.

Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang Nguyễn Văn Danh: Hội cựu chiến binh tỉnh luôn gương mẫu đi đầu trong xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân (*)

Cập nhật: 09:49, 26/09/2022 (GMT+7)

Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị khóa IX về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cựu chiến binh (CCB) Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới.

Báo Ấp Bắc trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Danh tại hội nghị.

Sau hơn 3 giờ làm việc với tinh thần tập trung và trách nhiệm, tại hội nghị có 9 ý kiến phát biểu của lãnh đạo các đơn vị, các ngành, đoàn thể tỉnh, của lãnh đạo các huyện và TP. Mỹ Tho. Qua ý kiến phát biểu của các đồng chí đã đánh giá, phân tích làm rõ thêm những kết quả đã đạt được, những hạn chế và nguyên nhân, một số kinh nghiệm trong quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị và Kết luận 66 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Cựu chiến binh Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới (Tôi đồng tình, thống nhất cao với dự thảo báo cáo và với ý kiến phát biểu của các đồng chí).

Đồng chí Nguyễn Văn Danh phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh phát biểu tại hội nghị.

Thưa các đồng chí,

Hội Cựu chiến binh Việt Nam là một đoàn thể chính trị - xã hội, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là một cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, một tổ chức trong hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, hoạt động theo đường lối, chủ trương của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ của Hội.

Ngay từ khi thành lập, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam đã nhanh chóng khẳng định vai trò, vị trí của mình, từng bước xây dựng hệ thống tổ chức Hội ngày càng trong sạch, vững mạnh, không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết, gắn bó trong nội bộ, đoàn kết với nhân dân, đoàn kết quốc tế, khẳng định vị thế của một tổ chức chính trị - xã hội, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, của Nhà nước và niềm tin yêu của nhân dân.

Với tinh thần cách mạng tiến công, cán bộ, hội viên của Hội luôn xác định nhiệm vụ tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội là nhiệm vụ hàng đầu; từ đó, đã có nhiều việc làm thiết thực, cụ thể trong đấu tranh chống âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch; tích cực đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; chăm lo, giúp đỡ cựu chiến binh nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phát triển kinh tế gia đình; tổ chức các hoạt động nghĩa tình để cựu chiến binh giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống; xây dựng tình làng, nghĩa xóm.

Đặc biệt, sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị và hơn 12 năm thực hiện Kết luận 66 của Ban Bí thư, nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, của đoàn viên, hội viên và nhân dân về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, của Nhà nước đối với công tác cựu chiến binh đã được nâng lên rõ rệt.

Cùng với các cấp Hội Cựu chiến binh cả nước, Hội Cựu chiến binh tỉnh luôn gương mẫu đi đầu trong xây dựng và bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân; mỗi cán bộ, hội viên luôn nêu cao phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, có lập trường chính trị vững vàng, kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch; tích cực tham gia hòa giải các mâu thuẫn, vướng mắc, bức xúc trong nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; luôn bám sát cơ sở, kịp thời phản ánh, tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền giải quyết những bức xúc, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cựu chiến binh và của nhân dân có lý, có tình; tham gia đóng góp nhiều ý kiến quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang Nguyễn Văn Danh khen thưởng các tập thể.
Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang Nguyễn Văn Danh khen thưởng các tập thể.

Mặt khác, Hội cũng đã không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, phát triển hội viên, tổ chức Hội trong các cơ quan, doanh nghiệp (năm 2002 tỉnh có 23.695 hội viên, đến năm 2022 có 26.076 hội viên); thành lập 22 Ban Liên lạc truyền thống, tập hợp hơn 40 ngàn thành viên là cán bộ, chiến sĩ trong 2 cuộc kháng chiến, quân tình nguyện làm nghĩa vụ quốc tế; tổ chức Câu lạc bộ Cựu quân nhân ngày càng phát triển, hoạt động hiệu quả (năm 2002 có 97 câu lạc bộ, đến năm 2022 nâng lên 850 câu lạc bộ, tập hợp hơn 20 ngàn cựu quân nhân có mặt tại địa phương tham gia sinh hoạt câu lạc bộ).

Các mô hình, các phong trào do Hội phát động ngày càng đem lại hiệu quả thiết thực; qua đó, đời sống của hội viên và gia đình cựu chiến binh không ngừng được cải thiện nâng lên, trong đó có nhiều hội viên đã thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng (năm 2002, tỷ lệ hội viên nghèo là 5,29%; đến năm 2022 giảm còn 0,24%); đồng thời, tích cực tham gia xây dựng “Nông thôn mới - đô thị văn minh”; tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”... Tôi xin nêu 4 mô hình tiêu biểu mà Hội đã và đang thực hiện rất có hiệu quả, đó là:

- Mô hình Tổ nắm bắt thông tin, cung cấp thông tin trong phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, đến nay đã xây dựng được 952 Tổ với 3.841 thành viên; đã cung cấp cho ngành Công an và các cơ quan chức năng của tỉnh 6.823 tin có giá trị.

- Mô hình Tổ hội viên Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, đến nay đã xây dựng được 204 Tổ, giúp 1.292 hộ hội viên nghèo thoát nghèo, xóa 1.489 căn nhà tạm.

- Mô hình xây dựng “Quỹ đồng đội”, đã vận động góp Quỹ đồng đội hằng năm tăng bình quân 50.000 đồng/hội viên để giúp nhau sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, nâng lũy kế “Quỹ đồng đội” đến nay 17,86 tỷ đồng; đã hỗ trợ cho 3.573 lượt hộ hội viên vay không tính lãi, bình quân số tiền cho vay 5 triệu đồng/hộ hội viên.

- Mô hình xây dựng “Tổ góp vốn xoay vòng trong các Câu lạc bộ Cựu quân nhân”, đã vận động 379/850 Câu lạc bộ Cựu quân nhân có tổ góp vốn xoay vòng, với số tiền hơn 585 triệu động, giúp cho 212 lượt cựu quân nhân có hoàn cảnh khó khăn vay không tính lãi để sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, bình quân số tiền cho vay 3 triệu đồng/thành viên; qua đó, đã tăng cường nghĩa tình đồng đội, các cựu quân nhân gắn bó, tích cực tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ Cựu quân nhân ngày càng tốt hơn.

Với những kết quả đạt được qua triển khai thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Cựu chiến binh Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã Quyết định tặng 8 Bằng khen cho tập thể (Mặt trận Tổ quốc tỉnh, 2 tập thể Huyện ủy, 5 tập thể Hội Cựu chiến binh tỉnh, huyện) và 9 Bằng khen cho cá nhân là hội viên Hội Cựu chiến binh. Xin biểu dương và chúc mừng các đồng chí.

Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta vẫn còn một số hạn chế (Tôi xin nêu 5 hạn chế):

Một là: Một số cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, Kết luận 66 của Ban Bí thư và các văn bản của Tỉnh ủy chưa sâu sát, chưa cụ thể và thiếu kiểm tra, giám sát thường xuyên.

Hai là: Một số nơi chưa xây dựng được Quy chế phối hợp hoạt động giữa chính quyền, các ngành, đoàn thể với Hội Cựu chiến binh; có nơi đã xây dựng được kế hoạch phối hợp nhưng khi triển khai thực hiện chưa đạt yêu cầu.

Ba là: Công tác quy hoạch cán bộ có lúc chất lượng còn thấp, nguồn quy hoạch còn hạn chế, tỷ lệ cán bộ quân đội nghỉ hưu giữ chức Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cấp cơ sở còn thấp.

Thứ tư là: Một số cơ sở Hội chưa thực hiện tốt công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền giải pháp để củng cố, xây dựng tổ chức và hoạt động của hội; chất lượng sinh hoạt, nội dung và hình thức hoạt động có nơi chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới hiện nay.

Năm là: Công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị nhiều nơi còn hình thức, hiệu quả chưa cao.

Thưa các đồng chí,

Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, Kết luận 66 của Ban Bí thư về công tác cựu chiến binh trong tình hình mới, đặc biệt là các nhiệm vụ, giải pháp đã được Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định, đó là: “Tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; giúp nhau làm kinh tế, cải thiện đời sống; tích cực tham gia giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ; tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tội phạm và các tệ nạn xã hội; góp phần xây dựng và củng cố cơ sở chính trị, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh”, tôi xin nói mấy việc để các đồng chí nghiên cứu, có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất: Các cấp ủy, chính quyền cần tiếp tục quán triệt, triển khai và xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể thực hiện hiệu quả Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, Kết luận 66 của Ban Bí thư, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về ý thức trách nhiệm, về hành động trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác cựu chiến binh trước tình hình mới sát với thực tiễn, gắn với yêu cầu xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh.

Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Kết luận 62 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Kết luận 102 của Bộ Chính trị khóa XI về Hội quần chúng trong tình hình mới; Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy về lãnh đạo nâng cao hiệu quả công tác dân vận, đẩy mạnh công tác dân vận chính quyền, phát huy dân chủ ở cơ sở, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Thứ hai: Tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng nhận thức chính trị cho cán bộ, hội viên cựu chiến binh, cựu quân nhân; phát huy truyền thống cách mạng, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Với bản lĩnh chính trị dày dặn của mình, các cấp Hội Cựu chiến binh sẽ đi tiên phong trong thực hiện Nghị quyết của Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, các phần tử xấu, phần tử cơ hội và các hành vi vi phạm pháp luật, các tệ nạn xã hội, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội ngay tại địa phương, địa bàn cơ sở; luôn xứng đáng là lực lượng chính trị tin cậy của Đảng bộ, của chính quyền và nhân dân tỉnh nhà.

Thứ ba: Đổi mới mạnh mẽ phương thức và nội dung hoạt động của Hội theo hướng bám sát quy chế, bám sát thực tiễn, sâu sát cơ sở, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, phê bình và tự phê bình; luôn tạo điều kiện thuận lợi để các cấp Hội phát huy tính chủ động, sáng tạo, gắn với đề cao trách nhiệm, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý thống nhất của Trung ương Hội.

Phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành có liên quan để thực hiện tốt công tác quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ Hội Cựu chiến binh; chú trọng công tác quy hoạch cán bộ quân đội nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội giữ nhiệm vụ cán bộ lãnh đạo Hội Cựu chiến binh ở cơ sở; hạn chế việc bố trí cán bộ không đủ năng lực, thiếu uy tín vào công tác trong tổ chức Hội.

Thứ tư: Phát huy hơn nữa tiềm năng đa dạng của cựu chiến binh trong việc tham gia các phong trào, các cuộc vận động tại địa phương; đặc biệt là phải thực hiện thật tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ”.

Mỗi hội viên cựu chiến binh phải thật sự gương mẫu, là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; phải chia sẻ, hỗ trợ giúp nhau làm kinh tế, cải thiện đời sống; tích cực tham gia giám sát cán bộ, đảng viên ở địa bàn dân cư, vận động hội viên luôn đi đầu trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Thứ năm: Tiếp tục triển khai thực hiện tốt chương trình phối hợp hoạt động giáo dục truyền thống cho thanh, thiếu niên; tăng cường bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp, xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bác Hồ đã dạy: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc làm rất quan trọng và rất cần thiết”; do vậy, với trách nhiệm và tâm huyết của mình, Hội Cựu chiến binh cần phối hợp chặt chẽ với Đoàn Thanh niên để tổ chức sinh hoạt, giao lưu, gặp gỡ, tọa đàm nhằm tập hợp, bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng, truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nhân cách, kinh nghiệm sống cho thanh, thiếu niên ở từng địa phương, cơ sở, ngay trong từng trường học, tạo cho thế hệ trẻ có ước mơ, hoài bão, có lý tưởng, nối tiếp truyền thống cha anh đi trước, góp phần ngăn chặn, kéo giảm các tệ nạn xã hội, các tiêu cực, lối sống buông thả, thực dụng, thiếu lý tưởng, thiếu ý chí của một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên trong thời điểm hiện nay.

Thứ sáu: Tổ chức Hội phải luôn là trung tâm đoàn kết, tập hợp hội viên; phải phát huy thật tốt vai trò, gương mẫu của cựu chiến binh, cựu quân nhân; phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc tuyên truyền, thuyết phục, vận động nhân dân hiểu rõ, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, chức năng giám sát, phản biện xã hội.

Thứ bảy: Đối với lực lượng cựu quân nhân, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương số lượng tăng lên hằng năm, đây là lực lượng trẻ, được tuyển chọn, học tập và rèn luyện trong quân đội. Vì vậy, Hội Cựu chiến binh cần có sự phối hợp thật chặt chẽ với ngành Quân sự, Đoàn Thanh niên và các ngành chức năng định hướng, vận động, tập hợp cựu quân nhân tham gia vào các câu lạc bộ, tổ, nhóm giúp nhau làm kinh tế; động viên anh em tiếp tục phát huy năng lực, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong lao động sản xuất, làm giàu chính đáng; tích cực tham gia các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, qua đó bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp vào Đảng để bổ sung nguồn cán bộ trẻ cho các địa phương và cơ sở.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp cùng Đảng đoàn Hội Cựu chiến binh tỉnh và các ban, ngành có liên quan tiếp tục theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, Kết luận 66 của Ban Bí thư; tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện và sơ kết, tổng kết Nghị quyết theo chương trình, kế hoạch như đã đề ra. Giao Văn phòng Tỉnh ủy bổ sung hoàn chỉnh báo cáo; tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, đề xuất và có văn bản báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến.

* NGUYỄN VĂN DANH,
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang

(*) Đầu đề do Báo Ấp Bắc đặt

.
.
.