Nhà giáo - Nhà quân sự Phan Lương Trực và người học trò Thiếu tướng Đỗ Hữu Công
1. NHÀ GIÁO - NHÀ QUÂN SỰ PHAN LƯƠNG TRỰC
Nhà giáo - Nhà quân sự Phan Lương Trực sinh năm 1916 tại làng Trường Thành, huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ (nay là xã Trường Thành, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ) trong một gia đình nông dân yêu nước. Thuở nhỏ, ông học tại Collège de Cantho (nay là Trường THPT Châu Văn Liêm, TP. Cần Thơ) và Lycée Pétrus Ký (nay là Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TP. Hồ Chí Minh). Sau đó, ông thi đậu vào Trường Sư phạm Sài Gòn. Năm 1940, sau khi tốt nghiệp, ông dạy học ở Rạch Giá. Năm 1943, ông chuyển về dạy học tại xã Quới Sơn, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre).
Đầu năm 1945, ông Trực tham gia Hội Khuyến học tỉnh Mỹ Tho. Đây là một tổ chức do Đảng lập ra, hoạt động công khai, nhằm tập hợp đội ngũ trí thức yêu nước; nâng cao trình dộ dân trí cho quần chúng, nhất là thanh niên; giáo dục, tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết đấu tranh chống thực dân Pháp và phát xít Nhật, giành độc lập, tự do cho đất nước.
Ngày 19-5-1945, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Mỹ Tho, ông Trực mở Trường Võ bị Mỹ Tho đặt tại đình An Vĩnh, xã Long An, huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang). Trường có khoảng 100 học viên, quy tụ cán bộ của Đảng và thanh niên yêu nước trong các giới để huấn luyện chính trị, quân sự, phương pháp tập hợp quần chúng,… nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ cho cơ sở, chuẩn bị giành chính quyền khi thời cơ đến.
Ngày 17-8-1945, ông Trực tham dự hội nghị Tỉnh ủy Mỹ Tho. Hội nghị quyết định phát lệnh khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Mỹ Tho và thành lập Ban Vận động Việt Minh, gồm có 5 thành viên, trong đó có ông. Khoảng 4 giờ sáng ngày 18-8-1945, ông chỉ huy học viên của Trường Võ bị Mỹ Tho, được biên chế thành 3 trung đội, tiến vào nội ô thị xã Mỹ Tho, phối hợp với lực lượng bên trong, lực lượng nội ứng của binh sĩ và sự hỗ trợ của quần chúng cách mạng, nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu quan trọng trong thị xã lúc 7 giờ sáng, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Mỹ Tho.
Cuối tháng 9-1945, ông Trực được cấp trên tín nhiệm phân công làm Chính trị viên Lực lượng Bộ đội Thủ Khoa Huân của tỉnh Mỹ Tho khi vừa mới thành lập. Tháng 10-1945, ông chỉ huy 2 phân đội vũ trang mang tên Lê Lợi tiến đánh quân Pháp quyết liệt ở cầu Quay, chợ Cũ (Mỹ Tho), Bến Tranh (Chợ Gạo) nhằm ngăn chặn địch đánh phá các địa phương ở phía Tây thị xã Mỹ Tho. Sau khi gây cho quân địch nhiều thiệt hại, được lệnh của Xứ ủy Nam bộ, ông chỉ huy 2 phân đội này di chuyển sang Rạch Miễu (lúc đó thuộc tỉnh Mỹ Tho, nay thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) để cùng với Mặt trận An Hóa (lúc đó An Hóa cũng thuộc tỉnh Mỹ Tho, nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) để đề phòng địch đánh rộng ra tỉnh Bến Tre.
Ngày 18-8-1946, nhằm ngăn cản quân xâm lược Pháp đánh lan ra khắp Nam bộ, ông đã tham gia chỉ huy Bộ đội Thủ Khoa Huân chiến đấu chống địch tại xã Tường Đa, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Tường Đa, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Trận đánh diễn ra rất gay go và ác liệt. Mặc dù quân Pháp có ưu thế về quân số và vũ khí; nhưng với lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần chiến đấu kiên cường, bộ đội ta đã dũng cảm đánh trả địch rất quyết liệt, gây cho bọn chúng nhiều tổn thất nặng nề.
Trong lúc kịch chiến với quân địch, ông đã anh dũng đền nợ nước khi mới vừa tròn 30 tuổi. Để ghi nhận và tưởng nhớ công lao của ông đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, Nhà nước đã truy tặng ông Huân chương Chiến công hạng Nhì. Tên ông được đặt tên trường tiểu học tại xã Hậu Mỹ, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho trong kháng chiến chống thực dân Pháp và tên trường tiểu học hiện nay ở xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè, và tên đường ở TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
2. NGƯỜI HỌC TRÒ: THIẾU TƯỚNG ĐỖ HỮU CÔNG
Ông Đỗ Hữu Công, bí danh Phan Lương Trực, sinh năm 1929 tại làng Bình Đức, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), trong một gia đình tư sản dân tộc có truyền thống yêu nước và cách mạng. Người cha và 8 anh chị em của ông đều tham gia kháng chiến và tất cả đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thiếu tướng Đỗ Hữu Công. |
Năm 1941, sau khi học hết lớp Nhì trường làng, ông lên Sài Gòn học nghề sửa chữa xe ô tô và trở thành thợ giỏi. Cuối năm 1944, ông trở về quê nhà tham gia hoạt động trong tổ chức thanh niên. Thấy ông chỉ mới 15 tuổi, nên gia đình cho ông lên Cái Bè tiếp tục đi học.
Ở Cái Bè, ông được thầy giáo Phan Lương Trực trực tiếp dạy học. Từ cuối năm 1944 đến cuối năm 1945, ông được theo thầy hoạt động cách mạng, đi diễn thuyết khắp nơi trong tỉnh. Từ đó, ông tiếp thu những kiến thức cơ bản về chính trị, quân sự và chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tấm gương yêu nước, ý chí đấu tranh bất khuất, kiên cường của người thầy giáo thân yêu của mình.
Tháng 5-1946, ông vào bộ đội, khởi đầu binh nghiệp ở tuổi 17 với chiến công đầu tiên là trận diệt đồn Kinh Xáng. Tháng 8-1946, thầy giáo Phan Lương Trực anh dũng hy sinh tại xã Tường Đa, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Tường Đa, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Tháng 8-1947, kỷ niệm 1 năm ngày Nhà giáo - Nhà quân sự Phan Lương Trực anh dũng hy sinh vì nước, ông Công xin phép các đồng chí cấp trên cho lấy tên người thầy kính yêu làm bí danh. Từ đây cái tên Phan Lương Trực gắn bó suốt cuộc đời binh nghiệp của ông.
Ngày 15-8-1948, ông Công vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Từ tháng 8-1948 đến tháng 7-1954, ông lần lượt giữ các chức vụ: Tiểu đội trưởng, Chính trị viên trung đội, Chính trị viên đại đội, Phó Bí thư Chi bộ kiêm Đại đội trưởng Đại đội 2053 của Tiểu đoàn 410 chủ lực Nam bộ, Phó Trưởng ban Tác huấn của Tiểu đoàn 404, Quân khu 8.
Sau Hiệp định Genève (7-1954), ông Công tập kết ra miền Bắc. Năm 1958, ông là học viên khóa 11 Trường Lục quân với quân hàm Thượng úy. Từ năm 1961 - 1964, ông là học viên khóa I của Học viện Quân chánh. Sau khi ra trường, ông được thăng quân hàm Đại úy, công tác tại Sư đoàn 338.
Tháng 3-1965, ông Công trở về miền Nam chiến đấu, làm cán bộ nghiên cứu Phòng tác chiến, Bộ Tham mưu Miền. Từ năm 1970 đến ngày 30-4-1975, ông làm Trưởng ban Tác chiến, Quân khu 8 với quân hàm Thiếu tá, góp phần tạo nên những chiến công vang dội của lực lượng vũ trang Quân khu 8.
Từ năm 1975 - 1978, ông Công là Trung tá, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp. Trong cương vị này, ông cùng với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thực hiện tốt các nhiệm vụ: Chỉ huy lực lượng vũ trang phối hợp dân quân du kích đánh bọn Pôn - Pốt (Khmer đỏ) xâm lấn biên giới nước ta, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ; cưu mang, đùm bọc, đào tạo số cán bộ Campuchia chạy sang Việt Nam lánh nạn diệt chủng để khi có điều kiện đưa họ trở về nước công tác; chủ động đào tạo sĩ quan trẻ cả về văn hóa lẫn quân sự để thay thế số cán bộ lớn tuổi nghỉ hưu hoặc chuyển ngành; thành lập 2 nông trường Đường Thét và Giồng Găng hoạt động có hiệu quả, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội - quốc phòng ở vùng Đồng Tháp Mười…
Năm 1980, ông Công được thăng quân hàm Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 9, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang. Ở cương vị này, đối với Tiền Giang, ông cùng với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyển quân; huấn luyện, xây dựng lực lượng vũ tranh tỉnh nhà không ngừng lớn mạnh về mọi mặt. Trong những năm làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia, ông hết lòng giúp đỡ, luôn gắn bó, tin tưởng và tôn trọng lực lượng cách mạng của nước bạn; giáo dục cán bộ, chiến sĩ thấm nhuần quan điểm của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ…, góp phần giúp đỡ nhân dân Campuchia hồi sinh, xây dựng đất nước.
Năm 1997, ông Công nghỉ hưu. Năm 2012, do tuổi cao sức yếu, ông lâm bệnh từ trần. Nhận xét về ông Công, Đại tá Lê Dũng, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Tiền Giang, viết: “Thiếu tướng Đỗ Hữu Công/Phan Lương Trực là vị tướng toàn năng, với phong cách chỉ huy mẫu mực và có tầm nhìn chiến lược…”.
Với thành tích và công lao cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, ông Công đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhì, hạng Ba và nhiều Huy chương, Kỷ niệm chương, Bằng khen của Trung ương và địa phương.
SONG LAN