.

Thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo

Cập nhật: 13:55, 29/07/2022 (GMT+7)

Những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Tiền Giang triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (viết tắt Chỉ thị 05) gắn với Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nghiêm túc, có chiều sâu, đã lan tỏa mạnh mẽ trong toàn ngành. Từ đó, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, tác động tích cực nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT trong tình hình mới.

NHIỀU VIỆC LÀM CỤ THỂ, THIẾT THỰC

Theo Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Phương Toàn, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm, xem trọng sự nghiệp GD-ĐT. Trong tiến trình phát triển của dân tộc, Người luôn coi “Giáo dục là cốt sách hàng đầu”.

Thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dạy và học. (Ảnh chụp tại Trường THCS Lê Ngọc Hân, TP. Mỹ Tho).
Thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dạy và học. (Ảnh chụp tại Trường THCS Lê Ngọc Hân, TP. Mỹ Tho).

Thấm nhuần lời căn dặn của Người, những năm qua, hòa vào dòng chảy giáo dục của đất nước, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, tỉnh Tiền Giang đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác GD-ĐT.

Việc thực hiện Chỉ thị 05 đã được toàn ngành GD-ĐT Tiền Giang triển khai thực hiện nghiêm túc bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”…

Với phương châm “nói đi đôi với làm”, trong qua trình triển khai Chỉ thị 05, ngành GD-ĐT Tiền Giang đã linh hoạt vận dụng phù hợp thực tế và tổ chức học tập nghiêm túc các chuyên đề hằng năm, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành công việc thường xuyên, sâu rộng, liên tục và có hệ thống bằng nhiều hình thức sinh động, gần gũi trong các buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, trong các buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ hằng tháng, các buổi tọa đàm...

Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các hoạt động phong trào, như: Cuộc thi Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; trong từng năm học tổ chức hội diễn văn nghệ toàn ngành với chủ đề ca ngợi công ơn của Bác Hồ, ca ngợi Đảng và đất nước đổi mới; tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao, đồng diễn thể dục với chủ đề “Rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”…

“Với những việc làm cụ thể, thiết thực và những kết quả đạt được đáng khích lệ qua thực hiện Chỉ thị 05, ngành GD-ĐT Tiền Giang đã hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả “Vì lợi ích trăm năm trồng người” theo  lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thời gian tới, ngành GD-ĐT Tiền Giang sẽ phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn, bất cập; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh…” - đồng chí Nguyễn Phương Toàn cho biết thêm.

Qua đó, cán bộ, đảng viên, giáo viên, nhân viên toàn ngành nâng nhận thức về những giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ đó tôi rèn, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, phát huy tốt năng lực chuyên môn, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy.

Qua những việc làm cụ thể, thiết thực gắn với nhiệm vụ chuyên môn, các phong trào thi đua học tập và làm theo Bác đã xuất hiện nhiều tấm gương giáo viên tiêu biểu dạy giỏi, công tác tốt, trong đó có thể kể đến tấm gương cô Nguyễn Thị Ngọc Hằng, Trường Mầm non Sao Sáng (TP. Mỹ Tho).

Hơn 13 năm gắn bó với công tác giảng dạy, cô Hằng luôn hoàn thành tốt vai trò là người mẹ hiền của trẻ. Do đặc thù dạy trẻ mầm non, cô luôn chịu khó tìm hiểu cá tính của từng trẻ để có phương pháp giảng dạy phù hợp, trong đó chú trọng dành tình cảm yêu thương trẻ. Đặc biệt, cô Hằng đã lồng ghép những câu chuyện kể về Bác Hồ vào các chủ đề giảng dạy trên lớp; thường xuyên khen ngợi và động viên trẻ làm đúng theo lời dạy của Bác Hồ bằng những đóa hoa hồng tươi thắm…

“Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là quá trình lâu dài, thậm chí phấn đấu suốt cả cuộc đời của mỗi cá nhân, đặc biệt là đối với thế hệ giáo viên trẻ như chúng tôi. Để việc học tập và làm theo Bác thiết thực, hiệu quả, đòi hỏi mỗi cá nhân thực hiện Chỉ thị 05 phải gắn với hoạt động chuyên môn, không ngừng trau dồi kinh nghiệm, nâng cao phẩm chất đạo đức, tay nghề” - cô Hằng chia sẻ.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GD-ĐT

Có thể thấy, qua việc thực hiện Chỉ thị 05, cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành GD-ĐT Tiền Giang luôn đề cao tinh thần trách nhiệm trong công tác, chất lượng giáo dục ở các bậc học không ngừng được nâng cao.

Cụ thể, trong năm học 2021 - 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng học sinh lên lớp thẳng đạt tỷ lệ 97,5% đối với bậc tiểu học (TH), 95% đối với bậc trung học cơ sở (THCS), 98,8% đối với bậc trung học phổ thông (THPT); tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi đạt 58% đối với bậc THCS, 50,2% đối với THPT. Công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia, kiểm định chất lượng ở các cơ sở giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh, đến tháng 6-2022, có 320/516 trường đạt chuẩn Quốc gia các bậc học, chiếm tỷ lệ 62,02%...

Những năm qua, ngành GD-ĐT Tiền Giang còn nỗ lực thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Toàn ngành hiện có 19.139 cán bộ, nhà giáo công tác ở các đơn vị sự nghiệp giáo dục, trong đó có 16.865 giáo viên và 2.274 nhân viên.

Tỷ lệ giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn ở bậc học mầm non là 81,25%, bậc TH là 70,72%, THCS là 63,82% và THPT là 99,99%. Mặt khác, toàn ngành hiện có 5 tiến sĩ, 341 thạc sĩ, 9.565 nhà giáo đạt trình độ đại học.

PHI CÔNG

.
.
.