.
Phòng, chống tham nhũng chính sách - vấn đề hệ trọng, cấp bách hiện nay

Bài 3: Lọc bỏ tận gốc "lợi ích nhóm" trong các văn bản quy phạm pháp luật

Cập nhật: 21:24, 02/10/2022 (GMT+7)

Bài 1: Tham nhũng chính sách lợi cho thiểu số, nguy hại cho nhân dân, đất nước
Bài 2: Kiểm soát quyền lực chặt chẽ để kiềm chế "lợi ích nhóm"
Bài 3: Lọc bỏ tận gốc "lợi ích nhóm" trong các văn bản quy phạm pháp luật
 

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Tiến sĩ (TS) Luật học Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh: Qua công tác kiểm tra, xử lý và rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), chúng tôi cho rằng rất cần nghiên cứu, nhận diện đầy đủ, khách quan các biểu hiện có thể làm phát sinh “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ trong xây dựng chính sách, pháp luật, từ đó có giải pháp phòng ngừa, loại bỏ những biểu hiện tiêu cực trong quá trình xây dựng pháp luật nhằm hướng đến một hệ thống pháp luật đồng bộ, ổn định, thống nhất, minh bạch và khả thi.

Mỗi năm có cả trăm văn bản chứa đựng nội dung trái pháp luật

Phóng viên (PV): Theo ông, vì sao trong Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị đưa ra yêu cầu “chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào; không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật”?
 

Tiến sĩ Luật học Hồ Quang Huy
Tiến sĩ Luật học Hồ Quang Huy.

TS Hồ Quang Huy: Về bản chất, chống tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào; không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật chính là chủ trương đúng đắn của Đảng, là nội dung cụ thể của kiểm soát quyền lực trong công tác xây dựng pháp luật.

Kiểm soát quyền lực là một trong những nguyên tắc nền tảng của tổ chức quyền lực Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam. Kiểm soát quyền lực nhà nước trong công tác xây dựng văn bản nhằm bảo đảm công cụ quản lý nhà nước này được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, phục vụ lợi ích của nhân dân.

Tôi cho rằng, việc xem xét, nhận diện cụ thể những biểu hiện tiêu cực, “lợi ích nhóm”, tác động không lành mạnh trong công tác xây dựng pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng để từ đó xác định các biện pháp phòng, chống phù hợp, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, ngăn chặn các vi phạm pháp luật (về hành chính, hình sự...), giúp kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ thành quả xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

PV: Với vai trò là cơ quan tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản QPPL, ông nhận định như thế nào về thực trạng xây dựng các văn bản QPPL thời gian qua?

TS Hồ Quang Huy: Theo cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật, trong giai đoạn 2016 - 2021, Quốc hội đã ban hành 120 văn bản QPPL (gồm 80 luật, bộ luật và 40 nghị quyết), Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 35 văn bản QPPL (gồm 3 pháp lệnh và 32 nghị quyết); Chính phủ ban hành 875 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 239 quyết định; bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành 3.622 thông tư, thông tư liên tịch. Ở địa phương, chính quyền cấp tỉnh đã ban hành 24.542 văn bản QPPL; chính quyền cấp huyện đã ban hành 15.881 văn bản QPPL; chính quyền cấp xã đã ban hành 74.841 văn bản QPPL.

Nhìn tổng thể, nội dung những văn bản đã bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, tạo hành lang pháp lý toàn diện, đầy đủ để thúc đẩy phát triển mọi mặt đời sống KT-XH, phục vụ công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận, hệ thống pháp luật hiện vẫn tồn tại những khiếm khuyết, hạn chế cần khắc phục vì qua kiểm tra, rà soát văn bản QPPL, chúng tôi phát hiện vẫn còn những văn bản do bộ, ngành ở Trung ương và địa phương ban hành trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển KT-XH.

PV: Thưa ông, trong 5 năm gần đây (2017 - 2021), Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp kết luận, kiến nghị xử lý bao nhiêu văn bản trái pháp luật?

TS Hồ Quang Huy: Trong 5 năm qua, Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã tổ chức kiểm tra được 25.670 văn bản (trong đó có 2.882 văn bản cấp bộ và 22.788 văn bản do chính quyền địa phương cấp tỉnh ban hành). Kết quả thống kê cho thấy, qua kiểm tra đã phát hiện 554 văn bản (chiếm khoảng 2,15%) trong tổng số văn bản nêu trên có dấu hiệu trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền. Trong số đó, có 80 văn bản cấp bộ ban hành và 474 văn bản do chính quyền địa phương cấp tỉnh ban hành.

PV: Trong các văn bản có nội dung trái pháp luật, theo ông, có “nhóm lợi ích” lồng ghép, cài cắm vào các văn bản này không?

TS Hồ Quang Huy: Trên cơ sở nội hàm của khái niệm “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ, tiêu cực, tác động không lành mạnh của một số tổ chức, cá nhân, cũng như đối chiếu với kết quả chung về kiểm tra, rà soát văn bản QPPL, bước đầu chúng tôi nhận diện có một số biểu hiện cụ thể sau đây có thể bị lợi dụng để thông qua đó cố ý cài cắm “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ trong văn bản pháp luật.

Các biểu hiện đó là: 1) Ban hành văn bản hành chính nhưng có chứa QPPL; đồng thời, QPPL này trái pháp luật; 2) Ban hành văn bản không đúng thẩm quyền (đặt ra thủ tục hành chính; đặt ra điều kiện đầu tư kinh doanh hoặc ngành nghề kinh doanh có điều kiện; hạn chế quyền con người, quyền công dân); 3) Ban hành văn bản có nội dung trái với Hiến pháp, trái với văn bản QPPL có hiệu lực pháp lý cao hơn; 4) Ban hành văn bản quy định thời điểm có hiệu lực trái với quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL; 5) Văn bản QPPL được ban hành vi phạm nghiêm trọng trình tự, thủ tục ban hành văn bản; 6) Không kiểm tra, rà soát hoặc kiểm tra, rà soát không kịp thời, nghiêm túc văn bản thuộc thẩm quyền kiểm tra, rà soát; 7) Không xử lý hoặc chậm xử lý văn bản trái pháp luật do mình ban hành.

PV: Sự tồn tại của các văn bản có nội dung trái pháp luật được Cục Kiểm tra văn bản QPPL phát hiện thời gian qua đã nói lên điều gì, thưa ông?

TS Hồ Quang Huy: Thực tế cho thấy, ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật không chỉ làm ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch và tác động tiêu cực đến hoạt động quản lý nhà nước, mà còn gây tốn kém thời gian, công sức, nguồn kinh phí, ngân sách của Nhà nước và gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp, từ đó có thể làm gia tăng bức xúc trong dư luận xã hội.

Việc còn tồn tại những văn bản trái pháp luật cho thấy: Việc kiểm soát chất lượng văn bản trước và sau khi ban hành chưa đáp ứng tốt nhất yêu cầu quản lý nhà nước; việc thực hiện quy định pháp luật, kỷ luật, kỷ cương trong ban hành văn bản chưa nghiêm; việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người, cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật, xử lý văn bản trái pháp luật chưa kịp thời; năng lực, trình độ của người làm công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản ở một số cơ quan, tổ chức, địa phương còn hạn chế.

“Quá trình xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn, chuẩn bị sớm, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và lợi ích quốc gia, dân tộc làm trọng tâm. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách; không được lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật hoặc chỉ thiên về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước mà thiếu đồng hành với người dân, doanh nghiệp”.

(Phát biểu của đồng chí VÕ VĂN THƯỞNG, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị, tổ chức ngày 3-11-2021)

Xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm, cài cắm "lợi ích nhóm"

PV: Thưa ông, việc xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật như thế nào?

TS Hồ Quang Huy: Sau khi Cục Kiểm tra văn bản QPPL phát hiện và kiến nghị xử lý, về cơ bản, các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương đã ban hành văn bản trái pháp luật có tinh thần nghiêm túc, cầu thị trong tiếp nhận và xử lý nội dung trái pháp luật của văn bản.

Tuy nhiên, việc xử lý văn bản trái pháp luật trong một số trường hợp còn chậm. Bên cạnh đó, việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, cá nhân liên quan đến việc ban hành văn bản trái pháp luật nhìn chung chỉ mới ở mức độ rút kinh nghiệm, phê bình, chưa bảo đảm giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL.

Chúng tôi cho rằng, việc ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật là một loại vi phạm của các cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản trong quá trình thi hành nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Vấn đề quan trọng là phải xử lý nghiêm nội dung trái pháp luật, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của người ban hành, tham mưu ban hành văn bản trên cơ sở đánh giá nội dung, tính chất, mức độ trái pháp luật của văn bản, hậu quả nội dung trái pháp luật gây ra đối với xã hội và tính chất, mức độ lỗi của từng chủ thể.

Tuy nhiên, điều chúng tôi băn khoăn là thể chế hiện hành vẫn chưa có khung pháp lý đầy đủ, cụ thể điều chỉnh toàn diện các hành vi, quy trình, căn cứ đánh giá, xem xét, kết luận và xử lý trách nhiệm đối với người đã cố ý ban hành văn bản trái pháp luật để lồng ghép "lợi ích nhóm", tham nhũng, tiêu cực.

PV: Để khắc phục tình trạng bất cập nêu trên, đâu là vấn đề mấu chốt cần quan tâm?

TS Hồ Quang Huy: Cần sớm hoàn thiện các quy định cụ thể về xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người, cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật, không kịp thời xử lý văn bản trái pháp luật và khắc phục hậu quả do áp dụng văn bản trái pháp luật gây ra.

Điều này đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong buổi làm việc với Bộ Tư pháp ngày 25-5-2021, đó là đi đôi với thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương về công tác xây dựng pháp luật, tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo, đặc biệt là đối với ý kiến thẩm định của cơ quan tư pháp; phải kịp thời xử lý văn bản trái pháp luật, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến việc ban hành văn bản trái pháp luật.

Xử lý trách nhiệm đối với người, cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật, không kịp thời xử lý văn bản trái pháp luật có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như hiệu lực, hiệu quả của quy định về kiểm tra văn bản QPPL. Nhưng do quy định pháp luật về vấn đề này chưa chi tiết, chưa đầy đủ nên việc thực hiện các quy định xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong thực tiễn còn gặp nhiều khó khăn, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Mặt khác, cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế xử lý đặc thù đối với chủ thể đã ban hành văn bản có biểu hiện lồng ghép “lợi ích nhóm”, tiêu cực (nếu đủ căn cứ chứng minh). Vấn đề khắc phục hậu quả do áp dụng, thực hiện văn bản trái pháp luật là vấn đề quan trọng, được nhiều cơ quan, tổ chức, công dân quan tâm. Vì vậy, trong thời gian tới cần nghiên cứu, quy định cụ thể cơ chế khắc phục hậu quả do ban hành và thi hành văn bản trái pháp luật gây ra.

PV: Trên phương diện quản lý nhà nước, theo ông, phải có giải pháp căn cơ nào để phòng ngừa, loại bỏ những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, “lợi ích nhóm” trong xây dựng, ban hành các văn bản QPPL?

TS Hồ Quang Huy: Tôi nghĩ, giải pháp căn cơ hiện nay là phải nhanh chóng hoàn thiện và sớm ban hành quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong công tác xây dựng chính sách, pháp luật. Như chúng ta đã biết, vấn đề khó khăn, nhạy cảm như chạy chức, chạy quyền đã được Bộ Chính trị nhận diện các biểu hiện cụ thể tại Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Sau khi Quy định số 205-QĐ/TW được ban hành, cá nhân có sai phạm đã bị xử lý kịp thời, nghiêm minh, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân.

Từ kinh nghiệm đó, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, tham mưu để Bộ Chính trị xem xét, ban hành văn bản nhằm “lượng hóa” các biểu hiện cụ thể của tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong văn bản QPPL; động cơ, mục đích khi ban hành văn bản QPPL có lồng ghép “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực; quy trình, cách thức xác định và xử lý cán bộ, đảng viên tham mưu, ban hành văn bản QPPL có nội dung trái pháp luật, lồng ghép “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực.

Trên cơ sở đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ nghiên cứu, thể chế hóa tiêu chí, nội dung biểu hiện lồng ghép “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong văn bản QPPL; căn cứ xác định lỗi của chủ thể ban hành văn bản có lồng ghép “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực làm cơ sở để thực hiện kiểm tra, xử lý văn bản và người ban hành văn bản khi có hành vi vi phạm.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(Theo qdnd.vn)

.
.
.