.
KỶ NIỆM 77 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG (19-8-1945 - 19-8-2022):

Những quyết định vô cùng quan trọng của Bác Hồ làm thay đổi vận mệnh nước nhà

Cập nhật: 09:57, 19/08/2022 (GMT+7)

77 năm qua, kể từ Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19-8-1945), tinh thần bất diệt của những ngày tháng Tám lịch sử luôn cổ vũ, động viên mỗi người dân đất Việt vững tin vào sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.

Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 1981945. Ảnh: TƯ LIỆU
Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 1981945. Ảnh: TƯ LIỆU

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

LÃNH TỤ THIÊN TÀI CỦA ĐẢNG VÀ DÂN TỘC TA

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một trong những thắng lợi nổi bật nhất, vĩ đại nhất của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Thắng lợi đó gắn liền với sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Bác Hồ kính yêu - lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta, Người đã có những quyết định vô cùng quan trọng, góp phần to lớn tạo nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, làm thay đổi vận mệnh nước nhà.

Quyết định đầu tiên có ý nghĩa vô cùng quan trọng chính là việc Người ra đi tìm đường cứu nước vào ngày 5-6-1911. Từ Bến cảng Nhà Rồng, với một quyết tâm cháy bỏng “nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành…”, trải qua bao khó khăn, vất vả, Người đã tiếp cận với Luận cương của Lê-nin, từ đó hình thành nên con đường cứu nước của nước ta.

Tiếp đó, Người quyết định thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930. Sự ra đời của Đảng với hệ thống tổ chức chặt chẽ và cương lĩnh cách mạng đúng đắn đã chấm dứt tình trạng khủng hoảng về lãnh đạo cách mạng kéo dài mấy chục năm đầu thế kỷ XX. Sự ra đời của Đảng là sự chuẩn bị tất yếu đầu tiên có tính chất quyết định cho những bước phát triển trong tiến trình lịch sử cách mạng của dân tộc Việt Nam.

Ngày 28-1-1941, Người trở về nước, đã chọn Cao Bằng là nơi xây dựng căn cứ cách mạng. Ở đây, Người và các đồng chí đã vận động, tập hợp và tổ chức lực lượng quần chúng. Sau thời gian xây dựng, thí điểm các đoàn thể cứu quốc, Trung ương Đảng, đứng đầu là Người đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh ngày 19-5-1941. Đây là quyết định về tổ chức có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cách mạng Việt Nam lúc này.

Cùng với sự ra đời của Mặt trận Việt Minh là sự phát triển mạnh mẽ của các đoàn thể trong Mặt trận như: Nông dân Cứu quốc, Công nhân Cứu quốc, Thanh niên Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc, Nhi đồng Cứu quốc… Dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh, mọi tầng lớp nhân dân yêu nước được tập hợp, đoàn kết, tham gia phong trào đấu tranh đánh đổ thực dân xâm lược, giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Đánh chiếm Bắc Bộ phủ.
Đánh chiếm Bắc Bộ phủ.

Song song với việc thành lập Mặt trận Việt Minh, để làm cơ sở và nòng cốt cho đấu tranh chính trị, Người đã cho xây dựng lực lượng vũ trang, đầu tiên là thành lập Đội Vũ trang Cao Bằng, làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ cách mạng, huấn luyện chính trị, quân sự cho các đội tự vệ, dân quân du kích địa phương, hậu thuẫn cho các cuộc đấu tranh của quần chúng.

Đến tháng 12-1944, Người ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách. Ngay sau khi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, đã gây được tiếng vang lớn với chiến thắng diệt gọn 2 đồn địch ở Phay Khắt và Nà Ngần, uy tín lan tỏa khắp cả nước; và nhiều địa phương đã chủ động thành lập các đội vũ trang. Lực lượng vũ trang không ngừng lớn mạnh đã tạo điều kiện vô cùng quan trọng cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân, Người trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến thành công. Với tầm nhìn xa trông rộng, nắm bắt được tình hình thế giới, đánh giá đúng thời cơ của cách mạng Việt Nam, Người cùng Trung ương Đảng đã xây dựng lực lượng và lãnh đạo quân, dân cả nước tiến hành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra trang sử vẻ vang chói lọi nhất cho dân tộc Việt Nam.

CÁCH MẠNG THÁNG TÁM Ở 2 TỈNH MỸ THO VÀ GÒ CÔNG

Ở TX. Mỹ Tho, thuộc tỉnh Mỹ Tho (nay là TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), các điều kiện khởi nghĩa có nhiều thuận lợi hơn các nơi khác, lại là nơi đầu não chính trị của địch trong toàn tỉnh, nên Tỉnh ủy Mỹ Tho quyết định chọn TX. Mỹ Tho khởi nghĩa trước để lấy đà và tạo điều kiện thuận lợi cho các quận trong tỉnh khởi nghĩa.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về căn cứ cách mạng, tổ chức chính trị, lực lượng cách mạng, đặc biệt là đội quân vũ trang tinh nhuệ, cùng với yếu tố thuận lợi về thời cơ cách mạng, quân và dân ta đồng loạt nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Theo đó, từ ngày 13 đến 15-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang) nhận định thời cơ đã đến, quyết định Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, giành chính quyền trước khi quân đồng minh vào Đông Dương. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Lúc này, thời cơ thắng lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập…”.

Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo khởi nghĩa ở Mỹ Tho, lấy lực lượng của Trường Quân sự tỉnh tại cầu Bến Chùa, xã Long An, quận Châu Thành làm lực lượng chủ công. Lúc bấy giờ, Trường Quân sự tỉnh sắp mãn khóa 2, với gần 100 học viên, được biên chế thành 3 trung đội, do đồng chí Phan Lương Trực chỉ huy. Nhiệm vụ được giao là phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng nội ô đánh chiếm cho bằng được các cơ sở trọng yếu của địch.

4 giờ ngày 18-8-1945, lực lượng chủ công tiến vào TX. Mỹ Tho bằng 2 chiếc xe đò hiệu Hữu Lợi. Đến đường Boulevard Bourdais (nay là đường Hùng Vương) tách làm 2 cánh, một cánh do đồng chí Phan Lương Trực chỉ huy, tiến chiếm trại lính người Việt; một cánh do đồng chí Hàng Nhật Nguyên chỉ huy, tiến chiếm sở mật thám và sở cảnh sát. Các cánh quân đều được sự tiếp ứng của lực lượng tại chỗ và sự hướng dẫn của cơ sở nội ứng nên đã nhanh chóng làm chủ các mục tiêu đã định.

Đến trưa ngày 18-8, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở TX. Mỹ Tho đã hoàn thành. Cùng lúc đó, nhân dân tự động đổ ra đường phố tạo thành những cuộc tuần hành thị uy. Trong những ngày tiếp theo, có rất nhiều cuộc mít tinh tuần hành biểu dương lực lượng. Lực lượng thanh niên vũ trang được phân công canh gác giữ gìn an ninh trật tự.

Điểm nổi bật trong khởi nghĩa Tháng Tám ở TX. Mỹ Tho là sử dụng lực lượng vũ trang nhanh chóng chiếm các công sở quan trọng của địch, hỗ trợ cho lực lượng quần chúng nổi dậy giành chính quyền ở cơ sở ngay trong thị xã; thực chất chỉ chiếm bằng áp lực vũ trang và bằng sự nổi dậy của lực lượng bên trong lòng địch, chứ không phải bằng nổ súng giao tranh, không bắn giết một ai, không bắt, không khảo tra một người nào, chiếm một cách hòa bình, chỉ có phát loa kêu gọi địch đầu hàng và tổ chức tiếp quản.

Ngay sau khởi nghĩa tại TX. Mỹ Tho thành công, các quận lần lượt giành chính quyền về tay nhân dân: Quận Châu Thành và quận Chợ Gạo khởi nghĩa thắng lợi ngày 22-8, quận Cai Lậy ngày 23-8, quận Cái Bè ngày 31-8...

Đêm 24-8, Tỉnh ủy Mỹ Tho tổ chức cuộc họp tại Tòa bố Mỹ Tho để xác định cơ cấu chính quyền nhân dân của tỉnh, triển khai ngay việc tổ chức mít tinh lớn tại sân vận động Mỹ Tho để chào mừng thắng lợi của cách mạng và ra mắt chính quyền của nhân dân.

Sáng 25-8, một cuộc mít tính lớn với gần 30.000 người từ các quận đổ về sân vận động Mỹ Tho để chào mừng cách mạng thắng lợi và chứng kiến lễ ra mắt của Ủy ban nhân dân tỉnh. Lúc đó, chính quyền địch ở tỉnh Gò Công (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) trở nên bất lực. Ngày 18-8-1945, Tỉnh ủy lâm thời Gò Công họp bầu Tỉnh ủy chính thức và thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng lâm thời để “danh chính ngôn thuận” kêu gọi toàn dân khởi nghĩa.

Ngày 21-8-1945, nhân dân xã An Thạnh Thủy (huyện Chợ Gạo) biểu tình kéo xuống làng Thạnh Nhựt (tổng Hòa Đồng Thượng) lấy mộc của làng, tước súng của hương quản. Tỉnh trưởng Gò Công đã mời đồng chí Nguyễn Văn Côn - đại diện Việt Minh đến gặp và khẩn thiết nhờ giải quyết. Ngày 22-8, đại diện Ủy ban Dân tộc giải phóng, ông Lê Văn Philíp đến dinh tỉnh trưởng thuyết phục Trần Hưng Ký từ chức và giao chính quyền cho Ủy ban Dân tộc giải phóng. 14 giờ ngày 22-8-1945, Tỉnh trưởng Trần Hưng Ký mời đồng chí Nguyễn Văn Côn và ông Lê Văn Philíp tới dinh tỉnh trưởng để giao lại chính quyền.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng bộ 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công thi hành các chủ trương của Đảng, thành lập và ra mắt chính quyền cách mạng, trấn áp bọn phản động, thực thi các chính sách về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Chính vì vậy, cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Mỹ Tho, Gò Công là cuộc cách mạng thành công và triệt để.

HỮU TƯỜNG (tổng hợp)

 

.
.
.