.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang tham gia thảo luận 2 dự thảo nghị quyết

Cập nhật: 15:50, 07/11/2022 (GMT+7)

(ABO) Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 7-11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường đối với 2 dự thảo Nghị quyết về: “Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk” và “Thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá”. Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang tiếp tục có ý kiến thảo luận, tranh luận tại hội trường.

* Giá khởi điểm biển số ô tô đưa ra đấu giá chung nên áp dụng ở mức thấp hơn

Liên quan đến dự thảo Nghị quyết về “Thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá”, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm tham gia tranh luận tại hội trường. Cụ thể về áp dụng giá khởi điểm của 1 biển số ô tô đưa ra đấu giá chung trong cả nước nên ở mức nào, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho rằng, giá khởi điểm nên bắt đầu ở mức giá thấp hơn.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm tranh luận tại hội trường
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm tranh luận tại hội trường.

Thứ nhất, đại biểu cho rằng, giá khởi điểm thấp hơn sẽ tạo cơ hội để nhiều người dân hơn có thể quan tâm tham gia vào việc đấu giá để lựa chọn không phải là biển số “đẹp” (vì khái niệm “đẹp” tùy thuộc vào từng người và khác nhau ở từng miền), mà để hướng tới việc lựa chọn biển số xe ô tô phù hợp với sở thích riêng của cá nhân.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm nhận thấy, làm như vậy thực hiện được mục tiêu là đáp ứng nhu cầu của cá nhân, tổ chức, tạo sự công bằng giữa các chủ thể có nhu cầu; đồng thời, sẽ thu hút để có đông người tham gia và tăng nguồn thu cho ngân sách của Nhà nước.

Thứ hai, khi mức giá khởi điểm thấp hơn sẽ tạo thêm cơ hội cho thêm người dân ở các vùng, miền khác nhau, kể cả những vùng có điều kiện kinh tế, mức sống chưa cao được cùng tham gia để lựa chọn biển số xe ô tô theo nhu cầu, sở thích của mình. Do vậy, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đề nghị cần tham khảo thêm kinh nghiệm của quốc tế và lắng nghe ý kiến của người dân.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình các vấn đề các đại biểu quan tâm
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm.

Phát biểu giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cảm ơn những ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở các ý kiến này, Bộ Công an sẽ tiếp thu, tổng hợp ý kiến về một số nội dung chính như: Tên gọi Nghị quyết, phạm vi thí điểm, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, biển số xe được đưa ra đấu giá, giá khởi điểm, tiền đặt trước, việc quản lý, sử dụng tiền thu được thông qua đấu giá, quy trình, thủ tục đưa ra đấu giá…

Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ sẽ tiếp thu nghiêm túc, nghiên cứu kỹ lưỡng để báo cáo lên Chính phủ, các cơ quan chuyên môn của Quốc hội để tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cử tri để hoàn thiện dự thảo nghị quyết, báo cáo Quốc hội thông qua theo đúng quy định của pháp luật.

* Đề nghị làm rõ sản xuất, chế biến nông sản là những sản phẩm nông nghiệp nào

Cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cơ bản nhất trí với các nội dung đề xuất thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến tại hội trường
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến tại hội trường.

Việc ban hành nghị quyết thí điểm là nhằm cụ thể hóa Kết luận số 67 ngày 16-12-2019 của Bộ Chính trị đã đề ra mục tiêu phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đó là: "Xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuộc trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của thành phố, nhất là tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, vị trí địa lý trung tâm vùng, tam giác Lào - Việt Nam - Campuchia.

Tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phần mềm, năng lượng sạch; phát triển dịch vụ, du lịch theo hướng xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc riêng của vùng Tây Nguyên; phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái, ứng dụng công nghệ cao; chú trọng ứng dụng khoa học và công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm.

Đồng thời cho ý kiến về dự thảo nghị quyết này, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho biết, tại khoản 1 điều 4 của dự thảo nghị quyết đề cập việc nước nông nghiệp được xác định trong Hiệp định nông nghiệp là tất cả các sản phẩm liệt kê từ Chương I đến Chương 24, trừ cá và sản phẩm cá, một số sản phẩm thuộc các chương khác trong hệ thống thuế mã hóa, hệ thống hài hòa hóa mã số thuế.

Với cách hiểu này, nông sản bao gồm một phạm vi khá rộng các loại hàng hóa có nguồn gốc từ hoạt động nông nghiệp như: Các sản phẩm nông nghiệp cơ bản như: Lúa - gạo, lúa mì, bột mì, sữa, động vật sống, cà phê, trà, ca cao, hồ tiêu, hạt điều, cao su, rau quả tươi như chuối, xoài, ổi; bông và nhóm có sợi khác (như đay, lanh)… Các sản phẩm phái sinh như: Bánh mì, bơ, dầu ăn, thịt… Các sản phẩm được chế biến từ sản phẩm nông nghiệp như: Bánh kẹo, sản phẩm từ sữa, xúc xích, nước ngọt, rượu, bia, thuốc lá, bông xơ, da động vật thô…

Qua xem xét, dự thảo nghị quyết, báo cáo Đề án Thí điểm và Báo cáo đánh giá tác động chính sách cũng chỉ nêu một vài loại nông sản có sản lượng lớn của vùng Tây nguyên trong năm 2020 như: Cà phê, hồ tiêu, cao su, trà, điều, bơ, sầu riêng, ca cao và gỗ khai thác. Do đó, đề nghị Chính phủ làm rõ sản xuất, chế biến nông sản là những sản phẩm nông nghiệp nào, cụ thể để thuận lợi khi triển khai thực hiện sau này.

Ngoài ra, trong sản xuất, chế biến nông sản đã bao gồm sản xuất, chế biến cà phê. Do đó, đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề nghị sau cụm từ sản xuất, chế biến nông sản bổ sung thêm nội dung trừ dự án đầu tư sản xuất, chế biến cà phê tại khoản 2 điều này.

Lãnh đạo Quốc hội điều hành phiên thảo luận
Lãnh đạo Quốc hội điều hành phiên thảo luận.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm. Bộ trưởng cho biết, đây là lần đầu tiên Chính phủ trình Quốc hội chính sách đặc thù cho đơn vị cấp huyện, đây là điều chưa có tiền lệ, cần thực hiện phù hợp với Kết luận 67 của Bộ Chính trị, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và cả những điểm nghẽn của thành phố, của tỉnh, của vùng Tây Nguyên, không phá vỡ hệ thống pháp luật chung đã thống nhất.

Có một số lĩnh vực cần mở rộng phạm vi để tạo điều kiện phát triển cho thành phố, nhưng lại nằm ngoài phạm vi của thành phố Buôn Ma Thuột, nên Chính phủ cần cân nhắc, xem xét để đảm bảo hợp lý, phù hợp với quy định của pháp luật.

Để thực hiện Kết luận 67, Chính phủ đã xây dựng một chương trình hành động, đảm bảo không trùng lắp. Sắp tới, Chính phủ sẽ xây dựng các cơ chế đặc thù cho Đắk Lắk nói riêng, vùng Tây Nguyên nói chung để thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 23-NQ/TW.

Về các chính sách ưu đãi, sẽ bám sát Kết luận 67 về nông sản và cà phê, đưa thành phố cà phê trở thành thương hiệu quốc gia, đảm bảo lan tỏa khắp các vùng miền.Thời gian tới, Chính phủ sẽ tổ chức thực hiện và tiến hành sơ kết, đánh giá, từ đó có cái nhìn khách quan, toàn diện tình hình thực tế, từ đó cân nhắc để có những giải pháp phù hợp trong việc triển khai cơ chế, chính sách đặc thù ở các địa phương.

MINH TRÍ - THU HOÀI

.
.
.