.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: "Phiên chất vấn đã diễn ra sát thực tế, thiết thực, tâm huyết, thẳng thắn và trách nhiệm cao"

Cập nhật: 19:39, 10/08/2022 (GMT+7)

“Diễn biến của phiên chất vấn cho thấy tinh thần năm chữ T: sát thực tế, thiết thực, tâm huyết, thẳng thắn và trách nhiệm cao đối với cả người hỏi và người trả lời chất vấn”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bình luận.

Cuối chiều 10-8, phát biểu kết luận hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, phiên chất vấn đã hoàn thành toàn bộ nội dung dự kiến và đạt được các yêu cầu đề ra.

Các nhóm vấn đề thuộc 2 lĩnh vực được lựa chọn chất vấn đúng và trúng, phù hợp với thực tế đời sống, bám sát thứ tự ưu tiên trong rất nhiều vấn đề được đại biểu Quốc hội, nhân dân, cử tri và dư luận xã hội quan tâm.

“Diễn biến của phiên chất vấn cho thấy tinh thần năm chữ T: sát thực tế, thiết thực, tâm huyết, thẳng thắn và trách nhiệm cao đối với cả người hỏi và người trả lời chất vấn”, Chủ tịch Quốc hội bình luận.

a
Phiên chất vấn đã khép lại sau một ngày làm việc nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao

Lãnh đạo Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.

Cụ thể, đối với lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Công an, bộ cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ an ninh, trật tự, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tiễn, nhất là đối với những vấn đề mới, khó, những thách thức an ninh phi truyền thống làm cơ sở xây dựng lực lượng công an nhân dân tinh nhuệ, chính quy, hiện đại vào năm 2030; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra tội phạm, không để lọt tội phạm và không để oan sai; đẩy mạnh thi hành Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thi hành; làm tốt công tác rà soát, thống kê và quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy.

Đồng thời, phối hợp với các địa phương để bố trí kinh phí thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025; nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế và phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, các lực lượng phòng, chống ma túy quốc tế, đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma túy hoạt động liên tỉnh và xuyên quốc gia.

a
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: VIẾT CHUNG

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, ngành công an cần có giải pháp đấu tranh hiệu quả với các hình thức "tín dụng đen" qua mạng xã hội, các app và website; xử lý triệt để các vụ án liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", nhất là vụ án liên quan đến cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tiếp tay cung cấp vốn cho "tín dụng đen" hoạt động, xử lý trách nhiệm các đơn vị, cá nhân không chủ động phát hiện, đấu tranh với tội phạm liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn nhưng các đơn vị, địa phương khác lại phát hiện và xử lý…

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công an phối hợp với Bộ TT-TT hoàn thiện và thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng; yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông internet, quản lý chặt chẽ thông tin trên không gian mạng, xử lý tình trạng sim rác.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tại Việt Nam phải tuân thủ chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật Việt Nam, bóc gỡ các video, thông tin sai sự thật trên không gian mạng, nhất là trên các nền tảng xuyên biên giới…

Đối với lĩnh vực văn hóa - thể thao - du lịch (VH-TT-DL), Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ VH-TT-DL tăng cường liên kết vùng, phối hợp liên ngành để phát triển du lịch; khẩn trương ban hành quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045; tổ chức triển khai thực hiện cơ chế chính sách về phục hồi, phát triển du lịch theo Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ về chương trình này cũng là yêu cầu quan trọng đặt ra với ngành VH-TT-DL.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Bộ VH-TT-DL tập trung triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, Chiến lược phát triển gia đình đến năm 2030; rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa, như sửa đổi Luật Di sản văn hóa; nghiên cứu xây dựng luật về nghệ thuật biểu diễn; xây dựng văn bản quy phạm điều chỉnh lĩnh vực văn hóa; nghiên cứu xây dựng đề án hoặc chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2022-2030 trình Quốc hội xem xét, quyết định.

(Theo sggp.org.vn)


 

.
.
.