Tiền Giang: Chuyển đổi số với nhiều cơ hội và thách thức
Cập nhật: 14:14, 23/03/2022 (GMT+7)
(ABO) Ngày 23-3, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức tổng kết công tác cải cách hành chính (CCHC) và xây dựng chính quyền số năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 bằng hình thức trực tuyến đến các huyện, thị thành trong tỉnh.
Chủ trì tại điểm cầu chính Trung tâm hội nghị tỉnh có đồng chí Trần Văn Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đồng chí Võ Tấn Hiền, Giám đốc Sở Nội vụ và đồng chí Trần Văn Dũng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.
Quang cảnh hội nghị. |
Trong năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng công tác CCHC được tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo điều hành đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả công việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực hiện nhiệm vụ CCHC; đồng thời, bám sát nội dung, chương trình CCHC của Chính phủ, Bộ Nội vụ và các bộ, ngành Trung ương; chủ động ban hành kế hoạch thực hiện, thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác CCHC trên tất cả các lĩnh vực. Nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch CCHC năm 2021 là “Năm hài lòng của người dân, doanh nghiệp về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước”.
Đồng chí Trần Văn Dũng trao Cờ thi đua của UBND tỉnh Tiền Giang cho Thanh tra tỉnh và Cục Thuế tỉnh đạt thành tich trong công tác CCHC. |
Công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công cũng như xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số được thực hiện tốt. UBND tỉnh ban hành 52 quyết định để công bố danh mục 1.559 thủ tục hành chính (TTHC), trong đó, công bố 745 TTHC theo quy định mới và bãi bỏ 814 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành tỉnh; UBND cấp huyện và cấp xã, đồng thời cập nhật đầy đủ trên cơ sở dữ liệu quốc gia. Nâng tổng số TTHC của tỉnh hiện có là 1.870 TTHC (cấp tỉnh: 1.559 TTHC; cấp huyện: 221 TTHC; cấp xã: 90 TTHC).
Đồng chí Trần Văn Dũng trao Bằng khen của UBND tỉnh Tiền Giang cho các tập thể. |
Năm 2021, tổng số hồ sơ tiếp nhận trên phần mềm một cửa điện tử tỉnh, bao gồm hồ sơ tiếp nhận của thủ tục mức độ 2, mức độ 3 và mức độ 4 là 835.867 hồ sơ (tiếp nhận trực tuyến: 208.951 hồ sơ; tiếp nhận trực tiếp và qua dịch vụ BCCI: 625.916 hồ sơ). Trong đó, tổng số hồ sơ đã giải quyết: 834.985 hồ sơ, số hồ sơ đang giải quyết: 13.299 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước hạn: 23,52%; hồ sơ, đúng hạn 76,25%; trễ hạn: 0,23%; triển khai 560 thiết bị ký số.
Về kết quả xây dựng thí điểm chính quyền số tỉnh Tiền Giang, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện các thủ tục đầu tư dự án theo quy định, đến hết năm 2021 dự án đã hoàn thành triển khai các nội dung theo kế hoạch đề ra.
Đồng chí Trần Văn Dũng trao Bằng khen của UBND tỉnh Tiền Giang cho các tập thể. |
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị, địa phương đã có nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ những kết quả đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác CCHC tại đơn vị; từ đó kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Với những kết quả đạt được trong công tác CCHC năm 2021, UBND tỉnh Tiền Giang đã trao 2 Cờ thi đua cho Thanh tra tỉnh và Cục Thuế tỉnh và 19 Bằng khen cho các tập thể.
Đồng chí Trần Văn Dũng trao Bằng khen của UBND tỉnh Tiền Giang cho các tập thể. |
Phát biểu kiết luận hội nghị, đồng chí Trần Văn Dũng ghi nhận những kết quả của các ngành, đơn vị, địa phương. Năm 2021, dù đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh, nhưng cũng chính từ đây đã tạo cho Tiền Giang nhiều cơ hội, thách thức trong việc thực hiện chuyển đổi số. Tỉnh đã triển khai và đưa vào sử dụng nhiều ứng dụng, như: Tổng đài 1022, App TiengiangS, hệ thống phần mềm quản lý F0 cách ly tại nhà, bản đồ Covid-19…
Quang cảnh hội nghị. |
Tuy nhiên, công tác CCHC, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh còn tồn tại không ít khó khăn cần khắc phục trong thời gian tới. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị thủ trưởng các cơ quan, sở, ngành, địa phương cần quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu để đảm bảo kỷ luật, kỷ cương hành chính. Trong cải cách thể chế, cần nâng cao chất lượng soạn thảo, ban hành văn bản, đảm bảo đúng quy trình, kịp thời, hợp pháp.
Về cải cách TTHC cần hạn chế thấp nhất đến việc trễ hẹn, đặc biệt là ở lĩnh vực đất đai. Phấn đấu mức độ hài lòng của tố chức, cá nhân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công đạt tối thiểu 95% vào năm 2025, góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số trong xây dựng Chính phủ số, thúc đẩy phát triển nền kinh tế số, xã hội số…
LÊ PHƯƠNG