.

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Đoàn Thị Hạnh vì nước, vì dân

Cập nhật: 09:33, 22/04/2022 (GMT+7)

Đến xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang hỏi thăm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Đoàn Thị Hạnh hầu như ai cũng biết. Người dân nơi đây thường gọi mẹ với cái tên thân mật: Bà Ba Hận. Đó là người phụ nữ đã có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và là gương sáng trong công cuộc xây dựng quê hương.

KIÊN TRUNG TRONG CHIẾN TRANH

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Đoàn Thị Hạnh sinh năm 1939, hiện sống cùng con gái tại ấp 2, xã Thạnh Lộc - nơi mẹ sinh ra. Mẹ đã trải qua những tháng ngày bám trụ chiến đấu ngoan cường trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.

Bàn thờ Bác luôn ấm áp hương hoa trong ngôi nhà của mẹ Đoàn Thị Hạnh.
Bàn thờ Bác luôn ấm áp hương hoa trong ngôi nhà của Mẹ Việt Nam Anh hùng Đoàn Thị Hạnh.

Từ tuổi thanh xuân mẹ đã tham gia hoạt động cách mạng với vai trò là giao liên. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, mẹ bị địch bắt và giam cầm, tra tấn “thừa sống thiếu chết” hay bị chúng ngọt ngào dụ hàng nhưng vẫn không khai thác được gì. Sau khi được trả tự do, cô giao liên trẻ Ba Hận lại tiếp tục có mặt trong “đội quân tóc dài”, kiên trung trước súng đạn của quân thù cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhớ về ngày 30-4-1975, mẹ Hạnh xúc động: “Vui nào hơn niềm vui đoàn tụ!”. Mẹ kể: “Nằm ở vị trí ngã tư các tuyến giao thông thủy, bộ thuận tiện: Đường thủy có kinh Nguyễn Văn Tiếp, kinh Mười Hai; đường bộ có lộ bắc Nguyễn Văn Tiếp, đường tỉnh 868, xã Mỹ Phước Tây (huyện Cai Lậy) có vị trí chiến lược, là cửa ngõ vào Đồng Tháp Mười; và xa hơn là tận cửa khẩu Bình Hiệp (huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) thông thương sang nước bạn Campuchia. Với vị trí chiến lược, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước ác liệt, nơi đây là chiến trường sôi động.

Địch đã chọn Mỹ Phước Tây để xây dựng khu trù mật, cụ thể hóa kế hoạch nham hiểm gom dân “tát nước bắt cá”, rồi lập trận địa pháo cùng mạng lưới đồn bót dầy đặc hòng khống chế căn cứ Đồng Tháp Mười của ta. Ngày 30-4-1975, sau khi bức rút hết các đồn bót địch, quân giải phóng tấn công vào khu trù mật Mỹ Phước Tây. Địch cầm cự, giằng co khá lâu mới chịu khuất phục.

Để hỗ trợ bộ đội, Hội Phụ nữ và nhân dân trong xã Mỹ Phước Tây tổ chức nấu cơm tiếp tế và vận chuyển vũ khí, đạn dược. Chuẩn bị cho ngày giải phóng, lúc đó mẹ là Hội trưởng Phụ nữ xã, đã tổ chức cho chị em may cờ giải phóng nhiều đêm liền, được cả ngàn lá cờ.

"Không khí chào mừng 30-4 rầm rộ lắm. Đoàn phụ nữ tay cầm cờ giải phóng kéo nhau thành đoàn dài, đi bộ từ xã Mỹ Phước Tây ra tới huyện Cai Lậy. Sau đó là những ngày vui mừng không sao tả xiết của bao người, vì có niềm vui nào bằng ngày giải phóng, mẹ được gặp con, vợ gặp chồng sau bao năm tháng xa cách…” - mẹ cho biết.

GƯƠNG MẪU TRONG THỜI BÌNH

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc, mẹ Hạnh mất đi người chồng yêu thương. Sau ngày giải phóng, mẹ  vừa tham gia công tác phụ nữ, vừa một mình nuôi con khôn lớn bằng cả tình yêu thương của mẹ; và con đã không phụ lòng mẹ, xin gia nhập vào Quân đội để bảo vệ Tổ quốc. Mẹ đau lòng vì con vĩnh viễn không trở về trong vòng tay mẹ. Ngày 25-7-2014, mẹ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Chiến tranh là vết thương trong lòng người mẹ, đã thôi thúc mẹ tiếp tục cống hiến vì những điều tốt đẹp cho quê hương. Mẹ là cán bộ tận tụy với công tác Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cai Lậy những ngày đầu sau giải phóng.

Khó có thể kể hết khó khăn của cán bộ Hội những năm sau ngày thống nhất đất nước do đường giao thông chưa thuận tiện, một bộ phận chị em chưa thiết tha với phong trào Hội vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn... Được mẹ và Ban Chấp hành Huyện hội quan tâm chăm lo đời sống và bảo vệ quyền lợi cho hội viên, phụ nữ, lấy sự chân tình, gần gũi để vận động chị em đến với tổ chức Hội.

Mặt khác, biết được trình độ học vấn của hội viên còn hạn chế, mẹ tích cực vận động chị em tham gia lớp xóa mù chữ, hỗ trợ vốn, tạo việc làm... Qua đó thu hút ngày càng đông chị em đến với tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ. Mẹ còn cùng Ban Chấp hành Huyện hội còn gắn kết hội viên thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, “Đền ơn đáp nghĩa”, vận động chị em thực hiện kế hoạch hóa gia đình...

Trong quá trình công tác, mẹ Hạnh luôn là người cán bộ, đảng viên gương mẫu, có nhiều đóng góp cho quê hương Cai Lậy. Năm 1989, mẹ xin nghỉ hưu, vẫn tham gia công tác Hội Người cao tuổi ở xã nhà, gần gũi động viên hội viên phát huy tinh thần “Tuổi cao gương sáng”, giữ gìn truyền thống, nền nếp gia đình và đóng góp cho xã hội, nhất là tích cực vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới; đồng thời tạo điều kiện cho con tham gia công tác xã hội.

Nay 83 tuổi, mẹ vui với niềm vui quê hương ngày càng giàu đẹp và hạnh phúc bên con cháu. Mẹ chia sẻ: “Tấm gương đạo đức của Bác Hồ là động lực, niềm tin để mẹ luôn phấn đấu. Trong những câu chuyện về tấm gương đạo đức của Bác, có nhiều điều lớn lao mà mỗi chúng ta học hỏi cả đời cũng không thể hết, trong đó có tinh thần tận tụy, trách nhiệm với công việc”.

Nhớ ơn Bác, mười mấy năm qua, ngôi nhà của mẹ có 1 gian dành riêng để thờ cúng Bác Hồ và hằng năm mẹ đều tổ chức lễ giỗ Bác, với sự góp mặt của chính quyền và hội viên Hội Người cao tuổi xã, góp phần giáo dục hội viên tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác.

THỦY HÀ 

.
.
.