.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Cập nhật: 18:54, 13/06/2022 (GMT+7)

(ABO) Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, sáng 13-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang tiếp tục có ý kiến thảo luận về dự án luật này.

Tại phiên thảo luận, nhiều ĐBQH cho rằng, việc xây dựng Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là rất cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế của luật hiện hành và giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

đại biểu Nguyễn Thanh Cầm
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phát biểu thảo luận tại hội trường.

Đồng thời, ĐBQH cũng góp thêm nhiều ý kiến thảo luận liên quan đến các nhóm vấn đề, như: Các chính sách của Nhà nước về công tác khám, chữa bệnh; hệ thống y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc sức khỏe cơ bản và chuyên sâu; xã hội hóa và liên doanh, liên kết trong bệnh viện công; vấn đề liên doanh, liên kết trong bệnh viện công lập…

Quan tâm về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho rằng, chi phí khám bệnh, chữa bệnh có tác động trực tiếp tới Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT), ngân sách nhà nước cũng như tài chính của mỗi người dân. Theo đại biểu, do dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, người bệnh không có quyền thỏa thuận trả giá. Do vậy, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá, Nhà nước ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập và quy định khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh với những cơ sở y tế thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa.

Đại biểu nêu rõ, đối với khối tư nhân cần có cơ sở, cơ chế kiểm soát giá, quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để đảm bảo quyền của người bệnh. Nếu thả nổi cho giá khu vực tư nhân quyết định, thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh, người bệnh phải trả chi phí cao khi họ không có lựa chọn khác trong thời điểm các cơ sở y tế công lập đã quá tải như thực tế trong dịch bệnh Covid-19 vừa qua.

Liên quan đến vấn đề hợp tác, liên doanh, liên kết trong các cơ sở khám, chữa bệnh, đại biểu cho biết, tại khoản 5, điều 51 của dự thảo Luật quy định các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT với cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) khi có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về BHYT.

Theo đại biểu, quy định chung chung như vậy sẽ rất khó và gây lúng túng trong quá trình thực hiện khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại các cơ sở y tế có liên doanh, liên kết. Thực tế như thời gian vừa qua, một số địa phương mất rất nhiều thời gian, công sức để tháo gỡ vướng mắc về công tác thẩm định, phân hạng, phân tuyến chuyên môn kỹ thuật làm cho cơ sở bị tạm ngừng thanh quyết toán, ảnh hưởng lớn đến hoạt động cơ sở và quyền lợi của người tham gia BHYT. Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước bao gồm các hoạt động xã hội hóa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT với cơ quan BHXH khi có giấy phép hoạt động.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu giải trình ý kiến của các đại biểu
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu giải trình ý kiến của các đại biểu.

Tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đại diện cơ quan trình dự án luật đã giải trình làm rõ thêm các ý kiến của ĐBQH.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trân trọng cảm ơn các ĐBQH đã dành rất nhiều tâm huyết, thời gian, có rất nhiều ý kiến xác đáng trong suốt quá trình thảo luận, xây dựng dự thảo Luật. Tất cả các ý kiến đóng góp đó không chỉ làm rõ nhiều vấn đề trực tiếp liên quan đến dự thảo luật lần này, mà còn làm rõ tâm huyết, nỗ lực của toàn ngành Y tế, thẳng thắn chỉ ra những bất cập, nhưng cũng làm nổi bật các kết quả của ngành Y tế nói chung, công tác khám, chữa bệnh nói riêng trong thời gian vừa qua.

Đồng thời, làm rõ thêm một số vấn đề mà nhiều ĐBQH quan tâm. Cụ thể, liên quan đến phạm vi điều chỉnh, các khái niệm quy định trong luật, Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, nguyên tắc là Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì sẽ quy định liên quan Luật BHYT, chi phí khám, chữa bệnh thì do BHYT chi trả, chi phí liên quan y tế dự phòng thì do ngân sách đảm bảo. Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Y tế, Ban soạn thảo nghiên cứu sâu hơn xu thế của quốc tế, vì ngoài các vấn đề với các căn bệnh suy dinh dưỡng hay việc truyền căn bệnh HIV/AIDS từ mẹ sang con, ranh giới cũng cần được xác định rõ hơn theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới và đặc biệt là tiếp thu xu thế của thế giới hiện nay.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận Phiên thảo luận
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận phiên thảo luận.

Trước đây, có phân định rất rõ giữa trạng thái người khỏe và người bị bệnh, khi bị bệnh thì BHYT chi trả; khi chưa bị bệnh thì BHYT không chi trả. Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay, các nước đang nghiên cứu rất kỹ về khoảng giữa trạng thái khỏe và bị bệnh. Nếu trong khoảng đó được phát hiện và điều trị kịp thời thì không chỉ cứu sống người bệnh, mà cơ bản nhất về BHYT, chi phí của hệ thống BHYT sau này sẽ giảm đi. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu để làm rõ hơn vấn đề này nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân tốt hơn, đồng thời sử dụng hiệu quả hơn ngân sách nhà nước và Quỹ BHYT.

Đối với vấn đề hệ thống y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc sức khỏe cơ bản và chuyên sâu, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu kinh nghiệm của Tổ chức Y tế thế giới cũng như trên thế giới để phân tuyến chuyên môn nhưng vẫn đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức bộ máy chính quyền các cấp. Tuy nhiên, cần làm rõ thêm mô hình y tế cơ sở, triển khai mô hình bác sĩ gia đình theo xu hướng tăng nhiều hơn.

toàn cảnh phiên thảo luận
Toàn cảnh phiên thảo luận.

Ngoài ra, liên quan đến vấn đề được nhiều ĐBQH và các bệnh viện quan tâm, đó là việc xã hội hóa, liên doanh, liên kết các bệnh viện công, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho hay, vấn đề này cần phải có các giải pháp đột phá. Hiện nay, mặc dù chúng ta thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã có bước chuyển rất lớn nhưng đến giờ chúng ta mới có 318 bệnh viện tư thục, 38 ngàn các phòng khám tư nhân, đáp ứng 5,16% tổng số gường bệnh. Đây là một tỷ lệ rất thấp, chúng ta cần phải có các giải pháp để phát triển mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, vấn đề này liên quan đến nhiều luật khác như về đầu tư, về đất đai, về ngân sách nhà nước. Nhưng ở đây có một vấn đề là giá dịch vụ của các bệnh viện tư, chúng ta quy định là theo hướng có quy định khung hay để các cơ sở này tự quy định. “Chúng ta chắc chắn phải quản lý giá dịch vụ y tế, dù đó là bệnh viện công hay bệnh viện tư nhưng chúng ta quản lý bằng rất nhiều công cụ. Trước hết, phải phát huy mạnh mẽ hơn tất cả các công cụ đã được luật định trong pháp luật về giá, không buông lỏng nhưng cũng phải để quyền tự chủ cho y tế tư nhân phát triển tốt hơn.” - Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu cụ thể.

MINH TRÍ - THU HOÀI

 

 

.
.
.