.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang tham gia biểu quyết thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi) và Luật Dầu khí (sửa đổi)

Cập nhật: 20:04, 14/11/2022 (GMT+7)

(ABO) Ngày 14-11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi) và Luật Dầu khí (sửa đổi). Đồng thời, tiến hành thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang đã biểu quyết thông qua 2 dự án luật nêu trên; đồng thời tiếp tục có nhiều ý kiến đóng góp đối với một số nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

biểu quyết điện tử tại phiên họp
Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang biểu quyết điện tử tại phiên họp.

Ngoài các nội dung ĐBQH tỉnh Tiền Giang góp ý trong phiên thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trước đó, ĐBQH tỉnh Tiền Giang tiếp tục đóng góp thêm một số ý kiến liên quan đến các quy định đối với: Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc sử dụng đất; người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với đất được giao để quản lý; quy định việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại đối với cây trồng; quy định giao đất để thực hiện dự án tái định cư theo dự án của Nhà nước; xây dựng nhà ở tập trung cho người lao động làm việc trong các khu công nghiệp thuê, ký túc xá sinh viên, nhà ở xã hội và nhà ở công vụ…

Trong đó, các ĐBQH tỉnh Tiền Giang đã tập trung góp ý sâu đối với khoản 3 điều 156 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: “Việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều này do cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quyết định sau khi đã có kết luận của cơ quan thanh tra cùng cấp, văn bản có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Luật này.

Đối với trường hợp Giấy chứng nhận đã cấp khi thực hiện công nhận quyền sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều này thì cơ quan có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận là cơ quan có thẩm quyền công nhận quyền sử dụng đất quy định tại Điều 150 của Luật này.

Trường hợp việc công nhận quyền sử dụng đất quy định tại Luật này không đúng quy định của pháp luật dẫn đến Giấy chứng nhận đã cấp thuộc điểm d khoản 2 Điều này thì việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp do cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quy định tại Luật này thực hiện sau khi có quyết định điều chỉnh, hủy bỏ việc công nhận quyền sử dụng đất”.

ĐBQH tỉnh Tiền Giang tham dự tại Phiên thảo luận dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
ĐBQH tỉnh Tiền Giang tham dự tại Phiên thảo luận dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho rằng pháp luật đất đai trước đây, cụ thể là Nghị định 60 ngày 5-7-1994 của Chính phủ về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị, tại Điều 12 quy định: “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại nội thành, nội thị xã, thị trấn do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là cấp tỉnh) cấp”. Do đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã cấp một số Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình, cá nhân tại địa phương; nhưng theo Luật Đất đai (sửa đổi) thì thẩm quyền cấp cấp giấy hộ gia đình cá nhân (lần đầu) là do Ủy ban nhân dân cấp huyện. Vì vậy, việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trước đây thì chưa quy định cụ thể là theo thẩm quyền hiện tại hay do thẩm quyền cấp trước đây.

Đồng thời kiến nghị xem xét việc cơ quan thu hồi Giấy chứng nhận là cơ quan cấp giấy hiện tại, quyết định thu hồi sau khi xác định Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp không đúng quy định pháp luật về đất đai nhưng trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai (để thuận tiện trong quản lý, giải quyết thủ tục cho người dân).

Ngoài ra, ĐBQH tỉnh Tiền Giang đề nghị cân nhắc nội dung “Giám đốc Sở Tài chính làm Chủ tịch Hội đồng” thẩm định giá đất cụ thể cấp tỉnh tại Tiết a, Mục 2, Điều 166 dự thảo Luật. Nhằm bảo đảm tính đồng bộ, chặt chẽ, phát huy trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh trong xác định giá đất cụ thể; hướng tới giá đất khi được xác định hợp lý, sát thực tế, phù hợp yêu cầu đề ra; kiến nghị giữ như Luật Đất đai hiện hành, cụ thể là tại Mục 3, Điều 114 “Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định giá đất cụ thể… Hội đồng thẩm định giá đất gồm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Chủ tịch…”.

Phát biểu tại Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Luật Đất đai là một đạo luật rất quan trọng, phức tạp, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi các chính sách quy định trong rất nhiều luật khác. Đây cũng là luật tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tới tất cả các tổ chức và người dân. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ, dự kiến phải 3 kỳ họp để có thời gian rà soát kỹ lưỡng với tinh thần vì lợi ích quốc gia, dân tộc, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Cũng tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu, đồng thời xem xét, cân nhắc tham mưu với Chính phủ từng bước hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội tiếp tục xem xét tại kỳ họp sau.

MINH TRÍ - THU HOÀI

.
.
.