Làm cán bộ, đừng "đẽo cày giữa đường"
Thấy đúng không bảo vệ! Thấy sai lờ đấu tranh! Cấp trên nói gì cũng vâng! Cấp dưới, quần chúng ý kiến gì cũng gật! Khi cần đưa ra quyết định thì lừng chừng, đùn đẩy trách nhiệm cho tập thể...
Phong cách làm việc kiểu “đẽo cày giữa đường” khiến không ít cán bộ mắc sai lầm, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý, gây hậu quả nghiêm trọng. Những biểu hiện suy thoái ấy cần được nhận diện, kiên quyết đấu tranh để khắc phục, loại bỏ...
“Đẽo cày giữa đường” và những hệ lụy
Phiên tòa do Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội mở, xét xử vụ án thâu tóm “đất vàng” tại tỉnh Bình Dương vừa khép lại. Đây được coi là một “đại án”, thu hút sự chú ý đặc biệt của công luận suốt thời gian dài, bởi số lượng bị cáo đông, lên đến 28 người, phạm tội có tổ chức, gây hậu quả nghiêm trọng cả về kinh tế, uy tín chính trị của cán bộ, ảnh hưởng tâm lý xã hội nặng nề. Trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm cùng bị tuyên phạt 7 năm tù. Theo dõi diễn biến quá trình điều tra, xét xử vụ án, dư luận xã hội thấy rõ quá trình phạm tội của hai cựu quan chức từng giữ cương vị lãnh đạo cao nhất tỉnh Bình Dương. Một trong những nguyên nhân mấu chốt khiến họ vướng vòng lao lý trong vụ án này chính là sự thiếu bản lĩnh, thiếu kiên quyết, thiếu tư duy độc lập, không thể hiện rõ chính kiến của người lãnh đạo, để cho doanh nghiệp, cấp dưới tham mưu sai, dẫn đến sai phạm kéo dài; khi xảy ra hậu quả lại hùa theo cấp dưới và doanh nghiệp, chỉ đạo xử lý văn bản trái pháp luật. Đó chính là kiểu “đẽo cày giữa đường”, biến cái sai này thành cái sai khác, đi từ sai phạm nhỏ đến sai phạm lớn, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Chính bị cáo Trần Văn Nam khi tự bào chữa trước tòa đã thừa nhận điều này, rằng: "... Còn chậm trễ khi không quyết liệt và làm việc rõ ràng với Tổng công ty 3-2 để cho sai phạm kéo dài...".
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh minh họa/ TTXVN. |
Nhìn lại các vụ án trọng điểm về tham nhũng, tiêu cực được các cấp đưa ra xét xử trong thời gian qua, chúng ta thấy, không ít cựu cán bộ vì kiểu làm việc “đẽo cày giữa đường” nên đã bị “lợi ích nhóm” chi phối, lũng đoạn, tự đánh mất vị thế, vai trò cá nhân. Một số bị cáo khi nhận bản án nghiêm khắc của pháp luật, được nói lời sau cùng trước tòa, đã rất ân hận bày tỏ, do thiếu bản lĩnh, thiếu kiên quyết, nể nang, nghe theo ý kiến tham mưu của cấp dưới và doanh nghiệp nên không nhận thức được hậu quả. Cũng từ kiểu làm việc đó mà rất nhiều dự án liên tục phải điều chỉnh, bổ sung, đội vốn, thi công sai thiết kế... và cuối cùng là “đắp chiếu”, vừa gây hậu quả nặng nề về kinh tế, vừa tạo hệ lụy cho môi trường và đời sống xã hội.
Trong công tác xây dựng Đảng cũng vậy. Không ít cán bộ vì nghe quá nhiều ý kiến, góp ý nên cứ phải “xoay như chong chóng”, “tiền hậu bất nhất”, không thể hiện chính kiến cá nhân, đùn đẩy trách nhiệm sang cho tập thể, tự đánh mất vai trò của người chủ trì, người đứng đầu. Tình trạng này gây ra những hệ lụy không nhỏ về tư tưởng chính trị, làm cho nội bộ cơ quan, đơn vị rối ren, cán bộ, đảng viên dè chừng lẫn nhau, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, dẫn đến chia bè kéo cánh, mất đoàn kết nội bộ.
Tuân thủ nguyên tắc, sử dụng “vũ khí” hiệu quả
Để xảy ra tình trạng “đẽo cày giữa đường” trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay có nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân đó là cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm. Trong bối cảnh Đảng ta đang đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn đội ngũ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái trong nội bộ, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm càng dễ bộc lộ. Trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Đảng ta đã chỉ rõ nguyên nhân của biểu hiện này, đó là: Lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài... Không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân... “Đẽo cày giữa đường”, tự đánh mất vai trò cá nhân cũng chính là biểu hiện của “đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức”.
Biết lắng nghe, phát huy dân chủ là một thuộc tính của khoa học lãnh đạo mà bất cứ cán bộ nào, ở cấp nào cũng cần có. Tuy nhiên, nếu lắng nghe mà không có chọn lọc, dân chủ mà thiếu tập trung thì sẽ dẫn đến quá tả hoặc quá hữu trong tư duy và phương pháp lãnh đạo. Trong lĩnh vực quản lý kinh tế, nếu cán bộ chủ trì có những biểu hiện này sẽ rất dễ bị các thành phần có tư tưởng cá nhân chủ nghĩa lợi dụng. Họ sẽ khoét sâu vào “gót chân Achilles” của cán bộ để duy trì lợi ích nhóm, nhằm thực hiện các hành vi tham ô, tham nhũng, tiêu cực. Những vụ án kinh tế lớn, nguyên nhân do cán bộ “thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng” trong thời gian qua là những dẫn chứng, bài học nhãn tiền. Trong công tác xây dựng Đảng, nhất là công tác cán bộ, nếu người đứng đầu “đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức”, không thể hiện được vai trò, chính kiến, uy tín cá nhân... thì rất khó để tạo ra một tập thể mạnh, rất khó duy trì đoàn kết thực chất.
Làm thế nào để cán bộ khắc phục, nói không với kiểu lãnh đạo, quản lý “đẽo cày giữa đường”? Bài học, vũ khí, phương tiện... của khoa học lãnh đạo, nghệ thuật lãnh đạo là không hề thiếu, nếu không muốn nói là hiện nay cán bộ đã được Đảng “vũ trang” đầy đủ. Vấn đề căn cốt vẫn là cách vận dụng trên thực tế. Nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách của Đảng chính là kim chỉ nam, là cơ sở bảo đảm cho cán bộ có tư duy đúng, hành động đúng, nhằm phát huy cao nhất trí tuệ tập thể, ý chí tập thể trước khi cá nhân đưa ra các quyết định.
Quy định số 08-QĐi/TW của Bộ Chính trị về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên đã chỉ rõ, mỗi cán bộ phải luôn giữ vững nguyên tắc, dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch...; chủ động, tích cực phát hiện, thu hút, trọng dụng người có đức, có tài, khát khao cống hiến; bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp của Đảng, vì lợi ích quốc gia-dân tộc.
Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng diễn ra ngày 9-12-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo: Thực hiện tốt chủ trương khuyến khích, bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung. Cán bộ dù ở vị trí nào cũng phải luôn luôn có ý thức đầy đủ về trách nhiệm của mình, làm "đúng vai, thuộc bài", thật sự có chất lượng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tin yêu, quý trọng. Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung ban hành trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa như là “tấm khiên”, “lá chắn” vững chắc để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận... của Đảng đang triển khai hiện nay chính là những loại “vũ khí”, phương tiện của phương pháp lãnh đạo, khoa học lãnh đạo, nghệ thuật lãnh đạo... bảo đảm cho cán bộ giữ vững nguyên tắc, phát huy vai trò cá nhân trong sức mạnh tập thể.
Như vậy, cán bộ dù ở cấp nào, trong hoàn cảnh nào cũng cần nhận thức đầy đủ, thấu đáo hai mặt của một vấn đề có tính biện chứng, đó là mối quan hệ giữa cá nhân với tập thể, giữa người đứng đầu với cấp ủy, tổ chức Đảng, giữa cấp trên với cấp dưới, giữa người chủ trì với các cơ quan, bộ phận tham mưu, giữa dân chủ với tập trung... để không phải “đẽo cày giữa đường”.
(Theo qdnd.vn)