.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: TPHCM đi đầu trong phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch

Cập nhật: 16:26, 12/05/2022 (GMT+7)

Nói về sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM sau đại dịch Covid-19, Chủ tịch nước đánh giá, TPHCM đã có sức vươn lên mạnh mẽ. Để có được sự phát triển ấy, theo đồng chí, là tinh thần nỗ lực của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân TPHCM. Đặc biệt là bà con cử tri nhân dân TPHCM đã đoàn kết, quyết tâm.

a
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri các quận 5, 8, 11. Ảnh: CAO THĂNG

Sáng 12-5, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước cùng các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đơn vị 3 tiếp xúc cử tri các quận 5, 8, 11 trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Lê Khánh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước.

Các ĐBQH đơn vị 3 gồm: Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy.

a
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên. Ảnh: CAO THĂNG

Nhịp điệu cuộc sống trở lại bình thường

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ xúc động khi buổi tiếp xúc cử tri có sự tham dự của đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM và đông đủ thành phần cử tri. Theo đồng chí, buổi tiếp xúc cử tri đa dạng thành phần tôn giáo, dân tộc. Đó là tình cảm hết sức lớn lao.

Điểm lại những ý kiến mà cử tri đã nêu trong buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước bày tỏ tâm đắc, đánh giá cao phát huy dân chủ tại các buổi tiếp xúc cử tri. Đồng chí cũng thông tin thêm đến cử tri 3 quận về tình hình đất nước.

Nói về sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM sau đại dịch, Chủ tịch nước đánh giá, TPHCM đã có sức vươn lên mạnh mẽ. Để có được sự phát triển ấy, theo đồng chí, là tinh thần nỗ lực của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân TPHCM. Đặc biệt là bà con cử tri nhân dân TPHCM đã đoàn kết, quyết tâm.

“Chúng ta cũng chủ động năng động sáng tạo, khôi phục dòng chảy thương mại, giải quyết việc làm, tiếp tục trợ giúp người khó khăn yếu thế, khởi động mạnh mẽ cỗ xe tam mã đầu tư – tiêu dùng – xuất khẩu để phát triển”, Chủ tịch nước nhận xét.

Đồng chí cũng đánh giá cao TPHCM đã nhanh chóng phục hồi sản xuất, lập nhiều tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho từng dự án, từng vấn đề một. Những tháng gần đây, nhịp điệu cuộc sống, việc làm, dịch vụ... trở lại bình thường; TPHCM đã đi đầu trong việc phục hồi kinh tế - xã hội, là quyết tâm rất lớn của từng quận huyện, xã phường.

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, TPHCM có truyền thống năng động phát triển dẫn đầu cả nước, giai đoạn mới càng phải năng động hơn, phát triển toàn diện hơn không chỉ về kinh tế - xã hội.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, TPHCM cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ chương trình tái cấu trúc kinh tế đã được phê duyệt. TPHCM và các quận nên chủ động hướng đến kinh tế sáng tạo, mô hình kinh tế mới. Vì thế vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính đến từng người dân, doanh nghiệp…

“Những vấn đề này không chỉ cử tri hôm nay quan tâm mà còn là yêu cầu của Đảng, nhà nước với TPHCM”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Gửi lời cảm ơn đến cử tri đã phát biểu những ý kiến cởi mở, chân thành, thẳng thắn, Chủ tịch nước cũng yêu cầu TPHCM tháo gỡ những nút thắt của các dự án, giải quyết rốt ráo từ cơ sở những khiếu nại, tố cáo để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.

a
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi cử tri quận 5, 8, 11. Ảnh: CAO THĂNG

Tuyên truyền sâu rộng hơn về biển đảo

Cử tri Lê Thị Tuyết (phường 1, quận 5) cùng một số cử tri cho rằng chính sách trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu nên giảm xuống 75 tuổi, thay vì 80 tuổi như quy định hiện nay.

Các cử tri là đồng bào dân tộc người Hoa, dân tộc Chăm phát biểu đề nghị các chính sách hỗ trợ học tập cho con em người dân tộc mình.

Cử tri Trần Thị Cẩm Ngan đề nghị các quận nên có thêm trường song ngữ Việt – Hoa để con em theo học. Cử tri Res A Bidine, Trưởng Ban quản trị Thánh đường Hồi giáo phường 2, quận 8 đề nghị có trường mầm non bán trú cho trẻ em người Chăm, mở trường dạy nghề cho phụ nữ Chăm, con em dân tộc Chăm được vào học trường dự bị đại học.

Cử tri ba quận nêu kiến nghị phát triển hạ tầng cho TPHCM. Cụ thể, cử tri Trương Ngọc Lượng, phường 9, quận 5: để đạt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững thì phát triển hạ tầng giao thông là quan trọng, cấp thiết. Những điểm nghẽn giao thông đã tác động đến tăng trưởng, làm giảm năng suất lao động, lãng phí thời gian, tăng ô nhiễm môi trường. Như Vành đai 2, Vành đai 3, mở rộng khu cảng Cát Lái, Quốc lộ 13, Quốc lộ 22, Quốc lộ 50… Để giúp TPHCM phát huy lợi thế tiềm năng, là động lực tăng trưởng của Vùng, đóng góp ngân sách hàng đầu cả nước, cử tri mong mỏi Trung ương tập trung tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng giao thông TPHCM bằng chính sách đặc thù.

Cử tri bày tỏ quan tâm đến công tác phòng chống tham nhũng, chất lượng giáo dục, chính sách với người có công. Cử tri Nguyễn Nam, phường 6, quận 11 bày tỏ quan tâm đến tình hình biển Đông thời gian qua. Cử tri đề nghị đầu tư hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần các đảo được tốt hơn, tuyên truyền sâu rộng hơn về biển đảo để cử tri - nhất là cử tri người Hoa - hiểu rõ hơn về quan điểm, lập trường, giải quyết của Đảng, Nhà nước, qua đó củng cố niềm tin, ý chí quyết tâm, đồng thuận của nhân dân.

(Theo sggp.org.vn)


 

.
.
.