.

Cử tri huyện Gò Công Tây kiến nghị nhiều vấn đề còn bất cập ở địa phương

Cập nhật: 21:40, 22/11/2022 (GMT+7)

(ABO) Chiều 22-11, tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tiền Giang, đơn vị số 3, gồm các đại biểu: Tạ Minh Tâm, Phó Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Nguyễn Thị Uyên Trang, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy viên Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội có buổi tiếp xúc gần 200 cử tri của các xã Thạnh Nhựt, Bình Nhì (huyện Gò Công Tây).

Tại buổi tiếp xúc, đại biểu Nguyễn Thị Uyên Trang báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; thông tin đến cử tri về hoạt động của Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh tại Kỳ họp thứ 4.

ĐBQH tỉnh lắng nghe và ghi nhận ý kiến cử tri.
ĐBQH tỉnh lắng nghe ý kiến của cử tri.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri 2 xã Thạnh Nhựt và Bình Nhì có nhiều phản ánh, kiến nghị với ĐBQH về: Tình trạng thiếu hụt xăng, dầu, gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, nhu cầu đi lại của người dân; đề nghị nâng mức phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách xã, ấp vì chế độ hiện nay còn thấp; chi phí vật giá ngày càng tăng; giá vật tư nông nghiệp, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi tăng cao; đề nghị có kế hoạch hỗ trợ người dân giới thiệu doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản, vật nuôi với giá ổn định giúp người dân có lãi… 

Cử tri phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc.
Cử tri phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn trả lời ý kiến cử tri.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn trả lời ý kiến cử tri.

Đại biểu đã ghi nhận và giải đáp các ý kiến của cử tri.

Trả lời ý kiến cử tri, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho biết, đối với người hoạt động không chuyên trách, Quốc hội đã ban hành nghị quyết, chất vấn tại kỳ họp, giao nhiệm vụ cho Chính phủ cùng với các bộ, ngành sớm sửa đổi, bổ sung các quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố bảo đảm đồng bộ thống nhất, hợp lý và hiệu quả.

Trong đó có nghiên cứu cơ chế khoán biên chế để bảo đảm linh hoạt, nhất là các địa phương có đông dân cư; nghiên cứu sửa đổi quy định về khoán quỹ phụ cấp, kinh phí hoạt động đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.

Bên cạnh đó, việc nợ đọng trong thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế sẽ được giải quyết dứt điểm từ năm 2022 trở về trước. Đồng thời, khẩn trương, rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật còn bất cập trong công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị vật tư, y tế phục vụ khám bệnh, chữa bệnh để giải quyết kịp thời những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn.

SONG AN 

.
.
.