Ngã Sáu, là một trong những yếu khu của địch, có tiểu đoàn bảo an 453 đóng giữ, được tăng cường 2 khẩu pháo 105 ly; và trên địa bàn này địch bố trí trung đoàn 10, sư đoàn 7 làm lực lượng cơ động ứng cứu lực lượng địa phương quân (quân đồn trú); đồng thời thực hiện nhiều cuộc hành quân càn quét, đánh phá, lấn chiếm vùng giải phóng. Đây còn là địa bàn tác chiến quen thuộc của trung đoàn 10, sư đoàn 7 ngụy - là đơn vị cơ động mạnh, có nhiều nợ máu với nhân dân các tỉnh Mỹ Tho, Kiến Tường, Kiến Phong.
Khu di tích Chiến thắng Ngã Sáu - Bằng Lăng tại xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè. Ảnh: VĂN THẢO |
Trước đây, trên địa bàn khu 8, khi chúng hành quân ngoài đồng trống đã bị lực lượng vũ trang Quân khu 8 phục kích, làm tổn thất nặng nề về nhiều mặt. Mặc dù được sự chi viện khá mạnh của không quân, xe tăng, pháo binh, song đối với địa bàn vùng bắc của huyện Cái Bè và huyện Cai Lậy Bắc địch vẫn luôn cảnh giác và thận trọng trong hành quân.
Đối với khu vực bắc huyện Cái Bè và khu vực kinh Bằng Lăng, địch còn chủ quan, vì đây là địa bàn có nhiều bất lợi cho ta triển khai quân, trước đó chưa diễn ra các trận đánh lớn của lực lượng cách mạng, vì lẽ đó Ngã Sáu được Khu ủy khu 8 chọn làm điểm mở màn cho đợt 2 Chiến dịch mùa khô 1975 ở khu 8.
VAI TRÒ TO LỚN CỦA NHÂN DÂN HUYỆN CÁI BÈ
Đầu năm 1975, tình hình diễn biến hết sức nhanh chóng và thuận lợi cho cách mạng miền Nam. Trên địa bàn huyện Cái Bè, lực lượng cách mạng và quần chúng phát triển mạnh, liên tục đánh phá Quốc lộ 4 (nay là Quốc lộ 1) nhằm cắt đứt sự chi viện của địch, nhất là trên các đoạn đường Mỹ Thiện - Hòa Khánh, An Thái Đông - An Thái Trung, bao vây bứt rút các đồn địch ở Mỹ Lợi, Mỹ Thiện, kinh 28, kinh Bằng Lăng, từng bước giải phóng và làm chủ địa bàn một vùng liên hoàn ở phía bắc lộ 4.
Hiệp đồng chiến đấu với Bộ Tư lệnh Sư đoàn 8, Huyện ủy và Huyện đội Cái Bè lập kế hoạch phối hợp toàn diện; đồng thời chỉ đạo các xã chuẩn bị địa bàn đóng quân, hậu cần trong dân, đẩy mạnh công tác bảo vệ và tấn công địch.
Đảng bộ và nhân dân xã Mỹ Trung và các xã lân cận Hậu Mỹ, Mỹ Thiện, Mỹ Lợi nhanh chóng làm công tác điều tra nắm đối tượng để làm sạch địa bàn trước khi bộ đội đến đóng quân; vận động gia đình cách mạng và gia đình có tình cảm cách mạng tạo điều kiện cho bộ đội đóng quân.
Bên cạnh đó, các xã còn tổ chức cho những quần chúng cốt cán: Bà Út Chót, chị Hai Ròm, cô Thu, cô Hoa… thường xuyên đi nắm tình hình địch cung cấp cho Trung đoàn 24. Việc ăn, ở, đi lại, sinh hoạt của bộ đội Trung đoàn 320 và Trung đoàn 24 được nhân dân che chở, đùm bọc, vùng nông thôn nghèo trở nên tất bật hơn.
Dù vậy, hệ thống mật báo, bộ máy hành chánh xã, ấp của địch vẫn không phát hiện. Đối với các đồn Tám Bền, Bằng Lăng của địch, ta tổ chức móc nối để trung lập hóa, giữ vững lõm da beo, tạo điều kiện cho lực lượng bộ đội chủ lực thế đứng chân an toàn giữa 2 đầu đồn bót và yếu khu Ngã Sáu.
Ở vùng tạm chiếm, địch quy định mỗi gia đình được chà gạo ăn không quá 5 giạ lúa… Dù địch quản lý, kiểm soát gắt gao, nhưng má Tư (Lê Thị Tư), má Sáu Võng vẫn tổ chức cho nhiều bà con đi chà gạo với nhiều hình thức hợp pháp, công khai, bí mật, vận chuyển đủ lương thực cho bộ đội.
Khó khăn hơn là việc mua thuốc tây, dây diện, pin... là những mặt hàng quan trọng phục vụ cho bộ đội quân khu, nếu địch phát hiện ai vận chuyển thì khó giữ được mạng sống. Vậy mà, với lòng yêu nước, căm thù giặc, 2 má đã mưu trí vận chuyển các mặt hàng trên an toàn, cung cấp cho bộ đội Sư đoàn 8 để tiếp tục đánh địch.
Để chuẩn bị cho trận đánh, trước đó, ở khu vực kinh Mỹ Thiện, xã Mỹ Lợi, bộ đội đã diễn tập đánh vượt sông nhiều lần với hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, được sự giúp đỡ và cảnh giác của quần chúng đã đảm bảo bí mật, an toàn.
Các đoàn thể còn tổ chức gói bánh tét, nấu cơm nếp… cho bộ đội ăn; huy động hơn 170 dân công các xã Mỹ Lợi, Hậu Mỹ, Mỹ Thiện, đặc biệt là xã Mỹ Trung có số lượng nhân dân tình nguyện làm dân công tải đạn, tải thương đông nhất.
Nhân dân còn cung cấp trên 50 xuồng, ghe máy để phục vụ cho việc vận chuyển vũ khí, lương thực, phục vụ tải thương; vận động 67/68 binh sĩ địch ở xã Mỹ Trung rã ngũ, mang 2 khẩu M16 và 1 khẩu M79 nộp cho cách mạng, nhiều binh sĩ địch xin gia nhập vào lực lượng du kích của xã…
Chiến thắng Ngã Sáu - Bằng Lăng giải phóng yếu khu Ngã Sáu, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
HỒNG LÊ (tổng hợp)