.
Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không (12-1972 - 12-2022):

Bài học sâu sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Cập nhật: 09:51, 08/12/2022 (GMT+7)

Nếu như năm 1954, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã buộc Pháp phải ký Hiệp định Genève chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, thì chiến thắng Điện Biên Phủ trên không năm 1972 trên bầu trời Hà Nội đã buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris. Tròn nửa thế kỷ đã qua đi, nhưng chiến công chói lọi đó vẫn nhắc chúng ta về những bài học kinh nghiệm sâu sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ý chí quật cường thắng bạo tàn, tráo trở

Sau cuộc tiến công Mậu Thân 1968 của ta, Mỹ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán Paris. Với bản chất hiếu chiến, với sức mạnh quân sự vượt trội, Mỹ vẫn muốn áp đặt Việt Nam theo ý đồ của Mỹ trên bàn hội nghị. Trong đấu tranh ngoại giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn. Thực tiễn đã chứng minh đúng như vậy.

Chỉ đến khi trên chiến trường miền Nam, chúng ta chủ động mở cuộc tiến công chiến lược trên ba hướng chiến trường trọng điểm và giành thắng lợi: Bắc Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Trị - Thiên; đặc biệt, khi ta cơ bản giải phóng được tỉnh Quảng Trị, đầu tháng 10-1972 Mỹ mới chấp nhận thông qua bản dự thảo hiệp định “Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” do ta soạn thảo.

Song đằng sau sự chấp nhận đó còn là một thủ đoạn ngoại giao lừa bịp dư luận trong nước Mỹ, tạo điều kiện cho Nixon giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11-1972. Trên thực tế, Mỹ đã bí mật chuẩn bị kế hoạch tập kích chiến lược bằng đường không vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc nước ta. Ngay sau khi trúng cử tổng thống, Nixon lật lọng, đòi sửa đổi cơ bản dự thảo hiệp định đã thống nhất trước đó, theo hướng có lợi cho Mỹ. Thực chất, đó chỉ là cái cớ để Mỹ dừng đàm phán, chuẩn bị một đòn quân sự quyết định nhanh chóng buộc Việt Nam phải chấp nhận đòi hỏi của Mỹ.

a
Các phi công Đại đội 4 anh hùng thuộc Đoàn Không quân Yên Thế trước giờ xuất kích. Ảnh: T.L

Thực hiện ý đồ thâm độc và tàn bạo đó, trong 12 ngày đêm (từ 18 đến 29-12-1972), Mỹ đã huy động lực lượng không quân chiến lược với khoảng 200 máy bay B52, 50 máy bay F-111 và toàn bộ máy bay tiêm kích ở Đông Nam Á (hơn 1.000 chiếc), 6 liên đội tàu sân bay, 50 máy bay tiếp dầu trên không, mở cuộc tập kích quy mô lớn xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương. Mỹ tưởng rằng với quy mô chưa từng có, kế hoạch bất ngờ đó sẽ đè bẹp sức phản kháng của quân và dân ta.

Nhưng chúng đã nhầm, quân và dân ta đã chiến thắng oanh liệt, bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 chiếc B52, riêng Hà Nội bắn rơi 25 máy bay B52. Lần đầu tiên, “siêu pháo đài bay B52” - một trong bộ ba vũ khí chiến lược của Mỹ (máy bay ném bom chiến lược B52, tên lửa chiến lược, tàu ngầm hạt nhân chiến lược) đã bị quật ngã, bốc cháy hàng loạt.

Những bài học còn nguyên giá trị

Để đi tới thắng lợi này, bước vào cuộc chống Mỹ cứu nước, ta đã sớm tổ chức Quân chủng Phòng không - Không quân. Ngay từ khi mới thành lập, Bác Hồ đã sớm chỉ đạo cho quân chủng về việc cần tìm hiểu và chuẩn bị cho việc đánh máy bay B52. Bác còn dự báo mang tính khẳng định rằng, Mỹ nhất định sẽ thua, nhưng chúng chỉ chịu thua sau khi đã thua trên bầu trời Hà Nội.

Nhờ dự báo chiến lược và chỉ đạo đúng đắn của Bác Hồ, của Đảng, với lực lượng phòng không - không quân đã được chuẩn bị sẵn sàng, quân và dân ta đã ở tư thế chủ động, làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại, sáng tạo cách đánh B52, tạo nên một lưới lửa phòng không Hà Nội dày đặc, nhiều tầng, nhiều lớp như một tử địa đối với không quân Mỹ.

Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không là chiến thắng của một dân tộc anh hùng, quyết chiến đấu với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đó cũng là chiến thắng của một cuộc chiến tranh chính nghĩa được sự giúp đỡ có hiệu quả của bạn bè quốc tế, được sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ toàn thế giới, kể cả nhân dân Mỹ.

Ngày nay, chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không vẫn còn đó như một bài học thực tiễn có ý nghĩa lý luận sâu sắc. Chúng ta đang chứng kiến những thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường của tình hình chính trị thế giới và khu vực; những thay đổi và phát triển của khoa học và công nghệ, nhất là trong lĩnh vực quân sự.

Sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Vị thế của đất nước chưa bao giờ có được như hôm nay, song cũng còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Bảo vệ Tổ quốc đang và sẽ đặt ra với tất cả các mặt trận, trong đó chắc chắn phải tính đến là mặt trận phòng không.

Những bài học về dự báo chiến lược, hiểu và nắm chắc địch, tổ chức, xây dựng lực lượng, về trang bị vũ khí, về xây dựng và phát huy thế trận chiến tranh nhân dân và đặc biệt là chuẩn bị nhân tố con người trong chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không vẫn còn nguyên giá trị trong tình hình mới.

Âm hưởng của Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không vẫn là bản hùng ca bất tận, cổ vũ nhân dân ta làm nên những kỳ tích mới, những “Điện Biên Phủ mới” trên mặt trận kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, thực hiện kỳ vọng của Bác Hồ: Đến ngày thắng lợi ta sẽ xây dựng lại đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!

Thất bại thảm hại trong trận tập kích chiến lược, Mỹ buộc phải ngồi lại bàn đàm phán, buộc phải ký kết Hiệp định Paris, chấp nhận rút quân Mỹ và đồng minh ra khỏi miền Nam, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới của Mỹ ở Việt Nam. Cùng với thắng lợi trên chiến trường miền Nam, với chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, quân và dân ta đã làm nên một kỳ tích: “Đánh cho Mỹ cút”, làm nên thắng lợi quyết định để rồi “Đánh cho ngụy nhào” mùa Xuân 1975, hoàn thành sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Chiến thắng đã gây nên một cơn địa chấn ngay trên chính trường nước Mỹ. Phong trào phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam bùng lên dữ dội.

Theo sggp.org.vn
 

 


 

 

.
.
.