Bản hùng ca Hà Nội mùa Đông năm 1946
Cách mạng Tháng Tám vừa thành công, đất nước ta phải đứng trước những khó khăn, thách thức: Thù trong, giặc ngoài; giặc đói, giặc dốt; đất nước bị đế quốc bao vây… Sự mất còn của cách mạng, của nền độc lập, thống nhất đất nước rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”… Trước tình hình đó, ngày 18 và 19-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng tổ chức cuộc họp mở rộng khẩn cấp tại làng Vạn Phúc (nay là phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP. Hà Nội), dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội nghị quyết định phát động cuộc kháng chiến chống quân Pháp xâm lược trên phạm vi cả nước.
Ngay đêm 19-12-1946, trên căn gác nhà ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Ngày 20-12-1946, tại Hang Trầm (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội), Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
MỐC SON LỊCH SỬ GHI DẤU Ở THỦ ĐÔ
Do vị trí đặc biệt, nên Thủ đô Hà Nội được quân Pháp coi là mục tiêu chiến lược, “chặng cuối cùng của sự nghiệp giải phóng”. Vì vậy, chúng đã tập trung lực lượng lớn nhất tại đây và dùng nhiều thủ đoạn hòng nhanh chóng đánh úp, lật đổ chính quyền cách mạng Việt Nam còn non trẻ.
Chiến sĩ Trần Thành, đoàn viên thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu, ôm bom ba càng, sẵn sàng tiêu diệt xe tăng địch trên đường phố Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Nhận định tình hình: “Nhất định không sớm thì muộn Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải đánh Pháp” và như Bác Hồ đã nói: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!”.
Với sự kiện ngày 19-12-1946, ngày mở đầu cho cuộc kháng chiến 30 năm chống thực dân, đế quốc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận định: “Nổ súng phát động toàn quốc kháng chiến ngày 19-12 giữa Thủ đô là một trường hợp hiếm thấy trong lịch sử, thể hiện một nghệ thuật khởi đầu cuộc chiến tranh cách mạng đúng đắn, quả cảm và sáng tạo.
Hỡi đồng bào! (Trích Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh) |
Quyết định này bám sát tình hình thực tiễn, nắm vững thời cơ, chọn đúng mặt trận chính, tính toán thời điểm nổ súng chính xác, biến bị động thành chủ động, tạo nên thế trận mới cho mặt trận Hà Nội có điều kiện giam chân quân địch 2 tháng, để cả nước chuyển vào kháng chiến trường kỳ”.
Nhằm giành quyền chủ động, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, theo mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, 20 giờ 3 phút ngày 19-12-1946, đèn điện toàn thành phố phụt tắt - đó là tín hiệu tiến công - pháo của ta ở các pháo đài Láng, Xuân Canh, Xuân Tảo bắn vào thành Hà Nội, mở đầu cuộc chiến 60 ngày đêm khói, lửa.
Hà Nội vùng đứng lên, bừng bừng khí thế tiến công, trút căm hờn lên đầu giặc Pháp. Sát cánh cùng vệ quốc đoàn, tự vệ bên chiến lũy là công nhân, dân nghèo thành thị, thanh niên, học sinh, văn nghệ sĩ và những người yêu nước thuộc đủ các tầng lớp, lứa tuổi. Với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, cả Hà Nội hình thành thế trận, mỗi nhà là một pháo đài, mỗi phố là một chiến tuyến, giành giật với địch từng ngôi nhà, từng góc phố.
Trong những ngày ác liệt đó, đồng bào và chiến sĩ Thủ đô đã sáng tạo nhiều cách đánh độc đáo, đạt hiệu quả cao. Nhân dân đem tủ, cửa, bàn, ghế, bao cát… ra đường làm vật cản. Công nhân hỏa xa, xe điện đẩy các toa tàu chặn các ngã tư, ngã năm. Chiến lũy mọc lên khắp đường phố, những nơi quân địch có thể đánh ra. Quân và dân ta đã đục tường thông từ nhà này sang nhà khác tạo thành hào giao thông đặc biệt, tạo điều kiện vận động, lập những ổ phục kích, những tổ bắn tỉa ở bất kỳ nơi nào trên đường tiến công địch, nhiều trận đánh quyết liệt diễn ra ở khắp thành phố, 5 cửa ô không lúc nào im tiếng súng.
Trải qua 60 ngày đêm chiến đấu, quân và dân Hà Nội đã đánh gần 200 trận, tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực địch, giam chân chúng trong thành phố vượt thời gian dự kiến, góp phần bảo vệ các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ, Mặt trận di chuyển về căn cứ an toàn. Đúng như lời khen của Bác Hồ: “Giam chân địch ở Hà Nội được một tháng là thắng lợi, nay giữ được Hà Nội 2 tháng là đại thắng lợi”. Qua đó, tạo ra khoảng thời gian chiến lược để cả nước tiếp tục chuyển vào thời chiến, xây dựng thế trận chiến tranh, niềm tin cho nhân dân chung sức, đồng lòng đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi.
NHÂN DÂN TỈNH MỸ THO VÀ GÒ CÔNG TRONG NHỮNG NGÀY ĐẦU TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN
Cùng với Hà Nội, quân dân các địa phương khắp Bắc, Trung, Nam anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Cả dân tộc chung sức đồng lòng đánh giặc cứu nước với ý chí sục sôi, niềm tin tất thắng.
Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho và Gò Công đề ra chủ trương phát triển lực lượng kháng chiến như: Về chính trị: Củng cố cơ sở Đảng, kiện toàn cấp ủy từ huyện đến xã, củng cố hệ thống tổ chức chính quyền từ tỉnh xuống xã.
Chiến thắng Giồng Dứa (huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho) vào ngày 25-4-1947. |
Đối với các đoàn thể cứu quốc, chú trọng phát triển về chất lượng, trên cơ sở đó phát triển đảng viên mới; mở các đợt học tập, giáo dục tín đồ tôn giáo và có chính sách đối với tôn giáo. Mở lớp đào tạo cán bộ mặt trận để xây dựng phong trào. Chỉ đạo cán bộ bám sát cơ sở, xây dựng cơ sở quần chúng, thực hiện chính sách khen thưởng và kịp thời phát động phong trào kháng chiến chống quân Pháp.
Về kinh tế: Thực hiện bao vây kinh tế địch, ban hành chủ trương tẩy chay kinh tế địch, bảo vệ kinh tế vùng kháng chiến. Thực hiện cấp ruộng cho người không đất, thực hiện chủ trương “Trang trải ruộng đất” cho nông dân. Thành lập Ban Kinh tế tài chính, thu thuế nông nghiệp, xây dựng tài chính cung ứng cho kháng chiến.
Về quân sự: Phân vùng chiến lược để có kế hoạch phát triển lực lượng thích hợp. Phát triển Lực lượng vũ trang, nhất là xây dựng đội vũ trang tuyên truyền và du kích liên xã để đẩy mạnh chiến tranh du kích. Thành lập huyện đội, thị đội và bộ đội địa phương huyện. Đẩy mạnh công tác trừ gian, diệt tề, thanh trừ bọn cướp bóc, tổ chức các đội canh gác. Bảo vệ khu căn cứ cách mạng…
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Mỹ Tho và Tỉnh ủy Gò Công, quân và dân 2 tỉnh đã liên tiếp giành nhiều chiến công vang dội, góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường Nam bộ như: Chiến thắng Cổ Cò (Cái Bè) diễn ra vào lúc 10 giờ 30 phút sáng ngày 22-1-1947, chặn đánh đoàn xe công voa 14 chiếc (trong đó có 8 chiếc xe bọc thép) trên lộ 4. Ta đã tiêu diệt 170 tên, bắt sống 16 tên, thu hơn 100 súng, đốt cháy toàn bộ 14 xe.
Tiếp theo là Chiến thắng Giồng Dứa (Châu Thành) vào ngày 25-4-1947, chặn đánh đoàn xe công voa của địch gồm 39 chiếc, trong đó có 12 xe quân sự do tên Đại tá Trocard chỉ huy. Chỉ trong vòng 30 phút chiến đấu, ta đã tiêu diệt 43 tên (trong đó có tên đại tá chỉ huy), bắt sống 7 tên, phá hủy 16 xe, thu nhiều quân trang, quân dụng và vũ khí.
Ngày 7-8-1947, ta lại dùng mưu tập kích đồn Long Định giữa ban ngày, đây là trận đánh đồn cấp đại đội địch đầu tiên của ta. Sau 20 phút chiến đấu, ta đã làm chủ trận địa, bắt sống toàn bộ 1 đại đội địch trong đồn, trong đó có 2 tên sĩ quan Pháp; thu nhiều súng, lựu đạn và hàng tấn quân trang, quân dụng.
Tại Gò Công, giữa tháng 1-1947, Trung đội Quốc vệ đội đã phục kích tiêu diệt gọn 1 trung đội địch tại Tân Thành, diệt 37 tên, thu toàn bộ vũ khí. Ngày 10-3-1947, tại Long Thạnh, trung đội 9 chặn đánh 1 tiểu đoàn lính Âu Phi và lính ngụy có xe bọc thép và pháo binh yểm trợ. Trận đánh diễn ra trong một ngày, ta đã tiêu diệt và làm bị thương gần 100 tên địch, thu nhiều vũ khí. Chiến thắng Long Thạnh đã làm cho quân Pháp hoang mang, lo sợ; làm nức lòng quân và dân ta.
HỮU TƯỜNG