.

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của báo chí Việt Nam

Cập nhật: 20:32, 04/11/2022 (GMT+7)

Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số và báo chí cũng không phải là ngoại lệ. Việc chuyển đổi số thành công hay không phải xuất phát từ nỗ lực tự thân của chính các cơ quan báo chí.

a
Đồng chí Lê Quốc Minh phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Chiều 4/11, Diễn đàn Tổng Biên tập 2022 đã diễn ra với chủ đề "Chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí Việt Nam: Xu thế tất yếu hay trào lưu nhất thời?" Diễn đàn nằm trong khuôn khổ Gala Báo chí 2022 do Hội Nhà báo Việt Nam giao Báo Nhà báo & Công luận tổ chức.

Tham dự Diễn đàn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam; Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

Cùng dự có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông). Ngoài ra còn có sự tham gia của gần 60 Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Diễn đàn bao gồm các nội dung chính: Thực trạng và xu hướng chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí Việt Nam. Bên cạnh đó, Diễn đàn cũng đưa ra những kiến nghị, giải pháp cũng như tầm nhìn đến năm 2025 gắn với Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia mà Chính phủ đã phê duyệt.

s
Đồng chí Lê Quốc Minh chủ trì Diễn đàn Tổng Biên tập.


Phát biểu khai mạc Diễn đàn, đồng chí Lê Quốc Minh khẳng định: Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số và báo chí cũng không phải là ngoại lệ.

Đồng chí cũng nhấn mạnh: "Chúng tôi mong muốn chuyển đổi số báo chí không chỉ là trào lưu mà cần phải được lan tỏa, triển khai đến các cơ quan báo chí từ Trung ương tới địa phương. Việc chuyển đổi số thành công hay không phải xuất phát từ nỗ lực tự thân của chính các cơ quan báo chí".

Đặc biệt, đồng chí lưu ý: Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề công nghệ mà còn là câu chuyện tư duy. Phải thay đổi tư duy từ người đứng đầu cho đến toàn bộ tòa soạn thì quá trình này mới có thể thành công.

Phát biểu tại Diễn đàn, đồng chí Đỗ Trọng Hưng cho rằng: Việc chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí đang là hướng đi quan trọng để nâng cao hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền. Đây cũng là con đường nhanh nhất, ngắn nhất để đưa nội dung của tờ báo đến với công chúng, làm tròn sứ mệnh cung cấp những thông tin khách quan, chính xác, tin cậy, hấp dẫn và nhân văn, đóng góp quan trọng cho quá trình phát triển của đất nước.

Nhiều khó khăn, thách thức

Tại phiên khai mạc, các đại biểu đều nhận định: Mặc dù việc chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, nhưng thực tế hiện nay để triển khai trong thực tế, các cơ quan báo chí còn đối mặt với rất nhiều khó khăn về kinh phí, công nghệ cũng như vấn đề con người.

Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Biên tập báo điện tử Vietnamnet cho hay: Ngay từ năm 2018, đơn vị này đã được giao nhiệm vụ trở thành cơ quan báo chí đi đầu về chuyển đổi số. Tuy nhiên, trong lĩnh vực công nghệ, Vietnamnet đã phải mất 2 năm để tìm đối tác phù hợp nhưng... không thành công khi các công ty công nghệ lớn không mặn mà trong việc hợp tác với báo chí hoặc đưa ra mức giá quá cao. Tờ báo này sau đó đã phải tuyển dụng đội ngũ kỹ thuật viên để xây dựng phần mềm riêng.

"Ở Việt Nam hiện nay không có thị trường công nghệ phục vụ riêng cho việc chuyển đổi số báo chí do doanh thu không cao", ông Tuấn cho hay.

a
Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Biên tập báo điện tử Vietnamnet chia sẻ những khó khăn về mặt công nghệ trong quá trình chuyển đổi số báo chí.

Trong khi đó, ông Lê Quang Minh, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội lại cho rằng: Vướng mắc lớn nhất hiện nay là câu chuyện kinh phí khi hiện nay hầu hết các báo đều khó khăn. Bài toán đầu tư cho công nghệ, kỹ thuật viên do đó cũng gặp nhiều cản trở.

Theo Tổng giám đốc Đài truyền hình Quốc hội: "Hiện nay, từ góc độ các cơ quan nhà nước, việc đầu tư cho công nghệ là rất khó khăn". Ông Minh nói thêm: "Nếu làm phần cứng thì dễ, vì tất cả trên công bố rồi, nhưng phần mềm rất khó. Mà hiện nay, rất nhiều cơ quan báo chí rất khó khăn trong vấn đề chuyển đổi công nghệ ở góc độ này".

a
Ông Lê Quang Minh, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội cho rằng: Vướng mắc lớn nhất hiện nay của chuyển đổi số báo chí là kinh phí khi hiện nay hầu hết các báo đều khó khăn.

Chia sẻ lại kinh nghiệm tại báo Lao động, ông Nguyễn Ngọc Hiển, Tổng Biên tập tờ báo in lâu đời nhất Việt Nam thẳng thắn cho rằng, quá trình chuyển đổi trong giai đoạn đầu rất khó khăn khi nhiều nhân sự chưa thích ứng được. Bên cạnh đó, vấn đề chi phí xây dựng phần mềm, ứng dụng công nghệ cũng là những rào cản không hề nhỏ.

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu

Cũng nhận định quá trình chuyển đổi số rất nhiều khó khăn, ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập báo Người Lao động nhấn mạnh: "Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và không thể cưỡng lại được". Bản thân tờ báo này cũng đã tự chuyển đổi số "theo khả năng có thể".

Cụ thể, báo Người Lao động hiện đã ứng dụng phần mềm cho phép nhân sự có thể tham gia quá trình xuất bản từ nhiều địa điểm khác nhau, từ đó tăng tốc độ sản xuất. Ngoài ra, báo cũng áp dụng thêm nhiều công nghệ mới như Podcast, tiến hành thu phí bạn đọc...

a
Tổng Biên tập Báo Người Lao động chia sẻ những kinh nghiệm chuyển đổi số "theo khả năng" của đơn vị mình.

Ông Ngô Văn Hải, Tổng Biên tập báo điện tử VTC News cho biết, chuyển đổi số là quá trình tự thân. VTC News hiện đã ứng dụng tòa soạn không giấy, quản trị nhân sự bằng các bộ công cụ đo KPI tích hợp. Về mặt quản trị nội dung, tờ báo này cũng đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ vào quá trình sản xuất tin tức.

"Việc chuyển đổi số không hề khó khăn, nhưng rất cần sự quyết tâm ở mức cao nhất", ông Hải khẳng định.

Ở góc độ báo chí địa phương, ông Phạm Văn Báu, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa chia sẻ: Ngay từ khi được bổ nhiệm, ông Báu đã nghĩ tới việc phải chuyển đổi số, thay đổi cách thức phát sóng, cải tiến nội dung để tiếp cận nhiều hơn với khán giả. Đây được coi là bài toán "sống còn" trong bối cảnh các cách làm truyền thống đã có dấu hiệu sụt giảm hiệu quả.

Để đạt được mục tiêu này, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa đã tiến hành chuyển đổi nội dung theo hướng số hóa; đồng thời đầu tư công nghệ để các sản phẩm đến nhiều hơn với công chúng.

"Hiện nay, chúng tôi có bộ phận chuyên xử lý các nội dung thành nội dung số. Các sản phẩm đặc biệt như ký sự, phim tài liệu sẽ được đưa lên nhiều nền tảng với các hình thức khác nhau như chuyển đổi thành EMagazine gắn kèm video để đăng tải trên web", Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa nêu dẫn chứng.

Cần giải pháp tổng thể

Cũng tại khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp cho quá trình chuyển đổi số báo chí.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân cho hay: Việc kết hợp giữa báo chí và công nghệ được xem như một xu hướng chung của thế giới, theo mô hình Media-Tech hay Tech-Media.

Để giảm "gánh nặng" tài chính khi đầu tư công nghệ, đồng chí gợi ý về việc các cơ quan báo chí có thể tìm kiếm các đối tác nhỏ, thậm chí các nhóm sinh viên công nghệ để tìm ra "lời giải" ấn tượng. Lấy dẫn chứng ứng dụng chatbot của báo điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) vốn là sản phẩm hợp tác với các bạn sinh viên, đồng chí cho biết: “Đôi khi chúng ta tìm ra các đối tác vừa phải nhưng lại đem lại những kết quả hiệu quả, thay vì các đối tác lớn và có nhiều kinh nghiệm”.

a
Toàn cảnh Diễn đàn Tổng Biên tập 2022.

Ở góc độ cơ quan quản lý báo chí, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí dành khá nhiều thời gian để nói về câu chuyện chuyển đổi số ở các cơ quan báo chí, đồng thời chia sẻ về kế hoạch, mục tiêu chuyển đổi số của Cục báo chí trong thời gian tới

Mục tiêu chuyển đổi số phải tập trung vào nội dung, lấy nội dung làm cốt lõi. Ở quan điểm người làm báo, chuyển đổi số không phải là mục đích mà là phương tiện để đạt được mục tiêu.

    Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí

Theo ông Phúc, mục tiêu chuyển đổi số phải tập trung vào nội dung, lấy nội dung làm cốt lõi. Ở quan điểm người làm báo, chuyển đổi số không phải là mục đích mà là phương tiện để đạt được mục tiêu.

Ông Phúc cho rằng, cần thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác giữa các cơ quan báo chí để hỗ trợ nhau trong quá trình chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, ông Phúc cũng cho biết thêm, thời gian tới đây, các cơ quan chức năng cũng sẽ xây dựng bộ chỉ số đánh giá mục tiêu chuyển đổi số để đo lường hiệu quả về mặt công nghệ, tài chính cũng như sự trải nghiệm của độc giả, khán thính giả.

Phát biểu tổng kết Diễn đàn, đồng chí Lê Quốc Minh tái khẳng định: Chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí Việt Nam là một quá trình tất yếu và sống còn.

"Ở góc độ các cơ quan quản lý trong đó có Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các cơ quan báo chí trong quá trình chuyển đổi số. Thời gian tới đây, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiếp tục mở các khóa đào tạo về chuyển đổi số, kỹ năng công nghệ. Chúng tôi rất mong muốn các cơ quan báo chí có kinh nghiệm vui lòng chia sẻ cho các cơ quan khác", đồng chí Lê Quốc Minh phát biểu.

Chuyển đổi số không chỉ nằm ở công nghệ mà còn nằm ở tư duy, đặc biệt là tư duy của người lãnh đạo.

    Đồng chí Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân

 

Đồng chí nhấn mạnh: Chuyển đổi số không chỉ nằm ở công nghệ mà còn nằm ở tư duy, đặc biệt là tư duy của người lãnh đạo. Ngoài ra, dù chuyển đổi số ở cấp độ nhỏ hay lớn, nhiều hay ít kinh phí, các cơ quan báo chí vẫn phải nhắm tới mục tiêu phục vụ độc giả. Độc giả ở đâu, báo chí phải hướng tới phụng sự ở đó. Chuyển đổi số không nằm ở công nghệ mà nằm ở tư duy, nhất là tư duy của người lãnh đạo.

    "Dù có chuyển đổi số ở cấp độ nhỏ hay lớn, nhiều hay ít kinh phí, vẫn nhắm tới mục tiêu đem nội dung phục vụ độc giả có nhu cầu. Độc giả ở đâu, chúng ta phải hướng tới phụng sự ở đó. Bên cạnh đó, báo chí cũng phải giữ vững nhiệm vụ truyền tải tri thức cho độc giả, không thể để hàng chục trang thông tin bên ngoài chi phối công chúng", đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam kết luận hội nghị.

Theo nhandan.vn



 

.
.
.