.
"Tròn việc Đảng, trọn việc dân"

Bài cuối: Để một số mô hình thí điểm tiếp tục phát huy hiệu quả

Cập nhật: 09:09, 03/09/2022 (GMT+7)

Bài 1: Đảng viên đi trước

BÀI 2: Tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả

Tinh giản cán bộ sao cho nâng cao năng lực lãnh đạo, nhưng phải đảm bảo hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị là tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận 16 về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Để mô hình “Bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp, khu phố” phát huy hiệu quả, điều quan trọng nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương phải làm tốt công tác nhân sự, chăm lo chế độ, chính sách, tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

HỖ TRỢ CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI

Theo Nghị quyết 21, ngày 6-12-2019 của HĐND tỉnh quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ấp, khu phố, mức phụ cấp và hỗ trợ thêm hằng tháng đối với những người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố bằng 1,4 lần mức lương cơ sở đối với ấp, khu phố có dưới 350 hộ dân; 1,6 lần mức lương cơ sở đối với ấp, khu phố có từ 350 hộ dân trở lên; kiêm nhiệm một chức danh thì được hưởng mức phụ cấp kiêm nhiệm bằng 1,0 lần mức lương cơ sở. Như vậy, hằng tháng, bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp được hỗ trợ khoảng trên 3,8 triệu đồng.

Đoàn giám sát của Ban Pháp chế - HĐND tỉnh giám sát chuyên đề về thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh quy định về chế độ, chính sách đối với CBCCVC, người lao động, người hoạt động không chuyên trách cấp cơ sở. Qua đó ghi nhận những khó khăn, kiến nghị của cấp cơ sở, trong đó có đối tượng bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp, khu phố.
Đoàn giám sát của Ban Pháp chế - HĐND tỉnh giám sát chuyên đề về thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh quy định về chế độ, chính sách đối với CBCCVC, người lao động, người hoạt động không chuyên trách cấp cơ sở. Qua đó ghi nhận những khó khăn, kiến nghị của cấp cơ sở, trong đó có đối tượng bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp, khu phố.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, những bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp, khu phố làm việc với tinh thần phụng sự xã hội, không tính toán về mặt tiền nong. Tuy nhiên, trách nhiệm đi đôi với quyền lợi, quan tâm đến cấp cơ sở là việc cần xem xét hiện nay, do tình trạng xin nghỉ việc của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) ngày càng tăng sau đại dịch Covid-19, nhằm đảm bảo bộ máy nhà nước hoạt động thông suốt, hiệu quả. Nâng thêm mức phụ cấp để tương xứng với nhiệm vụ kiêm nhiệm là việc cần xem xét trong thời gian tới.

Về vấn đề này, Trưởng Ban Pháp chế - HĐND tỉnh Nguyễn Thị Kim Nhung cho biết, những người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố không được ngân sách hỗ trợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) theo quy định của Luật BHXH năm 2014, nên vừa qua, Ban Pháp chế đi giám sát chuyên đề về các nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chế độ, chính sách đối với CBCCVC, người lao động, người hoạt động không chuyên trách cấp cơ sở, nhiều địa phương, cơ sở đã kiến nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm hơn vấn đề này.

Sau khi giám sát ở một số địa phương, cơ sở, Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã có buổi làm việc với UBND tỉnh và kiến nghị UBND tỉnh có thể thông qua kênh Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sớm kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật BHXH theo hướng quy định người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố thuộc nhóm đối tượng được Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH và được giải quyết chế độ khi nghỉ việc, nghỉ hưu để an tâm công tác.

Ngoài ra, mức bồi dưỡng 500.000 đồng/tháng đối với những người tham gia trực tiếp công việc ở ấp, khu phố là thấp trong điều kiện hiện nay, trong khi khối lượng công việc ở ấp, khu phố khá nhiều. Trước thực tế này, Ban Pháp chế đã kiến nghị UBND tỉnh cần xem xét, cân đối nâng mức bồi dưỡng đối với người tham gia trực tiếp công việc ở ấp, khu phố cao hơn mức hiện hưởng (từ 500.000 đồng/tháng lên 700.000 đồng/tháng theo đề nghị của cấp xã).

Thật vậy, qua khảo sát thực tế ở nhiều địa phương, cơ sở cho thấy, không chỉ bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp, mà những cán bộ không chuyên trách cấp cơ sở vẫn chưa được ngân sách hỗ trợ, điển hình như Tổ nhân dân tự quản, trong khi lực lượng này hầu như luôn có mặt trong tất cả các hoạt động ở cơ sở.

Thời gian qua, một số chính quyền cấp xã đã linh hoạt vận động nguồn xã hội hóa để mua BHYT cho người tham gia Tổ nhân dân tự quản, tuy nhiên số xã làm được việc này chưa nhiều. Nhiều đồng chí bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp, khu phố cho rằng, để hoàn thành các chỉ tiêu cấp trên giao, thực hiện tốt các phong trào thi đua, cuộc vận động có công sức không nhỏ của lực lượng Tổ nhân dân tự quản. Vì vậy mong cấp trên quan tâm hơn đến lực lượng này.

CHUẨN BỊ ĐỘI NGŨ KẾ THỪA

Để phát huy hiệu quả của các chức danh kiêm nhiệm vẫn phải bắt đầu từ công tác lựa chọn cán bộ. Người làm tốt kiêm nhiệm là người phải có năng lực, trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, có phương pháp làm việc khoa học và tâm huyết với nhiệm vụ được giao.

Khi đặt vấn đề về đội ngũ kế thừa với các đồng chí làm công tác cán bộ ở một số huyện, nhiều đồng chí cho rằng, đây là vấn đề “đau đầu” hiện nay. Tới đây sẽ còn khó khăn hơn, bởi người lớn tuổi kinh tế gia đình ổn định nhưng không đủ sức khỏe hoặc không mặn mà với công tác xã hội thì cũng không làm tốt được; còn người trẻ thì phải thu nhập cao họ mới làm. Hơn nữa, đợt đại dịch Covid-19 vừa qua cũng có nhiều bài học về công tác cán bộ, không ít đồng chí bí thư chi bộ, trưởng ấp bị gia đình không cho làm bởi thu nhập không được bao nhiêu…

Cụ thể hóa Kết luận 16, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang đã chỉ đạo nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị với quyết tâm chính trị cao, tạo chuyển biến tích cực, hiệu quả trong thực hiện mục tiêu tinh gọn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế; tiếp tục phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của từng cấp, ngành, địa phương; tuân thủ nguyên tắc, không chủ quan hoặc trông chờ, ỷ lại.

Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang đã kiến nghị, đề xuất các bộ, ngành liên quan sớm có chủ trương, hướng dẫn mới về chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với các đơn vị hợp nhất hoặc sáp nhập, thực hiện kiêm nhiệm nhiều chức danh lãnh đạo sau sắp xếp. Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã đề nghị xem xét nâng chế độ phụ cấp kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao; sớm triển khai bảng lương chức danh theo vị trí việc làm...

Thực tế cho thấy, hiện nay, không ít xã, phường dù số dân đủ theo quy định để có thêm chức danh phó trưởng ấp, phó trưởng khu phố, nhưng nhiều năm qua vẫn không có người chịu làm.

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Tân Lập, xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành Lê Văn Tiếp cho biết, do phụ cấp chức danh phó trưởng ấp quá thấp nên không có ai chịu làm.

“Vừa qua, tôi vận động được một đồng chí đã đồng ý làm việc cho ấp, nhưng khi biết mức phụ cấp hằng tháng 1,5 triệu đồng đối với phó trưởng ấp, thì đồng chí này không chịu làm, đã đi làm công nhân cho một công ty trong Khu công nghiệp Long Giang với mức lương 7 triệu đồng - 8 triệu đồng/tháng. 3 năm trôi qua, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được người chịu làm phó trưởng ấp do mức hỗ trợ thấp, không đủ trang trải cuộc sống” - đồng chí Lê Văn Tiếp tâm sự.

Không chỉ xã Tân Lý Đông, mà đây là khó khăn chung ở nhiều xã, phường trên địa bàn tỉnh. Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Gò Công Tây Trần Chí Hiền cho rằng, đội ngũ bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp, khu phố là cán bộ gần dân, sát dân, nắm được tâm tư, nguyện vọng của người dân rõ nhất. Đây cũng là đội ngũ góp tiếng nói phản biện từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh; là cầu nối giữa người dân với cấp ủy, chính quyền; qua đó giúp lãnh đạo huyện, tỉnh tiếp tục có các giải pháp điều chỉnh trong công tác quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực.

Do vậy, thời gian tới, cần quan tâm chọn những đồng chí có đủ năng lực, trình độ, năng động, sáng tạo, nhiệt tình, có sức khỏe và am hiểu cả hai lĩnh vực công tác Đảng và chính quyền để bố trí giữ chức vụ bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp, khu phố.

Cùng với đó, cần thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng năng lực cho các đồng chí này; đồng thời quan tâm truyền đạt kinh nghiệm, đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ kế thừa để thay thế kịp thời cho những đồng chí lớn tuổi, sức khỏe kém hoặc những đồng chí không đủ năng lực nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hình mới, không để hụt hẫng cán bộ phải chắp vá.

Ngày 7-7-2022, Bộ Chính trị ban hành Thông báo Kết luận 16 về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (viết tắt Kết luận 16). Tin rằng, với tinh thần chỉ đạo linh hoạt từ Kết luận 16 của Bộ Chính trị; cùng với những kiến nghị, đề xuất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang với các bộ, ngành Trung ương; sự nỗ lực trong xem xét, ban hành các chính sách của HĐND tỉnh, cũng như sự điều hành nhanh nhạy của UBND tỉnh, những nút thắt của mô hình “Bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp, khu phố” nói riêng, những khó khăn của cấp cơ sở nói chung sẽ sớm được tháo gỡ.

THU HOÀI - ĐỖ PHI

.
.
.