.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang:

Cần có giải pháp căn cơ tránh lãng phí nguồn nhân lực

Cập nhật: 20:17, 31/10/2022 (GMT+7)

(ABO) Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, ngày 31-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021.

Trao đổi với phóng viên bên lề phiên thảo luận xoay quanh báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội khóa XV, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tiền Giang đồng tình với các kiến nghị, giải pháp mà Đoàn giám sát và các ĐBQH đã đưa ra trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021. Kết quả của đợt giám sát này được cử tri và nhân dân cả nước đón nhận, tạo động lực tiếp tục thay đổi từ nhận thức tới hành vi của các cấp, các ngành, của từng người dân và toàn xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm trao đổi với phóng viên bên lề phiên thảo luận tại hội trường.

Bên cạnh các nội dung đã được phản ánh trong báo cáo được trình tại kỳ họp, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đồng tình với nhiều ý kiến của các ĐBQH phát biểu tại hội trường về việc cần phải quan tâm phát huy nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao, bởi số lượng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc trong khu vực công đang gia tăng.

Theo số liệu của Bộ Nội vụ từ đầu năm 2020 đến hết tháng 6-2022, tổng số công chức, viên chức thôi việc là 39.552 người, trong đó 90% là viên chức (35.532 người), 82% ở địa phương, gần 40% ở vùng Đông Nam bộ - khu vực đầu tàu kinh tế của cả nước; hơn 60% trong số họ có độ tuổi từ 40 tuổi trở xuống; 50% trong số họ có trình độ đại học.

Trong khi Việt Nam cần phải bổ sung thêm 107.000 giáo viên từ nay tới năm 2026, thì việc hơn 16.000 giáo viên nghỉ việc và chuyển hẳn ra khỏi ngành Giáo dục trong 2 năm vừa qua là một sự lãng phí rất lớn nguồn nhân lực. Thật lãng phí khi các thầy cô giáo trẻ tuổi, được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm công việc không thể tiếp tục theo nghề vì nhiều lý do khác nhau. Sự lãng phí này sẽ dẫn theo hệ luỵ cho toàn xã hội, là sự thiệt thòi cho các em học sinh và nền giáo dục nước nhà.

ĐBQH tỉnh Tiền Giang tham dự Phiên thảo luận tại hội trường Nhà Quốc hội
ĐBQH tỉnh Tiền Giang tham dự Phiên thảo luận tại hội trường Nhà Quốc hội.

Mặt khác, chúng ta đều biết già hóa dân số là một tất yếu của sự phát triển. Theo Liên Hợp quốc, từ năm 2014, Việt Nam đã chính thức bước vào quá trình già hóa dân số. Dự báo, nước ta không cần tới 20 năm để tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14% tổng dân số, tức là chuyển từ giai đoạn “đang già” sang “già” - một tốc độ thuộc hàng cao nhất thế giới. Già hóa dân số nhanh chóng cũng có thể dẫn đến tình trạng thiếu lao động trong tương lai cũng như nhu cầu an sinh xã hội ngày càng tăng ở người cao tuổi.

Nước ta hiện nay có khoảng 11,5 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 12% dân số. Trong đó, 7 triệu người nằm trong nhóm tuổi 60 - 69 tuổi. Nhiều người còn sức khỏe và có trình độ nghề nghiệp khá cao, 5,3% trong nhóm này có trình độ trung cấp nghề, trong khi mức chung của cả nước chỉ 4%; trình độ đại học là 7,6%. Nhiều người cao tuổi có kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, sản xuất, phòng,chống thiên tai, phòng, chống dịch bệnh...

Hiện nay, người cao tuổi vẫn tích cực tham gia các hoạt động Đảng, Mặt trận, đoàn thể và các tổ chức xã hội. Do vậy, sẽ là sự lãng phí không nhỏ nguồn nhân lực nếu Việt Nam không có chính sách phát huy người cao tuổi một cách toàn diện và phù hợp trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn thiếu lao động, đặc biệt lao động có trình độ, chuyên môn cao.

Quang cảnh phiên thảo luận tại Hội trường
Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường.

Để chống lãng phí nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp căn cơ, đồng bộ trong thời gian tới. Đồng thời, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đề xuất: Cần nghiên cứu đánh giá tình hình, tìm hiểu nguyên nhân thực chất, sâu xa khiến cho cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc trong khu vực công để triển khai các giải pháp đồng bộ, kịp thời. Ngoài việc phải nâng cao hiệu quả quản trị và cải thiện môi trường, điều kiện làm việc trong khu vực công, việc điều chỉnh tăng lương cơ sở cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Cùng với đó, việc xây dựng các chính sách xã hội của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 phải đặt trong bối cảnh tận dụng và phát huy lợi thế thời kỳ dân số vàng, đồng thời chuẩn bị điều kiện thích ứng với già hóa dân số (năm 2030) và dân số già (năm 2045). Bên cạnh các chính sách nhằm chăm sóc sức khỏe và tinh thần cho người cao tuổi cần chú trọng phát huy vai trò người cao tuổi trong các hoạt động kinh tế, đặc biệt những người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật và các ngành, nghề mà đào tạo thông qua thực hành nơi người cao tuổi có thể truyền đạt kinh nghiệm, kỹ năng cho thế hệ trẻ; cần tiếp tục các cơ chế để tạo điều kiện cho người cao tuổi có trình độ, kinh nghiệm tiếp tục được làm việc và cống hiến...

MINH TRÍ - THU HOÀI (ghi)

 

.
.
.