.
KỶ NIỆM 92 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA ĐẢNG (15-10-1930 - 15-10-2022)

Công tác dân vận góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng

Cập nhật: 12:15, 14/10/2022 (GMT+7)

Ngay từ khi thành lập, Đảng ta đặc biệt coi trọng công tác dân vận, đã khẳng định: Sức mạnh của cách mạng ở nơi dân. Đảng phải dựa vào dân để làm cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Trải qua 92 năm ra đời, phát triển và đồng hành cùng dân tộc, công tác dân vận luôn là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Trải qua các thời kỳ cách mạng, cơ quan làm công tác dân vận với những tên gọi khác nhau: Ban Chuyên môn về từng giới vận (1930 - 1945 và 1951 - 1962), Ban Mặt trận và các tiểu Ban vận (1962 - 1976), Ban Dân vận - Mặt trận (1976 - 1980), Ban Dân vận (1947 - 1951 và từ 1981 đến nay), nhưng chức năng, nhiệm vụ chung không thay đổi, là cơ quan tham mưu cho Đảng về công tác vận động quần chúng.

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VÀ NGUỒN GỐC SỨC MẠNH CỦA ĐẢNG

Từ trải nghiệm trong những năm tìm đường cứu nước, thành lập Hội Những người Việt Nam yêu nước tại Pháp (năm 1917) với bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị Vécxây (năm 1919); tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa Pháp (năm 1921), Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức châu Á (năm 1925); xuất bản Báo Người cùng khổ, tác phẩm nổi tiếng Bản án chế độ thực dân Pháp; thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu, Trung Quốc (năm 1925), trực tiếp huấn luyện những chiến sĩ trung kiên làm hạt nhân đi sâu vào các tầng lớp nhân dân tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, gieo niềm tin cách mạng, tinh thần đoàn kết trong các giai tầng xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy rõ nguồn gốc sức mạnh của Đảng là từ sức mạnh to lớn của nhân dân, sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân.

Bài báo “Dân vận” được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết dưới bút danh X.Y.Z đăng trên Báo Sự thật, số 120, ngày 15-10-1949.
Bài báo “Dân vận” được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết dưới bút danh X.Y.Z đăng trên Báo Sự thật, số 120, ngày 15-10-1949.

Ngày 3-2-1930 Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã xác định những nội dung cơ bản nhất của cách mạng Việt Nam, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của dân tộc và nguyện vọng tha thiết của đại đa số nhân dân, đề ra sách lược thu hút, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân làm thành lực lượng cách mạng đi theo lá cờ tiên phong của Đảng.

Ngay sau Hội nghị thành lập Đảng, trước tình hình các tổ chức quần chúng chỉ có 2.747 hội viên ở Bắc kỳ, 327 hội viên ở Nam kỳ, đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam ra Lời kêu gọi công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh và toàn thể đồng bào bị áp bức, bóc lột, Người nhấn mạnh: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập. Đó là Đảng của giai cấp vô sản. Đảng sẽ dìu dắt giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng An Nam đấu tranh nhằm giải phóng cho toàn thể anh chị em bị áp bức, bóc lột chúng ta”.

Ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh - tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất, khẳng định quan điểm của Đảng, đó là đoàn kết giai cấp và tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong cách mạng giải phóng dân tộc.

Tháng 10-1999, nhân dịp Kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận” (15-10-1949), theo đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị khóa VIII đã quyết định chọn ngày 15-10 - ngày bài báo “Dân vận” được đăng trên Báo Sự thật - là Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng, Ngày Dân vận của cả nước.

Trong Cao trào cách mạng 1930 - 1931, với đỉnh cao là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là mốc son sáng chói đánh dấu việc lần đầu tiên một đảng cách mạng dù còn rất non trẻ đã thể hiện vai trò, bản lĩnh, uy tín, sức chiến đấu và khả năng to lớn trong việc lãnh đạo, đoàn kết, huy động quần chúng nhân dân, như lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là “một phong trào quần chúng mạnh lớn xưa nay chưa từng có ở nước ta”, “chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam”.

Trong những năm tháng khó khăn, gian khổ nhất khi chính quyền thực dân thi hành “khủng bố trắng” nhằm cắt đứt mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng, cơ sở cách mạng, thì niềm tin yêu của nhân dân, sự hy sinh, che chở, bảo vệ của nhân dân đã làm nên sức mạnh giúp Đảng kiên cường.

Bằng các hình thức đấu tranh công khai, hợp pháp, nửa hợp pháp thúc đẩy các phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ (1936 - 1939), phong trào Phản đế (1939 - 1941), phong trào Mặt trận Việt Minh (1941 -1945) đã tạo sức lan tỏa rộng rãi, trở thành trung tâm tập hợp mọi tầng lớp nhân dân ở mọi miền Tổ quốc hăng hái tham gia, phát triển lực lượng, khơi dậy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo thành khí thế cách mạng sục sôi, làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Từ kinh nghiệm sâu sắc về xây dựng lực lượng cách mạng, trong suốt 30 năm (1945 - 1975) lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng luôn chú trọng công tác dân vận gắn với công tác xây dựng Đảng, hướng tới mọi tầng lớp nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp bằng các phong trào cách mạng thiết thực.

Phong trào Thi đua ái quốc nhanh chóng được mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng sâu rộng, tạo thành sức mạnh cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc; qua đó, hàng chục ngàn dân công hướng ra tiền tuyến vận tải lương thực, thực phẩm, vũ khí phục vụ các chiến dịch, đỉnh cao là thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Giai đoạn 1954 - 1975, miền Bắc trở thành hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tăng cường đoàn kết mọi lực lượng dân tộc và dân chủ, động viên đồng bào, chiến sĩ nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tất cả vì miền Nam ruột thịt.

Ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, công tác dân vận được triển khai sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân trong nước, đoàn kết với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc là điểm tựa vững chắc cho quân và dân miền Nam tổ chức nhiều phong trào đấu tranh sâu rộng, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đưa đất nước bước sang thời kỳ mới - thời kỳ hòa bình, độc lập, thống nhất, cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC NHỮNG KẾT QUẢ TÍCH CỰC

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn, trước hết, cán bộ, đảng viên phải quan tâm và ra sức làm tốt công tác dân vận; phải tiếp tục chăm lo xây dựng tổ chức, bộ máy nhà nước thật sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tận tụy, trung thành, hết lòng vì nhân dân. Mọi quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác dân vận cần được thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật, sát thực tiễn, hợp lòng dân, vì lợi ích của nhân dân. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận, nhất là cán bộ tham mưu cấp chiến lược là việc hệ trọng. Cán bộ chính quyền hay cán bộ đoàn thể đều phải cùng nhau bàn tính kỹ càng, chia sẻ công việc cụ thể, rõ ràng và thực hiện tốt công việc của mình, vì nhân dân, vì Đảng.

Phát huy truyền thống vẻ vang của công tác dân vận, năm 2021, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang đã tổ chức nhiều Phiên chợ nghĩa tình Quân - Dân nhằm hỗ trợ những suất quà cho các gia đình chính sách và gia đình có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Ảnh: THANH LÂM Phát huy truyền thống vẻ vang của công tác dân vận, năm 2021, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang đã tổ chức nhiều Phiên chợ nghĩa tình Quân - Dân nhằm hỗ trợ những suất quà cho các gia đình chính sách và gia đình có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Ảnh: THANH LÂM
Phát huy truyền thống vẻ vang của công tác dân vận, năm 2021, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang đã tổ chức nhiều Phiên chợ nghĩa tình Quân - Dân nhằm hỗ trợ những suất quà cho các gia đình chính sách và gia đình có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Ảnh: THANH LÂM

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác dân vận của cả hệ thống chính trị đã đạt được những kết quả tích cực, hướng mạnh về cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân; nâng cao trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu trước nhân dân. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, sâu sát cơ sở, làm cầu nối quan trọng giữa Đảng với nhân dân, động viên nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được phát động từ năm 2009 đã trở thành trọng tâm của phong trào thi đua yêu nước ngành Dân vận, được cấp ủy, hệ thống chính trị tích cực hưởng ứng, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hàng vạn mô hình, điển hình, kinh nghiệm hay trong công tác vận động nhân dân.

Công tác dân vận đã gắn liền với trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ của từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị và với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nêu gương của cán bộ, đảng viên; qua đó, không chỉ hoàn thành nhiệm vụ được phân công, quan trọng hơn là nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, xây dựng hình ảnh cán bộ, đảng viên trước nhân dân, động viên, thuyết phục nhân dân ủng hộ, đồng thuận, tham gia thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, truyền thống vẻ vang của công tác dân vận đã được xây dựng, vun đắp, kế thừa, có sự đóng góp to lớn của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo công tác dân vận qua các giai đoạn lịch sử: Trần Phú, Hoàng Quốc Việt, Tôn Đức Thắng, Xuân Thủy, Nguyễn Văn Linh, Vũ Quang, Trần Quốc Hoàn, Lê Quang Đạo và thế hệ lãnh đạo công tác dân vận trong thời kỳ mới. Để ghi nhận những đóng góp to lớn của công tác dân vận, Đảng, Nhà nước đã trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, nhiều Huân chương Lao động hạng Nhất, trong đó có Huân chương Lao động hạng Nhất trong phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020…

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.