.

Điện Biên Phủ - Chiến thắng của những trái tim Việt Nam

Cập nhật: 09:06, 06/05/2022 (GMT+7)

Cách đây 68 năm, tại Điện Biên Phủ - một cánh đồng lòng chảo trên miền rừng núi Tây Bắc nước ta, đã diễn ra trận quyết chiến chiến lược giữa quân và dân ta với đội quân xâm lược Pháp. Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, quân và dân ta đã giành thắng lợi vang dội, giáng đòn quyết định, đánh bại nỗ lực chiến tranh cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bàn kế hoạch mở Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.                                                                                                                                                                                Ảnh: Tư liệu TTXVN
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bàn kế hoạch mở Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã trở thành một trong những chiến công chói lọi bằng vàng như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ XX trong lịch sử dân tộc.

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH - LINH HỒN CỦA CHIẾN DỊCH

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trước hết là thắng lợi của đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cuối tháng 9-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì buổi họp của Bộ Chính trị ở Tỉn Keo, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, bàn về kế hoạch chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trình bày về ý đồ táo tợn của tướng Pháp H.Nava là tập trung lực lượng cơ động rất lớn ở đồng bằng Bắc bộ để khiêu chiến, làm tiêu hao quân chủ lực của ta, tạo điều kiện để giành quyền chủ động và tiến tới giành thắng lợi quyết định trong vòng 18 tháng.

Bác nghe chăm chú, rồi nói: “Địch tập trung quân cơ động để tạo sức mạnh... Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn”. Bàn tay Bác mở ra, mỗi ngón trỏ về một hướng. Theo tư tưởng chỉ đạo ấy, ta đã nghiên cứu kế hoạch Đông Xuân, cho những bộ phận chủ lực của ta tiến về 5 hướng chiến lược nhằm những nơi hiểm yếu và tương đối yếu của địch, chọn hướng chính là Lai Châu ở Tây Bắc.

Bác Hồ đến thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ lập thành tích xuất sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh tư liệu củaTTXVN.
Bác Hồ đến thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ lập thành tích xuất sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh tư liệu củaTTXVN.

Tháng 12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng Tư lệnh và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Người chỉ thị cho Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy toàn dân, toàn quân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được…”.

Tháng 1-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị, chỉ định cơ quan lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch, triển khai kế hoạch điều động lực lượng lên Tây Bắc. Khi giao nhiệm vụ cho Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Người nói: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận, Tướng quân tại ngoại! Trao cho chú toàn quyền quyết định. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định rồi báo cáo sau. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.

Những lời dặn dò của Bác là tư tưởng chỉ đạo, giúp Đại tướng Võ Nguyên Giáp có căn cứ để xử trí trong quá trình chỉ huy trận đánh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Người, đã gọi điện cho các binh chủng thông báo chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Năm 1964, nhân dịp kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bác và đoàn đại biểu Chính phủ lên dự lễ mít tinh; khi thăm Nhà trưng bày Bảo tàng Điện Biên Phủ (tại thủ phủ Khu tự trị Tây Bắc ở Thuận Châu, tỉnh Sơn La), Người viết lưu niệm trong Sổ cảm tưởng: “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, anh dũng của quân và dân ta..., càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác-Lênin trong thời đại ngày nay. Chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại; cách mạng giải phóng dân tộc nhất định thành công…”.

Để kịp thời động viên, cổ vũ và tiếp thêm sức mạnh cho quân ta vượt qua khó khăn, đánh thắng quân địch ở Điện Biên Phủ ngay từ trận mở đầu, tháng 3-1954, trong thư gửi cán bộ và chiến sĩ Mặt trận Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Các chú sắp ra mặt trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn nhưng rất vinh quang… Nhiều đơn vị đã đánh thắng trên các mặt trận. Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới”.

Quyết tâm chiến lược của Đảng, của Bác Hồ là tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ đã biến thành ý chí và hành động của toàn quân và dân ta. Đúng 17 giờ ngày 13-3-1954, pháo binh quân đội ta bắn dồn dập vào khu sân bay Mường Thanh và cả 3 cứ điểm của Trung tâm đề kháng ở Him Lam, mở đầu cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngay sau khi quân ta tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam và đập tan đợt phản kích của địch hòng chiếm lại Him Lam, ngày 15-3-1954, Bác Hồ lại gửi điện khen ngợi, cổ vũ và căn dặn toàn thể cán bộ, chiến sĩ ở Mặt trận Điện Biên Phủ: “Bác và Trung ương Đảng được báo cáo về 2 trận thắng đầu tiên của quân đội ta ở Điện Biên Phủ. Bác và Trung ương Đảng có lời khen các đồng chí. Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng. Địch sẽ ra sức đối phó, ta phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan, khinh địch, giành toàn thắng cho chiến dịch này”.

Trong suốt thời gian diễn biến của Chiến dịch Điện Biên Phủ (từ ngày 13-3 đến 7-5-1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự và chủ tọa nhiều cuộc họp của Bộ Chính trị để nhận định, đánh giá tình hình diễn ra trên mặt trận, chỉ đạo sát sao không chỉ trên chiến trường Điện Biên Phủ, mà trên khắp các mặt trận, nhằm phục vụ cho thắng lợi Điện Biên Phủ. Theo dõi Điện Biên Phủ, nắm tin tức từng ngày, từng giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tác động mạnh mẽ tinh thần chiến đấu và niềm tin vào thắng lợi của chiến dịch, bắt nguồn từ chính Người và lòng tin con người - những cán bộ, chiến sĩ ngoài mặt trận: Dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc, đồng bào vùng địch tạm chiếm…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các đơn vị lập công.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các đơn vị lập công.

Hết sức phấn khởi trước thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta, ngày 8-5-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư khen ngợi những người trực tiếp làm nên chiến thắng vĩ đại này: “Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ. Bác và Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang. Thắng lợi tuy lớn, nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để giành lại độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình. Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải đấu tranh trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn. Bác và Chính phủ sẽ khen thưởng những cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương có công trạng đặc biệt…”.

TẤT CẢ CHO TIỀN TUYẾN, TẤT CẢ ĐỂ CHIẾN THẮNG

Quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bàn bạc, phân tích rất kỹ để tìm ra phương án thích hợp, huy động sức mạnh của toàn quốc chi viện cho chiến dịch đảm bảo chắc thắng. Một cuộc vận động nhân dân chi viện Điện Biên Phủ đã được triển khai rầm rộ, với quy mô lớn chưa từng có. Hội đồng Cung cấp Mặt trận được thành lập để chỉ đạo các địa phương, các ngành kinh tế, tài chính, tổ chức động viên nhân lực và vật lực của cả nước. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”, chỉ trong một thời gian ngắn ta đã huy động được một khối lượng lớn sức người, sức của từ nhiều vùng, miền, từ nhiều giai cấp, tầng lớp trong cả nước.

Theo số lượng tổng kết Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân đã đóng góp 25.560 tấn gạo, 266 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, 26.453 lượt dân công với 18.301.507 ngày công, 20.991 xe đạp thồ, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ và 3.130 chiếc thuyền. Mỗi tấn hàng hóa chi viện tới được Tây Bắc, đến tay bộ đội là cả một kỳ công của bao người, đổi bao mồ hôi, xương máu của lực lượng vận tải. Để đưa được một lượng lương thực tới nơi phải sử dụng mất một nửa dành cho người vận chuyển trên suốt đường đi. Khắc phục khó khăn trên, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương huy động nguồn hậu cần tại chỗ. Đây là một nguồn rất quan trọng không tốn nhiều công sức vận chuyển, vừa nhanh chóng, vừa đỡ lộ bí mật.

Trong không khí thi đua “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, ở mọi vùng, miền, địa phương đều thi đua nhau chi viện cho mặt trận. Đồng bào cả nước đi sát cánh bên nhau xẻ núi, san đồi, làm đường phá thác để mở lối cho quân đi, cho thuyền chở hàng qua lại. Nhờ những hoạt động trên mà điều lo lắng và khó khăn nhất tưởng chừng như không thể vượt qua được là vấn đề hậu cần chiến dịch đã được giải quyết rất thành công. Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân đã góp phần tạo nên thành công vượt bậc đó.

HỮU TƯỜNG (tổng hợp)

.
.
.