Hội thảo khoa học lấy ý kiến Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Cập nhật: 16:09, 21/10/2022 (GMT+7)
(ABO) Ngày 21-10, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo khoa học lấy ý kiến Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tỉnh).
Hội thảo với sự chủ trì của các đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Quy hoạch tỉnh; đồng chí Trần Văn Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quy hoạch tỉnh và Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang.
Dự hội thảo còn có đồng chí Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường Trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương; chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh; doanh nghiệp và nhà đầu tư…
Quang cảnh hội thảo khoa học. |
Tại hội nghị, đại diện đơn vị tư vấn lập Quy hoạch tỉnh báo cáo tóm tắt những nội dung chính của dự thảo quy hoạch, trong đó phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển của tỉnh. Đồng thời, đánh giá tổng hợp về hiện trạng và bối cảnh phát triển của tỉnh, những thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của Tiền Giang.
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Tiền Giang tạo nền tảng tăng trưởng xanh và một số đột phá trong những lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; tiếp tục thu hút đầu tư chủ yếu ở các lĩnh vực chế biến, chế tạo nhưng tăng mức độ công nghệ, hiệu quả và tự động hóa. Phát triển kinh tế biển, phát triển nghề cá dựa trên việc mở rộng nuôi trồng thủy sản trên biển và trên đất liền kết hợp với du lịch và ổn định, bảo tồn nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
Hoàn thiện các dự án đô thị hướng biển nhằm phục hồi diện tích khi chưa bị sạt lở, xâm thực; chuyển dịch dần từ định hướng tập trung chuyên canh để xuất khẩu sang phát triển nông nghiệp chất lượng cao, đa dạng, kết hợp với công nghệ thông tin, thương mại điện tử; là trung tâm xuất khẩu nông sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long dựa trên việc xây dựng cầu nối bền vững và chuyên nghiệp với các thị trường xuất khẩu. Hướng tới tiềm năng phát triển những vùng nông thôn thành các vùng bất động sản du lịch sinh thái và các vùng đô thị sinh thái quan trọng cấp vùng sau này…
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu tại hội thảo khoa học. |
Mục tiêu đến năm 2045, Tiền Giang trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, là một trong những tỉnh tốp đầu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Kinh tế phát triển bền vững, tập trung phát triển kinh tế xanh gắn với hiệu quả bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số, công nghiệp sáng tạo; phát triển nông nghiệp đa dạng, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, chất lượng cao.
Phát triển các trung tâm đầu mối nông sản, hành lang kinh tế và các đô thị động lực; phát triển khu vực Đông Nam Tân Phước trở thành vùng công nghiệp trọng điểm của tỉnh; phát triển khu vực Gò Công trở thành vùng kinh tế biển gắn với liên kết vùng Đông Nam Bộ; xây dựng TP. Mỹ Tho trở thành trung tâm khu vực phía Bắc sông Tiền. Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế biển, kinh tế du lịch trở thành ngành mũi nhọn…
Đại diện đơn vị tư vấn trình bày tóm tắt báo cáo cuối kỳ Quy hoạch tỉnh. |
Tham gia ý kiến vào Quy hoạch tỉnh, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá về tiềm năng, lợi thế, cơ hội, thách thức và vị trí, vai trò của tỉnh để xác định tư duy, chiến lược, định hướng phát triển; các nhóm ngành trụ cột, động lực phát triển của tỉnh đảm bảo tính khả thi, phù hợp với xu hướng phát triển và chiến lược phát triển của tỉnh Tiền Giang.
Quang cảnh hội thảo. |
Trong đó, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học tập trung vào các vấn đề quan trọng như: Định hướng phát triển nông nghiệp, chuyển đổi Vùng ngọt hóa Gò Công; các giải pháp khai thác tiềm năng, lợi thế, nội lực vù thu hút tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh; kịch bản tăng trưởng; phân tích các “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế - xã hội để Tiền Giang tập trung thực hiện nhằm đạt các mục tiêu trong giai đoạn phát triển đến năm 2050…
PGS.TS.KTS.Trần Trọng Hanh, nguyên Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc - Bộ Xây dựng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội phân tích các "điểm nghẽn" của tỉnh Tiền Giang. |
Phát biểu tại hội thảo khoa học, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh khẳng định, việc lập quy hoạch tỉnh lần này theo phương pháp tiếp cận mới, đáp ứng yêu cầu quan trọng về “tích hợp, không gian và thị trường” là cơ sở pháp lý quan trọng để kết nối đồng bộ, khắc phục những “điểm nghẽn”, nhằm phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
PGS.TS.Nguyễn Văn Sánh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Cần Thơ phát biểu tại hội thảo. |
Bên cạnh đó, để Tiền Giang phát triển nhanh hơn trong thời gian tới, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh với vị trí được xác định “nhất cận thị, nhì cận giang, tam cận lộ”, đặc biệt là hệ thống giao thông thủy, bộ của quốc gia đã, đang và sẽ đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh nhấn mạnh, xác định Quy hoạch tỉnh là một trong những công cụ quan trọng để cấp ủy, chính quyền các cấp huy động mọi nguồn lực, lợi thế để thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm môi trường và quốc phòng, an ninh. Đây là cơ sở xây dựng các kế hoạch 5 năm và hằng năm của tỉnh theo từng cấp độ quản lý.
TS.Lê Văn Hưởng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đóng góp ý kiến cho báo cáo Quy hoạch tỉnh Tiền Giang. |
Trên cơ sở ý kiến phát biểu, phản biện của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh đề nghị Sở kế hoạch và Đầu tư phối hợp đơn vị tư vấn tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý, để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn chỉnh Báo cáo Quy hoạch tỉnh để trình các cấp thẩm quyền có ý kiến, thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đúng tiến độ đề ra.
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh chụp ảnh lưu niệm. |
Được biết, công tác lập Quy hoạch tỉnh đến nay đã thực hiện các bước: 2 lần tham vấn, khảo sát thực địa vào quý IV-2021; 6 lần gửi lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương góp ý dự thảo báo cáo đầu kỳ, giữa kỳ, cuối kỳ; tổ chức nhiều hội thảo tham vấn các nội dung đề xuất; tham vấn các nội dung chính tích hợp vào Quy hoạch tỉnh; tổ chức 2 hội nghị thông qua Ban Chỉ đạo và Tổ công tác về báo cáo giữa kỳ và cuối kỳ; tổ chức hội thảo khoa học của Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật; tổ chức hội nghị lấy ý kiến 5 nhóm nội dung chính của báo cáo Quy hoạch tỉnh.
VĂN THẢO