.

Chuyện về những Anh hùng ở ấp Láng Biển

Cập nhật: 10:30, 17/08/2022 (GMT+7)

Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi về công tác tại xã Mỹ Phước Tây, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Nơi chúng tôi tìm đến là ấp Láng Biển, tên nghe có hơi lạ, vì đây là vùng đất không có biển, mà là những cánh đồng bạt ngàn một màu xanh của đồng ruộng và vườn cây ăn trái. Hàng trăm năm qua, biết bao thay đổi trên vùng đất Láng Biển này; và chiến tranh đã để lại nhiều nỗi đau cho người ở lại, nhưng ai cũng rất đỗi tự hào vì đây là quê hương của nhiều  người Anh hùng, như Bà mẹ Việt Nam Anh hùng -  Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Mai Thị Út, “Đóa hoa Điền Thanh” Trần Thị Gấm, Anh hùng LLVTND Đặng Văn Bê kiên trung, bất khuất…

MÁ TÁM HỢI VÀ 100 TẤN VŨ KHÍ

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng - Anh hùng LLVTND Mai Thị Út (tên gọi thân mật  má Tám Hợi), sinh năm 1912, tại ấp Mỹ Đa, xã Mỹ Hạnh Trung, huyện Cai Lậy (nay thuộc TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), là người con dâu của ấp Láng Biển.

Trường THCS  tại ấp Long Phước, xã Mỹ Phước Tây vinh dự mang tên Mai Thị Út.
Trường THCS tại ấp Long Phước, xã Mỹ Phước Tây vinh dự mang tên Mai Thị Út.

Chồng mẹ Út tham gia cách mạng từ những năm 1930, đã giáo dục mẹ Út giác ngộ cách mạng, tham gia hoạt động trong Hội Phụ nữ Cứu quốc xã Mỹ Phước Tây, cùng chị em trong hội tải gạo, đạn, thương binh trong căn cứ kháng chiến Đồng Tháp Mười.

Mẹ còn đào hầm ngay trong nhà mình để nuôi giấu cán bộ. Khi chồng hy sinh, các con theo mẹ Út phục vụ cách mạng. Năm 1961, mẹ vừa công tác ở xã, vừa nhận nhiệm vụ vận chuyển, mua nguyên vật liệu cho đơn vị hậu cần của Tỉnh đội Mỹ Tho để sản xuất vũ khí.

8 người con của mẹ đều giúp mẹ bằng cách đi gom tiền và mua vật dụng, thuốc Tây, gạo… ở chợ Cai Lậy. Mẹ Út thường chở cháu nội theo và cải tạo chiếc thuyền dùng hằng ngày thành thuyền hai đáy, đáy phía trên chở các hàng hóa và vật dụng bình thường, đáy phía dưới cất vũ khí, thuốc Tây… vận chuyển vào cứ để qua mắt giặc. Sau hàng trăm chuyến vận chuyển trót lọt, cái tên Mai Thị Út đã bị giặc chú ý. Có lần, vào năm 1965, địch tổ chức chặn bắt mẹ. May mắn, mẹ Út nhận được tin trước, đã dìm xuồng, ghé nhà người quen, trốn thoát.

Láng Biển là tên gọi của một lòng chảo còn sót lại do quá trình bồi đắp không đồng đều của phù sa mà chưa có bàn tay con người tác động vào. Tương truyền rằng, mấy trăm năm trước, láng này rộng bát ngát như một cái biển, nên được gọi tên là Láng Biển. Mùa khô, Láng Biển toàn sình lầy, đến mùa mưa nước đọng lại mênh mông, các loại sen, súng, năn, lác mọc lên điểm tô mặt nước...

Trong giai đoạn 1972 - 1974, quân địch truy lùng dữ dội, đường dây hậu cần bị cắt đứt cả trên bộ lẫn thủy, nhiều cán bộ, chiến sĩ giao liên đã hy sinh, vũ khí, thuốc men… khó vận chuyển được đến chiến trường. Mẹ Út đã dùng thuyền hai đáy vận chuyển trót lọt trên 100 tấn vũ khí, 2,5 tấn thuốc men qua 25 đồn bót địch an toàn, kịp thời phục vụ chiến dịch.

Khi ấy, mặc dù đã ngoài 60 tuổi, nhưng mẹ vẫn hăng hái nhận nhiệm vụ vận chuyển hàng từ biên giới Campuchia về căn cứ. Với những đóng góp to lớn trong 2 cuộc kháng chiến, mẹ Út đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Ngày 5-8-1994, mẹ qua đời, an táng tại ấp Láng Biển, đã được truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trong năm mẹ mất.

“ĐÓA HOA ĐIỀN THANH” MÃI MÃI TUỔI 20

Anh hùng LLVTND Trần Thị Gấm sinh năm 1946, tại ấp Láng Biển, xã Mỹ Phước Tây. Chị Gấm thoát ly gia đình đi làm cách mạng từ năm 1963 (sau Chiến thắng Ấp Bắc ngày 2-1-1963), lúc vừa tròn 17 tuổi. Chị được điều về công tác tại Nhà in Lý Tự Trọng (Nhà in Báo Giải phóng) thuộc Ban Tuyên huấn Khu 8.

Năm 1966, Mỹ - ngụy tăng cường đánh phá các đơn vị bám trụ của ta, trong đó có chốt tiền tiêu thuộc Nhà in Lý Tự Trọng đóng tại kinh Gáo Ðôi, thuộc xã Tân Công Sính, huyện Hồng Ngự, tỉnh Kiến Phong (nay là tỉnh Ðồng Tháp).

Lãnh đạo xã Mỹ Phước Tây khảo sát Cánh đồng lớn tại ấp Láng Biển.
Lãnh đạo xã Mỹ Phước Tây khảo sát Cánh đồng lớn tại ấp Láng Biển.

Chốt này có 7 đồng chí được trang bị súng trường, tiểu liên và lựu đạn, đã chiến đấu quyết liệt, bắn hết đạn, 6 đồng chí đã lần lượt hy sinh, chỉ còn chị Gấm. Quyết không để lọt vào tay giặc, chị đã cho nổ tung thùng lựu đạn gài duy nhất còn lại, làm hư hỏng 2 thuyền bay, địch chết và bị thương hơn một tiểu đội. Trận đánh cuối cùng của chị Gấm đã chặn được mũi tiến quân của giặc, buộc chúng phải vội vã rút quân. Chị Gấm - người đảng viên cộng sản 20 tuổi đời đã anh dũng hy sinh cùng đồng đội.

Lúc bấy giờ, Nhà văn Nguyễn Quang Sáng từ Trung ương Cục về Khu 8 công tác, đã tiếp cận viết mẩu chuyện: “Trận đánh Trần Thị Gấm”, đăng trên Báo Văn nghệ miền Trung Nam bộ năm 1967. Sau đó, Nhạc sĩ Phan Thế từ Hội Văn nghệ của Trung ương Cục về sáng tác một bản vọng cổ nhan đề “Mùa bông Điên Điển” ca ngợi sự hy sinh anh dũng của chị Gấm.

Bản vọng cổ này đã được Ca sĩ Thanh Hùng và Ngọc Hoa hát, phát trên Ðài Phát thanh Giải phóng nhiều lần lúc bấy giờ. Ở Hà Nội, dựa theo cốt truyện của Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Xưởng phim hoạt hình Trung ương đã chuyển thể thành kịch bản phim “Hoa Ðiền Thanh”, tức “Bông điên điển” (vì hành động anh dũng của chị Gấm cùng đồng đội của chị diễn ra trong mùa hoa điên điển nở rộ trên Ðồng Tháp Mười và ngay nơi chị hy sinh cùng đồng đội hoa điên điển cũng đang nở rộ).

Nhiều năm qua, ấp Láng Biển phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Nhìn chung, các hộ nông dân trong ấp canh tác thuận lợi nhờ hệ thống đê bao khép kín, thủy lợi nội đồng thường xuyên được nạo vét, bà con nhạy bén ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất...

Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Phước Tây Nguyễn Văn Lợi cho biết, trước đây có khoảng 100 ha chuyên canh tác lúa theo mô hình Cánh đồng lớn trên địa bàn ấp Láng Biển. Từ năm 2019 đến nay, nhiều hộ dân ấp Láng Biển chuyển đổi cây lúa sang trồng mít và sầu riêng, với diện tích khoảng 70 ha.

Chính quyền xã phát huy lợi thế nông nghiệp và ưu tiên hỗ trợ người dân ấp Láng Biển bằng nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần đưa xã Mỹ Phước Tây trở thành xã đầu tiên của TX. Cai Lậy được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới vào cuối năm 2016 và đang phấn đấu ra mắt xã nông thôn mới nâng cao vào cuối năm nay.

NGƯỜI ANH HÙNG VỚI CÁI TÊN DÂN DÃ

Năm 1961, khi 18 tuổi, Đặng Văn Bê tham gia du kích, đến tháng 3-1967 là Tiểu đội trưởng Du kích xã Mỹ Phước Tây. Trong suốt thời gian hơn 8 năm tham gia chiến đấu (tháng 2-1961 đến tháng 10-1969), đồng chí đã cùng đồng đội phối hợp với các đơn vị của trên liên tục đánh địch, loại khỏi vòng chiến đấu 246 tên, trong đó có 2 tên cố vấn Mỹ, thu 10 súng, 1 máy thông tin, phá hủy 1 xe jeep, bắn rơi 1 máy bay trực thăng, bắn chìm và bắn hỏng 5 tàu tuần tiễu. Riêng bản thân đồng chí đã tiêu diệt 13 tên, làm bị thương 32 tên, thu 6 súng các loại, bắn hỏng 1 tàu tuần tiễu.

Một tuyến đường giao thông nông thôn ở ấp Láng Biển.
Một tuyến đường giao thông nông thôn ở ấp Láng Biển.

Tháng 10-1969, do bọn phản bội chỉ điểm, địch xom hầm bí mật bắt sống đồng chí, giam ở khám đường Cần Thơ. Tháng 2-1970, địch giải đồng chí ra nhà tù Phú Quốc. Tại đây, đồng chí đã cùng đồng đội kiên quyết đấu tranh đòi địch thực hiện đúng chính sách tù binh.

Tháng 1-1971, mặc dù bị địch đánh chết đi sống lại nhiều lần, đồng chí vẫn đấu tranh không khoan nhượng với địch, kiên quyết không chịu vào phân khu chiêu hồi. Thấy không khuất phục được đồng chí, chúng ném đồng chí vào chảo nước sôi cho đến chết.

Ngày 5-12-2007, Liệt sĩ Đặng Văn Bê được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

QUANG MINH - HÀ ANH

 

.
.
.