Kỳ họp thứ 5 - HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X: UBND tỉnh trình nhiều dự thảo nghị quyết tăng mức hỗ trợ
(ABO) Trong ngày 5 và 6-7, tại Kỳ họp thứ 5 - HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X, UBND tỉnh đã có 29 Tờ trình kèm theo dự thảo Nghị quyết về các vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội cần xem xét, thông qua tại kỳ họp lần này. Trong đó có nhiều Tờ trình dự thảo Nghị quyết tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị, địa phương hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch; động viên cán bộ, người lao động yên tâm công tác.
* TĂNG KINH PHÍ HỖ TRỢ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang, đến nay, toàn tỉnh có 131/143 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đạt tỷ lệ 91,6%; 26 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt tỷ lệ 18,18%; 3 đô thị (TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công, TX. Cai Lậy) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 3 huyện (Chợ Gạo, Gò Công Đông và Gò Công Tây) đạt chuẩn huyện NTM; không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí; không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong quá trình xây dựng NTM. Đây là kết quả nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, chung lòng của nhân dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh hơn 10 năm qua.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn trình Tờ trình kèm dự thảo Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 5. |
Nhằm tạo điều kiện để các địa phương chủ động trong việc xây dựng kế hoạch lộ trình đạt chuẩn NTM đến năm 2025 theo chỉ tiêu được đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về lãnh đạo xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tại Kỳ họp thứ 5 - HĐND tỉnh khóa X, UBND tỉnh có Tờ trình số 187 kèm theo dự thảo Nghị quyết về phân bổ chi hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025.
Theo dự thảo Nghị quyết này, mức chi hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng cho các xã, huyện xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu sẽ tăng lên so với trước đây.
Cụ thể, các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM được hỗ trợ ít nhất 18 tỷ đồng/xã để đầu tư cho các công trình kết cấu hạ tầng liên quan đến 4 tiêu chí như: Giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn.
Các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao được hỗ trợ ít nhất 5 tỷ đồng/xã để thực hiện duy trì, nâng tỷ lệ, mức độ đạt các tiêu chí hạ tầng kỹ thuật như: Giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn.
Các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM kiễu mẫu được hỗ trợ ít nhất 10 tỷ đồng/xã để thực hiện duy trì, nâng tỷ lệ, mức độ đạt các tiêu chí hạ tầng kỹ thuật như: Giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn...
Nghị quyết cũng nêu rõ, nguồn kinh phí từ nguồn chi hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xây dựng NTM cấp xã giai đoạn 2021 - 2025 theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư khang trang. |
Theo ý kiến thẩm tra của Ban Kinh tế Ngân sách - HĐND tỉnh, việc ban hành Nghị quyết về phân bổ chi hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025 là hết sức cần thiết. Dự thảo Nghị quyết quy định mức hỗ trợ các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM xây dựng kết cấu hạ tầng ít nhất 18 tỷ đồng/xã, tăng 5 tỷ đồng/xã là phù hợp vì theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021 - 2025, có một số chỉ tiêu tăng về số lượng và mức độ đánh giá. Mặt khác, 12 xã trên địa bàn tỉnh chưa đạt chuẩn NTM đa số là các xã khó khăn, cần nhiều nguồn lực để đầu tư hoàn thành các tiêu chí. Đối với mức hỗ trợ cho xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu, huyện NTM, các đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM theo dự thảo Nghị quyết là phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay.
* HỖ TRỢ NÂNG CAO NĂNG LỰC CHO KINH TẾ TẬP THỂ
Theo đánh giá của UBND tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 2016 - 2020, các ngành, các cấp trong tỉnh quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tập thể (KTTT) của tỉnh từng bước phát triển ổn định và đi lên, đã có sự chuyển biến rõ rệt, vai trò của khu vực KTTT trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh từng bước được khẳng định. Tuy nhiên, một số tổ chức KTTT còn nhiều khó khăn, hiệu quả hoạt động chưa cao nên thu nhập của cán bộ không ổn định, chưa thu hút được cán bộ trẻ về làm việc lâu dài cho tổ chức này.
Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Tiền Giang Nguyễn Kim Tuyến trình Tờ trình kèm dự thảo Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 5. |
Tại Kỳ họp thứ 5 - HĐND tỉnh, UBND tỉnh có Tờ trình số 201 kèm dự thảo Nghị quyết quy định mức chi hỗ trợ nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực KTTT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2022 - 2025 nhằm tạo cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện tốt quy định nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực KTTT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, tạo điều kiện để các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh thực hiện việc quản lý, sử dụng kinh phí nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực KTTT.
Theo dự thảo Nghị quyết, đối tượng áp dụng là thành viên, người lao động đang làm công tác quản lý, chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ của các tổ chức KTTT; người lao động tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học về làm việc tại các tổ chức KTTT; các cơ quan, tổ chức có liên quan đến thực hiện việc hỗ trợ nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực KTTT.
Mức chi hỗ trợ: Hỗ trợ kinh phí ăn ở cho học viên là thành viên, người lao động đang làm công tác quản lý, chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ của các tổ chức KTTT tham gia đào tạo nâng cao năng lực bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng/khóa đào tạo. Trường hợp khóa đào tạo có thời gian dưới 1 tháng thì thực hiện hỗ trợ theo số ngày thực tế tham gia khóa đào tạo (mức lương tối thiểu vùng/26 ngày x số ngày thực tế tham gia khóa đào tạo).
Hỗ trợ lao động trẻ về làm việc tại tổ chức KTTT với mức hỗ trợ hằng tháng bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng. Thời gian hỗ trợ cho mỗi người theo thời gian làm việc thực tế nhưng tối đa không quá 3 năm, số lượng người được hỗ trợ tối đa là 2 người cho 1 tổ chức KTTT/năm.
Thời gian qua, KTTT đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang. |
Theo ý kiến thẩm tra của Ban Kinh tế Ngân sách - HĐND tỉnh, việc ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ về tiếp cận nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực, chuyên giao kỹ thuật, công nghệ, hỗ trợ phát triển thị trường, tạo điều kiện phát triển KTTT, hợp tác xã là rất cần thiết. Qua đó cũng đảm bảo thực hiện thống nhất mức chi hỗ trợ kinh phí đào tạo nâng cao năng lực của các tổ chức KTTT, đồng thời góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể nhất thiết phải hợp tác, liên kết với nhau đề cùng phát triển.
CHI NGÂN SÁCH CHO HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY
Trong 5 năm qua (2016 - 2021), trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã xảy ra 169 vụ cháy, gây thiệt hại về người (4 người chết, 8 người bị thương); thiệt hại về tài sản ước tính trên 360 tỷ đồng. Trong đó, Đội Dân phòng với vai trò là lực lượng tại chỗ đã kịp thời cứu chữa 40 vụ trước khi lực lượng Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) đến hiện trường, góp phần ngăn chặn cháy lan, cháy lớn, hạn chế thiệt hại về người và tài sản.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 873 Đội Dân phòng. Tuy nhiên, thời gian qua, điều kiện hoạt động của Đội Dân phòng cũng còn nhiều khó khăn do chưa được trang bị phương tiện, công cụ PCCC và CNCH theo quy định dẫn đến công tác xử lý ban đầu kém hiệu quả, chưa kịp thời là một phần nguyên nhân gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Đại tá Nguyễn Văn Nhựt, Giám đốc Công an Tiền Giang trình Tờ trình kèm dự thảo Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 5. |
Tại Kỳ họp thứ 5 - HĐND tỉnh khóa X, UBND tỉnh có Tờ trình số 192 đề nghị HĐND tỉnh xem xét ban hành Nghị quyết quy định mức chi ngân sách cho hoạt động PCCC và CNCH đối với lực lượng Dân phòng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Theo đó, dự thảo Nghị quyết này quy định 2 nội dung gồm:
Trang bị danh mục, số lượng, phương tiện PCCC và CNCH cho các Đội Dân phòng theo Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 150/TT-BCA bắt buộc trang bị cho mỗi Đội Dân phòng; Quy định mức hỗ trợ thường xuyên đối với Đội trưởng là 17% lương tối thiểu vùng/người/tháng; Đội phó là 15% lương tối thiểu vùng/người/tháng.
Lực lượng Dân phòng xã Thạnh Tân (huyện Tân Phước) thực tập phương án chữa cháy tại chỗ. |
Theo Nghị quyết 11 ngày 5-8-2016 của HĐND tỉnh, Đội trưởng chỉ được hỗ trợ 0,3 mức lương cơ sở/tháng, Đội phó được hỗ trợ 0,25 mức lương cơ sở/tháng. Theo đề xuất trong dự thảo Nghị quyết (thay thế Nghị quyết 11 của HĐND tỉnh theo Nghị định 136 ngày 24-11-2022 của Chính phủ), mức hỗ trợ hằng tháng theo lương tối thiểu vùng sẽ tăng mức hỗ trợ cho Đội trưởng, Đội phó Đội Dân phòng để động viên và tạo điều kiện cho lực lượng này yên tâm công tác.
Theo ý kiến thẩm tra của Ban Pháp chế - HĐND tỉnh, hiện nay, điều kiện hoạt động của Đội Dân phòng cũng còn nhiều khó khăn, chưa được trang bị phương tiện, công cụ PCCC và CNCH theo quy định. Vì vậy, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định việc trang bị phương tiện PCCC và CNCH đối với lực lượng Dân phòng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang là cần thiết, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang.
THU HOÀI - VĂN THẢO