.
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt (23-11-1922 - 23-11-2022):

Đổi mới và đột phá tạo nên dấu ấn ông Sáu Dân

Cập nhật: 20:41, 16/11/2022 (GMT+7)

Công cuộc đổi mới đất nước đã trải qua chặng đường hơn 1/3 thế kỷ và đã có nhiều thành tựu. Để có được quyết định đổi mới đã có không ít ý tưởng thai nghén từ trước đó, bằng nỗ lực phi thường của những người tâm huyết, dám đột phá mở đường. Trong dấu chân của những người mở đường khó nhọc ấy, không thể không kể đến cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - ông Sáu Dân.

a
Thủ tướng Võ Văn Kiệt xem xét quy hoạch tổng thể dự án xây dựng thành phố Vạn Tường và khu công nghiệp lọc hóa dầu Dung Quất (tháng 7-1995). Ảnh: TƯ LIỆU

Từ quyết tâm cứu đói

Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí Võ Văn Kiệt được phân công làm Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM. Lúc bấy giờ, thành phố có khoảng 4 triệu dân. Việc xóa bỏ toàn bộ khâu buôn bán lúa gạo ở miền Nam, thay bằng mậu dịch quốc doanh đã khiến tình hình lương thực trở nên vô cùng căng thẳng. Tình cảnh lúc bấy giờ được nhà nghiên cứu lịch sử kinh tế, GS Đặng Phong mô tả lại: Đến mùa thu hoạch, đồng lúa miền Nam chín vàng nhưng dân thành phố lại ngấp nghé nạn đói, bởi Nhà nước áp giá thu mua chỉ 5,2 hào/kg, trong khi giá thị trường là 1,5 đồng, nông dân không chịu bán.

Trước tình hình này, các cán bộ ở thành phố rất xót xa, trăn trở. Ông Lữ Minh Châu, lúc đó là Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, kể lại: Một buổi sáng, ông Sáu Dân gọi điện rủ ông tới nhà
ăn sáng. Tới nơi, ông Châu đã thấy mấy người ngồi sẵn.

Ông Sáu Dân nói: “Hiện nay, dự trữ gạo của thành phố chỉ còn có vài ngày. Mình không thể để cho dân thiếu gạo được. Dân đồng bằng sông Cửu Long không chịu bán gạo cho Nhà nước vì họ bị thiệt, còn dân thành phố có tiền và sẵn sàng mua giá thỏa thuận lại không được mua”. Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt và tập thể lãnh đạo thành phố cuối cùng quyết định: Đi về đồng bằng sông Cửu Long tổ chức thu mua gạo trên thị trường với giá tương xứng, đem về phục vụ đồng bào TPHCM.

Việc ấy được tiến hành rốt ráo, và rồi vấp phải sự phản ứng. Ủy ban Vật giá “kiện” lên trung ương rằng ông Võ Văn Kiệt phá rào. Bà Ba Thi, Giám đốc Công ty Lương thực thành phố, bị triệu ra trung ương kiểm điểm. Nhưng sau khi ông Sáu Dân ra báo cáo, thuyết phục, được Tổng Bí thư Lê Duẩn ủng hộ, tình hình lương thực đã được giải quyết cơ bản.

Sau đó, một quyết sách “xé rào” khác của ông Sáu Dân giúp “cứu” Xí nghiệp Dệt Thành Công, mở đường cho sản xuất. Khi ấy, xí nghiệp thiếu vật tư, sản xuất đình trệ. Nhà nước không lo nổi vật tư, nguyên liệu. Doanh nghiệp không có ngoại tệ để tự lo, trong khi ngân hàng có nhiều USD lại không được tự ý cho vay. Ông Sáu Dân chỉ đạo ngân hàng phải cho vay, gỡ nút thắt cho doanh nghiệp. Nhờ vậy, doanh nghiệp nhập được nguyên liệu về sản xuất, có hàng hóa phục vụ dân, có lãi, từ chỗ “hấp hối” trở thành “ngọn cờ đầu”.

Những công trình đậm dấu ấn

Tiếp sau những đột phá xé rào ban đầu, ở những cương vị như Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Thủ tướng, ông Sáu Dân - Võ Văn Kiệt vẫn giữ vẹn nguyên tinh thần đổi mới, đột phá quyết liệt như ngày đầu. Những công trình được thực hiện dưới thời ông làm lãnh đạo Chính phủ đã ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển của kinh tế Việt Nam từ thời điểm đó cho đến ngày hôm nay. Đó là chương trình khai phá vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, ngọt hóa bán đảo Cà Mau.

Vùng đất nhiễm phèn, mặn nhờ đó được cải tạo trở nên màu mỡ, trù phú. Đó là việc xây dựng đường dây tải điện Bắc-Nam 500KV, đưa điện từ Nhà máy thủy điện Hòa Bình vào miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam. Đường điện đã tạo cú hích mạnh mẽ cho khu vực phía Nam, vốn trước đó thiếu điện nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất. Đó là chủ trương xây dựng đường Hồ Chí Minh, quyết định thành lập Đại học Quốc gia với chủ trương xã hội hóa giáo dục, đánh dấu sự đổi mới sâu sắc trong giáo dục đại học Việt Nam… Bên cạnh đó còn là Thủy điện Trị An; đường Bắc Thăng Long - Nội Bài; Nhà máy lọc dầu Dung Quất và phát triển ngành dầu khí, viễn thông, hàng không, xây dựng các Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Công viên phần mềm Quang Trung; Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam...
 

Năm 2005, ở tuổi 83, trong một lần trả lời phỏng vấn của báo chí, ông Sáu Dân nói: “Bài học lớn nhất, thấm thía nhất của cả cuộc đời cách mạng của tôi là bài học phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thực hiện tự do, dân chủ. Bài học đó khắc sâu vào tâm khảm, trong mọi thời kỳ, mọi lĩnh vực, mọi sự kiện, cả những thành công cũng như mọi va vấp trong suốt những năm qua.

Nó là con đường hàn gắn vết thương dân tộc, thu phục nhân tâm về một mối cho sự nghiệp chấn hưng đất nước, là nguồn sức mạnh sáng tạo bất tận của dân tộc ta cho sự nghiệp xây dựng đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trong thời đại ngày nay, quá trình toàn cầu hóa hội nhập kinh tế càng phát triển thì mỗi quốc gia càng phải phát triển sức mạnh dân tộc để tự khẳng định mình. Đoàn kết dân tộc, tạo sự gắn bó trong xã hội, thực hiện dân chủ, tự do còn là một xu thế tiến bộ, trở thành một sức mạnh lớn của thời đại”.


Tất cả nói lên tâm huyết và những nỗ lực phi thường của đồng chí Võ Văn Kiệt trong tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, để lại “dấu ấn Võ Văn Kiệt” góp phần xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, đồng thời thể hiện tầm nhìn, trí tuệ của một nhà lãnh đạo xuất sắc.

Một trí thức trong “Nhóm Thứ Sáu”, ông Phan Chánh Dưỡng nhớ lại rằng, nhìn gương mặt rạng rỡ với tiếng cười hào sảng của ông Sáu, mấy ai có thể từ chối chia sẻ những ưu tư thời cuộc? Ông Phan Chánh Dưỡng giải thích: Anh em chúng tôi mến mộ, kính phục ông không hoàn toàn do thành tích cách mạng ông đạt được trong quá khứ hay trong công cuộc đổi mới xây dựng nền kinh tế, mà điều nổi bật nhất là ý chí kiên cường không ngơi nghỉ để tìm kiếm một hướng phát triển vươn lên cho đất nước trong mọi tình huống. Đã 14 năm sau ngày ông Sáu Dân ra đi, đến hôm nay, khi nhớ về vị lãnh đạo đáng kính, GS Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Nhật Bản) vẫn cảm động khi nhóm trí thức đã viếng tang ông Sáu với vòng hoa ghi dòng chữ: “Kính viếng ông Sáu Dân, người lãnh đạo mà trí thức thương và kính”.

Một người dân ở Nha Trang kể lại câu chuyện năm 1981 đi tàu lửa từ Nha Trang vào TPHCM ăn tết với gia đình con trai. Xuống ga lúc 3 giờ 30, ông bị kẻ gian rạch túi xách. Được biết do sau giải phóng thiết quân luật, hạn chế người vào nội thành trong đêm nên không cho trả khách ở ga Hòa Hưng nữa, ông viết thư cho ông Sáu Dân nêu ý kiến, và một tuần sau tàu hỏa bắt đầu đưa đón khách ở ga Hòa Hưng. Sau này gặp lại, ông Sáu cứ cảm ơn mãi, vì “không nhờ mọi người góp ý làm sao mình biết hết mọi chuyện bất hợp lý mà khắc phục, giải quyết”.

Tinh thần vì dân, trọng dân, trái tim nhiệt huyết vững vàng của người lính từng vào sinh ra tử đã tạo nên dấu ấn Võ Văn Kiệt - vị lãnh đạo của đổi mới và đột phá.
 

Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt mở cửa trở lại

Sau thời gian tạm thời đóng cửa tiến hành mở rộng xây mới nhà thắp hương cũng như trùng tu, bảo dưỡng các hạng mục di tích và tổ chức sưu tầm, trưng bày hình ảnh, hiện vật liên quan đến thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, đến nay các hạng mục của công trình Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã hoàn thành theo kế hoạch đã đề ra.

Ban Tổ chức các ngày lễ lớn tỉnh Vĩnh Long trân trọng thông báo và kính mời đồng bào, đồng chí, cùng các bạn đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh đến dâng hoa, dâng hương, tham quan khu lưu niệm, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Thời gian chính thức mở cửa trở lại phục vụ từ ngày 19 đến 21-11. Riêng ngày 22-11, di tích tạm thời đóng cửa để phục vụ các hoạt động kỷ niệm theo nghi thức cấp Nhà nước và chương trình văn nghệ đặc biệt kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt. Sau đó, từ ngày 23-11, khu lưu niệm tiếp tục mở cửa đón khách, kể cả ngày thứ bảy, chủ nhật.

- Ngày 15-11, ông Trần Văn Thành, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, cho biết, đơn vị đang tăng cường kiểm tra, hoàn thiện các hạng mục công trình chào mừng kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Chào mừng sự kiện này, từ tháng 10-2022, Phòng Quản lý đô thị đã triển khai kế hoạch phối hợp Công ty CP Công trình Công cộng Vĩnh Long tăng cường công tác vệ sinh, thoát nước đô thị; cắt tỉa cây xanh, tạo hình bồn hoa, làm cỏ… tại các công viên, quảng trường, bờ kè; phối hợp Công ty TNHH MTV Xây dựng và Thương mại Phú Long tăng cường chăm sóc cây xanh, thảm cỏ ven các tuyến đường, vòng xoay, dải phân cách; trang trí cờ ở tất cả công viên và cổng chào điện tử…, góp phần tăng mỹ quan, đảm bảo trật tự đô thị và tạo không khí vui tươi phục vụ các hoạt động kỷ niệm.


Theo sggp.org.vn




 

.
.
.