.

Vai trò của trường chính trị trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Cập nhật: 10:22, 27/06/2022 (GMT+7)

Đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một trong những nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta; là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác giảng dạy và nghiên cứu ở các trường chính trị cấp tỉnh hiện nay.

Tại Hội thảo khoa học do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang tổ chức vừa qua, nhiều bài tham luận, ý kiến của các cán bộ, giảng viên chính trị, nhà nghiên cứu đã làm rõ vai trò, trách nhiệm của giảng viên trường chính trị cấp tỉnh trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

KHẲNG ĐỊNH TẦM QUAN TRỌNG CỦA GIÁO DỤC LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Ths. Nguyễn Thức Bảo, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang khẳng định: “Công tác nghiên cứu và giảng dạy lý luận chính trị có vai trò rất quan trọng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Thực hiện Hướng dẫn 475, ngày 24-9-2019 của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, các trường chính trị cấp tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị, nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giảng viên đối với việc tăng cường kết hợp giáo dục lý luận chính trị với giáo dục, định hướng cho người học về nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực thù địch trong tình hình mới là việc làm cần thiết, cấp bách, là trách nhiệm của các trường chính trị và của từng đảng viên…”.

Đồng chí Châu Thị Mỹ Phương, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang chủ trì hội thảo.
Đồng chí Châu Thị Mỹ Phương, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang chủ trì hội thảo.

Vị trí của giáo dục lý luận chính trị đã được Bác Hồ khẳng định: “Không có lý luận thì chí khí kém cương quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng”. Đảng ta cũng đã chỉ rõ: “Công tác tư tưởng, lý luận, báo chí phải đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, làm cho hệ tư tưởng của Đảng, của giai cấp công nhân, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, những giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc, những tinh hoa văn hóa thế giới chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội…”.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang Nguyễn Hiệp Trung: Giáo dục lý luận chính trị là một nhiệm vụ trọng yếu trong công tác tư tưởng của Đảng, nhằm bồi đắp nền tảng tư tưởng, chính trị của chế độ, nâng cao năng lực lãnh đạo, bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức cách mạng, để đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng đáp ứng với yêu cầu mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…

Ý thức được vai trò trên, thời gian qua, giảng viên các trường chính trị đã luôn cố gắng đóng góp sức mình để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng bằng việc lồng ghép chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giải đáp các thắc mắc, định hướng tư tưởng cho học viên. Ngoài ra, trong các bài viết khoa học, tạp chí, hội thảo, toạ đàm..., công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong đội ngũ giảng viên các trường chính trị cũng không kém phần sôi nổi. 

ThS. Trần Lê Cẩm Tú, Phó Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật, Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang thẳng thắn cho rằng, bên cạnh những thành tựu nêu trên, đội ngũ giảng viên các trường chính trị vẫn còn những hạn chế nhất định trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Điều đó thể hiện ở số ít giảng viên chưa chủ động cập nhật kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng và âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch vào các nội dung bài giảng để giúp học viên nhận diện và đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc sai trái, thù địch; chưa tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong kiểm tra, đánh giá học viên. Ngoài ra, công tác nghiên cứu khoa học về nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chưa được một số giảng viên chú trọng thực hiện…

PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Để đội ngũ giảng viên lý luận chính trị, báo cáo viên tuyên truyền hiệu quả trong đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cần đào tạo, bồi dưỡng họ “vừa hồng, vừa chuyên”, có lý luận, có kiến thức thực tiễn, biết lắng nghe, phân tích tình hình, nhận biết nhanh nhạy các luận điều sai trái.

Quang cảnh Hội thảo tại Trường Chính trị Tiền Giang.
Quang cảnh Hội thảo tại Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang.

Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang Nguyễn Hiệp Trung cho rằng: Các học viện, trường chính trị tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho đội ngũ giảng viên, báo cáo viên lý luận chính trị về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Nội dung, chương trình bồi dưỡng cần tập trung vào những vấn đề cơ bản, như giáo dục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của lý luận và công tác lý luận. Cập nhật những âm mưu, thủ đoạn mới của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta; cập nhật quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng, chính đốn Đảng và hệ thống chính trị, về quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện…

Trong quá trình giảng dạy các môn học lý luận chính trị, cần có quy định cụ thể để giảng viên, báo cáo viên tích hợp, lồng ghép nội dung về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào trong giáo án và tiết giảng. Thông qua việc sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, người dạy truyền tải những tri thức khoa học về lý luận chính trị đến người học một cách hiệu quả nhất; đồng thời qua đó nắm bắt được tâm tư, tình cảm của người học, kịp thời điều chỉnh những hành vi, thái độ của người học nếu nhận thức chưa đúng, hoặc bị chi phối bởi các quan điểm sai trái, lệch lạc.

ThS. Nguyễn Thị Thanh Thư, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Phạm Hùng, tỉnh Vĩnh Long chia sẻ: Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới, trường chính trị cần phát huy vai trò nòng cốt, tiên phong. Trong đó, từng giảng viên cần phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, coi đó là nền tảng tinh thần của xã hội mà mỗi cán bộ, giảng viên phải thấm nhuần lý luận chủ nghĩa Mác-Lênnin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiên định, tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới của Đảng.

“Giảng viên cần tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy, thường xuyên cập nhật thực tiễn, tăng cường tương tác với học viên, không ngừng nghiên cứu chuyên sâu, trao đổi chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng bài giảng. Tăng cường thao giảng, dự giờ, trao đổi kinh nghiệm… giúp giảng viên nâng chất về tính khoa học, tính Đảng, tính định hướng, tính chiến đấu trong bài giảng.

Lồng ghép nội dung các nghị quyết vào bài giảng ở nội dung chuyên đề mà mình giảng dạy, chỉ ra những điểm bị xuyên tạc để đấu tranh bảo vệ. Trong mỗi bài giảng phải có đấu tranh bảo vệ, phải làm lan tỏa những giá trị tích cực, làm rõ tính đúng đắn, sáng tạo, khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao tính chiến đấu và truyền cảm hứng cho người học.

Đưa nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực thù địch là một trong những nội dung định hướng hoạt động nghiên cứu khoa học của khoa, của trường; khẳng định giá trị bền vững của nền tảng tư tưởng của Đảng, thông qua khẳng định tính khoa học, tính cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênnin và tư tưởng Hồ Chí Minh có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc củng cố niềm tin của người học đối với nền tảng tư tưởng của Đảng” - ThS. Lê Thị Mỹ Duyên, Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh.

Nhiều cán bộ, giảng viên đều cho rằng, để phát huy vai trò của giáo dục lý luận chính trị, đòi hỏi mỗi giảng viên cần tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra yêu cầu phải đổi mới “phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn”. Nhiệm vụ này đòi hỏi lực lượng giảng viên phải chủ động, sáng tạo, không ngừng áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, đồng thời cập nhật kịp thời những vấn đề thực tiễn đang đặt ra trong bài giảng để tăng tính chủ động, tích cực và ứng dụng cho học viên trong quá trình học. Đây là cách giúp đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào thực tiễn cuộc sống một cách nhanh chóng, sát thực, cũng như kịp thời phát hiện những “chỗ trống” cần góp ý hoàn thiện với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. 

ThS. Trần Lê Cẩm Tú cho rằng: Mỗi giảng viên cần trở thành một chiến sĩ thực thụ trên mặt trận đấu tranh này, không phải chỉ khi Đảng lên tiếng, mà chúng ta cần chiến đấu vì tương lai tốt đẹp của dân tộc, vì sự đấu tranh, hy sinh của những người đi trước. Trên biên giới, các chiến sĩ, đồng bào ta ngày đêm canh giữ từng tấc đất của quê hương; thì trên bục giảng, trong cộng đồng, các giảng viên trường chính trị phải tích cực đóng góp sức mình để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cũng như góp phần kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt đông của hệ thống trường chính trị.

LÊ PHƯƠNG (lược ghi)

.
.
.