Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang thảo luận 2 Dự án Luật
(ABO) Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 2-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang tham gia thảo luận và góp nhiều ý kiến cho 2 dự án luật này.
* ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG NGƯỜI NGHÈO VÀO NHÓM ĐỐI TƯỢNG NGƯỜI TIÊU DÙNG DỄ BỊ TỔN THƯƠNG
Thảo luận tại tổ, các đại biểu đều bày tỏ tán thành với sự cần thiết việc sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với phạm vi sửa đổi của luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và các nội dung của Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Đồng thời góp ý đối với một số nội dung của dự án luật này.
Đại biểu Nguyễn Văn Dương cho rằng, Ban soạn thảo cần cân nhắc giữ lại đối tượng “tổ chức” (Khoản 1, Điều 3) trong nội hàm người tiêu dùng như luật 2010 vì trên thực tế cũng có nhiều trường hợp tổ chức mua hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng. Do đó, cần cân nhắc giữ lại đối tượng “tổ chức” trong nội hàm của người tiêu dùng.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phát biểu thảo luận tại tổ. |
Đối với Điều 7 quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, đại biểu đề nghị nên bổ sung “người nghèo” vào nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Bởi người nghèo thường yếu thế hơn trong mối quan hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Bên cạnh đó, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 trên phạm vi toàn quốc, cả nước có 609.049 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,23%; tổng số hộ cận nghèo là 850.202 hộ, với tỷ lệ là 3,11%.
Cũng theo thống kê từ Bộ LĐTB&XH, 3 tỉnh có số hộ nghèo cao nhất là Hà Giang (34.848 hộ), Điện Biên (36.996 hộ), Nghệ An (27.324 hộ). Riêng TP. Hải Phòng có 6.650 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,07%.
Tại Tiền Giang theo báo cáo tổng kết thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã giảm được 4% tỷ lệ hộ nghèo (giảm 19.870 hộ), bình quân mỗi năm giảm 0,8%, đưa tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh từ 5,87% đầu năm 2016 xuống còn 1,87% cuối năm 2020, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; tổng số hộ nghèo của tỉnh còn 9.429 hộ, chiếm tỷ lệ 1,87% so tổng số hộ toàn tỉnh là 504.832 hộ và số hộ cận nghèo là 16.736 hộ, chiếm tỷ lệ 3,32%.
Vì vậy, đề nghị bổ sung đối tượng người nghèo vào Điều 7 của dự án luật này nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương cũng là thực hiện chủ trương “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Ngoài ra, liên quan đến quy định quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng, đại biểu Nguyễn Văn Dương cho rằng, để tránh lạm dụng quyền của người tiêu dùng nên bổ sung thêm vào Khoản 1, Điều 16: Chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra và bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dẫn tới ảnh hưởng tới lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức kinh doanh.
Cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm kiến nghị cần quan tâm đến đối tượng là những người thuộc giới tính thứ 3 họ cũng là những người tiêu dùng cần được bảo vệ quyền lợi. Thực tế cho thấy, cộng đồng những người thuộc giới tính thứ 3 vẫn còn chịu nhiều định kiến từ xã hội và cần có sản phẩm tiêu dùng đặc thù được quan tâm quy định trong luật để bảo vệ quyền lợi của họ. Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cũng đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Văn Dương về việc bổ sung đối tượng người nghèo vào Điều 7 để bảo vệ người tiêu dùng dễ bị tổn thương.
Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu ý kiến đối với Dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. |
Đối với Điều 20 quy định về trách nhiệm bảo đảm an toàn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho rằng, trong thực tế có nhiều sản phẩm như các bài hát, bộ phim gây tổn hại về tinh thần, thậm chí có nguy cơ gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người tiêu dùng, đại biểu dẫn chứng như những sản phẩm về văn hóa, sản phẩm liên quan đến thẩm mỹ chăm sóc sức khỏe.
Do vậy, đề nghị ngoài nội dung được quy định tại Khoản 3, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm cảnh báo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có khả năng gây mất an toàn, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng, đề nghị bổ sung thêm có nguy cơ gây tổn hại về tinh thần, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người tiêu dùng nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng một cách thấu đáo.
Điều 33 quy định trách nhiệm thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đề nghị xem xét quy định chặt chẽ hơn. Bởi vừa qua đã xảy ra các vụ tự tử ở giới trẻ thì một ca sĩ có ảnh hưởng giới trẻ đã phát hành một sản phẩm âm nhạc có hình ảnh dường như gây kích động cho vấn đề tự tử. Những sản phẩm này vô cùng độc hại không chỉ ảnh hưởng một hai người tiêu dùng mà ảnh hưởng một giới rất rộng trong xã hội. Do vậy, rất cần được xem xét và phải có trách nhiệm thu hồi sản phẩm, bồi thường trong những trường hợp như thế.
Đồng thời, đề nghị xem xét trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ làm đẹp bị khuyết tật, ngoài việc thu hồi, đổi sản phẩm hay trả tiền thì cần phải xem xét thêm nếu các sản phẩm dịch vụ này gây thiệt hại về sức khỏe hay về thể chất, chẳng hạn phải nằm bệnh viện thì việc liên đới giữa việc bồi thường trách nhiệm ở luật này với những luật liên quan như thế nào cũng cần quy định cụ thể trong Dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
* THẢO LUẬN DỰ ÁN LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (sửa đổi)
Cho ý kiến đối với Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) các đại biểu thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử năm 2005 với những lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời, nhấn mạnh, việc sửa đổi luật lần này nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng, góp phần ngăn chặn kịp thời tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên không gian mạng… Đồng thời góp thêm một số ý kiến cho dự án luật này.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến góp ý đối với Luật Giao dịch điện tử. |
Góp ý đối với Điều 53 bảo đảm an toàn thông tin mạng và an ninh mạng, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho rằng, quy định như dự thảo luật là quá đơn giản, cơ quan, tổ chức, cá nhân tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng và an ninh mạng khi tiến hành các hoạt động giao dịch điện tử. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số nội dung mang tính nguyên tắc về bảo đảm an toàn thông tin mạng và an ninh mạng, sau đó dẫn sang các luật chuyên ngành.
Điều 54 bảo vệ thông điệp dữ liệu tại Điểm b, Khoản 5, thông báo kịp thời cho người dùng về sự cố mất an toàn thông tin thông điệp dữ liệu và báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định. Đề nghị cần làm rõ tín bảo mật, nhất là liên quan đến khách hàng gửi tiền tại các tổ chức tín dụng, liên quan đến quy định về bảo mật khách hàng tại luật ngân hàng nhà nước và pháp luật có liên quan.
Quang cảnh thảo luận tại tổ. |
Ngoài ra, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cũng cần bổ sung thêm nguyên tắc bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức trong giao dịch điện tử nhiều điều, khoản quy định quá chung chung; rà soát lại các quy định về điều kiện kinh doanh đảm bảo phù hợp với các quy định của Luật Đầu tư 2020. Đồng thời quy định rõ ràng hơn đối với các giao dịch với cơ quan nhà nước...
MINH TRÍ - THU HOÀI