.
TIẾN TỚI KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG ẤP BẮC (2-1-1963 - 2-1-2023)

Đại đội trưởng Bảy Đen

Cập nhật: 15:52, 21/12/2022 (GMT+7)

Để hiểu hơn về Đại đội trưởng Bảy Đen, Báo Ấp Bắc xin đăng lại bài viết của tác giả Bạch Vân trên Báo Ấp Bắc số Đặc biệt kỷ niệm 30 năm Ngày Chiến thắng Ấp Bắc (2-1-1963 - 2-1-1993).

Thời gian qua đi, đi mãi mãi. Có những thứ phải mất đi theo thời gian nhưng lịch sử ở lại trong hồn dân tộc.

Trận Ấp Bắc đã diễn ra cách đây 30 năm - thời gian đó đủ cho trẻ sơ sinh trở thành người chững chạc, độ nắng sương của chừng ấy thời gian cũng đủ cho những chàng trai ở tuổi thanh xuân đầy sức lực ngày nào, giờ đây tóc đã điểm bạc.

Ngay từ đầu, Chiến thắng Ấp Bắc đã khẳng định được sức mạnh của nhân dân miền Nam chống Mỹ, sức mạnh được hun đúc bởi lòng yêu nước, căm thù giặc, bằng trái tim, khối óc và tất cả những gì có được trong tay để làm phương tiện chống lại kẻ thù xâm lược.

Và, Ấp Bắc - một vùng quê bé nhỏ với những người dân hiền lành, chất phác, bình dị như củ khoai hạt lúa quê mình - đã trở thành một ấn tượng mạnh đối với tất cả những ai trên trái đất có quan tâm đến cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam.

Ngày nay, khi có đủ điều kiện để đánh giá lại trận Ấp Bắc một cách khoa học thì Ấp Bắc vẫn được giữ nguyên tầm cỡ và khi nói về chiến thắng vang dội ấy, không mấy ai không nói đến một con người: Bảy Đen, người đại đội trưởng chỉ huy xuất sắc.

 

Đó là trận đánh đầu tiên do anh chỉ huy, khi anh trở về miền Nam quê hương tham gia đánh Mỹ sau 8 năm tập kết ở miền Bắc. Ngay trận đầu, anh đã bộc lộ tài năng quân sự của mình. Tiếc thay cuộc đời binh nghiệp của anh quá ngắn ngủi. Anh đã hy sinh đêm ngày 30-8-1963, tức sau trận Ấp Bắc 8 tháng, trong trận đánh đồn Thạnh Nhựt, quận Hòa Đồng (huyện Gò Công Tây ngày nay).

Anh ra đi để lại lòng thương tiếc của đồng đội, nhân dân và để lại cho đời 2 di vật. Đó là tấm ảnh chụp theo kiểu đặc tả và quyển nhật ký. Tấm ảnh do Nhà văn quân đội Võ Trần Nhã chụp trên bờ kinh Nguyễn Văn Tiếp, sau trận Ấp Bắc ít lâu. Lúc đó anh và Nhà văn Nguyễn Thi được Trung ương cục phân công xuống chiến trường Mỹ Tho đã phản ảnh Chiến thắng Ấp Bắc và những trận thắng tiếp theo đó. Bằng động tác hạ máy xuống để nâng cao tầm đối tượng lên giữa khoảng trời cao quá nửa người đứng nghiêng với góc độ khoảng 2/3, tác giả đã lột tả tính cách rất “Bảy Đen” cho nên bất kỳ ai xem anh cũng đều nhận ra nét độc đáo và chất “dũng” của người đại đội trưởng ấy.

Còn quyển nhật ký là một quyển sổ tay nhỏ, giấy carô, dày 100 trang có kích thước vừa với chiếc túi trên ngực áo. Trong nhựt ký bằng nhiều loại bút khác nhau, có khi bằng bút chì, anh đã ghi lại tỉ mỉ đoạn đời của mình từ khi bắt đầu rời miền Bắc xã hội chủ nghĩa trở lại quê hương chiến đấu đến ngày 20-7-1963. Chỉ một đoạn đời ngắn, thông qua nhật ký, anh đã thể hiện đầy đủ phẩm chất của người đảng viên, người cán bộ quân đội. Ở đấy, toát lên tất cả là tình yêu: Đó là tình yêu quê hương đất nước, đồng chí, đồng bào, vợ con...

Tình cảm quê hương đối với anh:

“9-2-1962” biết đâu lần đi này chẳng có ngày trở lại. Mình cố thu hút hết tất cả mọi tình cảm quê hương, cách mạng vào tâm khảm. Từ thủ đô cổ kính với những nhà máy mới vươn lên đến ruộng đồng bát ngát. Một thanh sắt cần được vớt lên, một máy khoan chui vào lòng đất, bầy trâu hợp tác ăn cỏ ngoài đồng, từng học sinh cắp sách đến trường. Tất cả sao mà quen thuộc thân thiết đến thế. Một tương lai tươi sáng XHCN được thêu dệt trong trí óc mình. Miền Bắc là một bông hoa đang độ đơm bông kết trái.

Nhớ ngày hòa bình mới lập lại. Chúng ta tiếp thu miền Bắc trên đống tro tàn, đổ nát của chiến tranh, tàn tích của chế độ thực dân để lại nghèo nàn lạc hậu, đói rách, thất nghiệp. Giờ đây những cái đó đã qua rồi, có sống trong cảnh ấy, từ lúc đầu mới thấy thật đầy đủ một sức cố gắng rất lớn, một tiến bộ vượt bậc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

10-2: Rời Vinh, quê hương của lãnh tụ, rộng và đẹp. Thành phố nằm cặp sông và dựa chân đồi, tuy gạch ngói còn ngổn ngang, nhưng đã có những dãy phố kiến trúc đồ sộ, hiện đại nổi lên. Xe lăn bánh trên khúc ruột miền Trung của Tổ quốc, biển xanh rờn bao bọc vùng cát trắng. “Ai đã sang đèo Ngang, đã sang Ba Rìu, ngắm dòng sông Gianh, biết ơn Lũng Thầy”. Có qua đây, bạn hãy leo lên đỉnh đèo Ngang, nhìn ra biển cả, bạn sẽ thấy thiên nhiên dành cho Tổ quốc ta nhiều cảnh đẹp.

Đến đây, mình cảm thấy đèo Ngang đẹp thật, nằm vắt qua đất nước, gió biển thổi lồng lộng vào mát rượi và cũng chính nơi đây, trước đây từng tranh hùng đổ máu, mình liên tưởng đến cửa Tùng, con sông nằm trên giới tuyến tạm thời, nhưng 8 năm rồi, Tổ quốc còn bị chia đôi. Càng nghĩ càng căm giận lũ chó má Mỹ - Diệm”.

Là một người cầm súng, anh biết rung động trước những thay đổi trên quê hương miền Bắc, trước những cảnh đẹp của quê hương đất nước và biết ghi lại những cảm xúc đó trong nhật ký như lao động ghi chép của những người cầm viết.

Anh còn làm thơ nữa:

“Nếu ai hỏi:
 Từ Nam ra Bắc bao nhiêu dặm
 Qua dãy Trường Sơn vượt mấy đèo
Xin trả lời: Từ Nam ra Bắc hơn ngàn dặm
Qua dãy Trường Sơn vượt Vạn đèo”.

Anh còn để lại trong nhật ký 1 bài thơ dài có tựa đề là: Hãy cùng chúng tôi ngăn chặn lũ giết người. Trong bài thơ có những câu:

“Từ miền Nam đau thương
Chúng tôi gửi lời kêu gọi
Đến tất cả lương tri toàn thế giới
Hãy cùng chúng tôi, ngăn chặn lũ giết người”.

Bài thơ này anh sáng tác xong ngày 17-2-1962, sau khi trở về quê hương miền Nam và chứng kiến nhiều tội ác của Mỹ ngụy đối với đồng bào. Lời thơ mộc mạc, ngôn ngữ chân phương nhưng cho thấy sự bức xúc của tác giả phải nói lên cảm xúc của mình.

Còn tình cảm của ảnh đối với đồng bào, đồng chí thì thật là vô bờ:

“7-3 - 13-3 ở QN: Mình đã gặp những hình ảnh không thể nào quên được:

Một chị phụ nữ vừa đẻ được 10 ngày, tự động đi dân công tải đạn không ai cản được, sau đợt dân công tải đạn, con chị chết, cán bộ đến an ủi, chị trả lời: Con tôi đã làm tròn trách nhiệm chống Mỹ Diệm. Có nhiều em bé mới 11 - 12 tuổi đi dân công tự nguyện, thế mà cũng gùi từ 13 đến 15 ký.

Hầu hết đồng bào dân tộc đều không có muối ăn từ 3, 4 năm nay, thế mà muối của cách mạng để trong nhà không suy suyển dù một hột và thà ăn tro chứ không ăn muối của Mỹ Diệm.

Kim Lan, 18 tuổi nữ đoàn viên thanh niên cách mạng: Giặc vây phủ tứ bề, nguy hiểm đến chết chóc đã sát bên, cha cô bảo “chạy đi con” để chông đó ba gài cho. Cô đã nài nỉ với cha: “Ba thương con, cứ để con làm trọn nhiệm vụ một đoàn viên” và khi giặc đã đến sát bên, anh giải phóng quân bắn rạp giặc mở đường cho cô chạy, cô quắc mắt “anh muốn tôi trở thành đứa hèn nhát sao” và cô đã ngã gục trên mảnh đất quê hương trong lúc tuổi đầy nhựa sống yêu đời, mắt mở trừng trừng nhìn thẳng quân thù, tay còn nắm chặt bó chông.

Những sự kiện đó tác động đến anh như thế nào? Anh ghi những trăn trở của mình:

“Còn còn nhiều nữa, không có giấy mực nào ghi hết lòng dân đối với giải phóng quân. Có ông già hơn 70 tuổi bị nhốt trong lồng kẽm gai, thà chết không chịu tố cộng và trong trại tập trung mệnh danh là ấp chiến lược, hình dung sao nổi cảnh sống không ánh sáng mà dân ở đây với cùm kẹp thuế khóa, hãm hiếp, tù lưới mật thám bao trùm lên cuộc sống. Nếu bạn là giải phóng quân, là cán bộ mặt trận thì nhân dân không tiếc với bạn một cái gì cả. Cào nhà ư? bị giết ư? Người ta biết rõ thiệt hại hơn bạn, nhưng mặc, không có cái gì uy hiếp được họ đâu. Những giọt nước mắt trìu mến vì họ là giải phóng quân tuôn trào như không bao giờ cạn và dân mong chờ các bạn cùng góp sức phá tan trại tập trung giết người ấy.

Một số hình ảnh đó đã có thể thay tôi trả lời: Cái gì đã thúc giục tôi chiến đấu, phải san bằng bất công, phải vùng dậy một cuộc sống mới dù có phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng”.

Đối với đồng đội, anh là người ít nói nhưng chân tình, kín đáo mà sâu sắc và cũng được anh em quý mến. Trong sự kiện Bảy Đen hy sinh, anh Tám Thư, nguyên là Chính trị viên đại đội đã ghi lại trong quyển nhật ký của Bảy Đen sau khi anh hy sinh: Thế là đồng chí chết vào khoảng 7 giờ đêm 30-8-1963. Trước khi tắt hơi, đồng chí còn nói câu cuối cùng chúc đồng chí Bí thư, chúc Đảng ủy khỏe mạnh, gửi lời thăm Bác Hồ. Thế là đến đây đồng chí Bảy đã làm tròn nhiệm vụ. Đồng chí hy sinh mọi người đều thương tiếc, cả đại đội đều đau buồn, mắt mọi người đều nhìn thẳng vào đồn bót giặc, răng nghiến chặt, tay siết cò súng thét to lên: Bọn chúng bây phải đền nợ máu”.

Trong nhật ký không nhắc nhiều đến gia đình, vợ con nhưng qua vài đoạn ghi chép ta cũng thấy tình cảm gia đình đối với anh thật sâu sắc, đặc biệt là đối với các con.

“1-3. Các con Hồng, Ảnh thân yêu.

Đã hơn 1 năm rồi xa các con, Ba nhớ lắm, ở ngoài mặt thì nói cười khuây khỏa để vui chiến đấu, chớ nhiều lúc Ba rơi nước mắt. Ba hứa với các con sẽ làm tròn nhiệm vụ một đảng viên, một cán bộ quân đội, Ba không bao giờ để các con phải nhục vì có người cha không xứng đáng. Ba mong rằng các con sau này khôn lớn, nếu Ba có hy sinh rồi, các con cố làm tròn nghĩa vụ của mình đối với đất nước quê hương”.

Đặc biệt về trận Ấp Bắc, Bảy Đen đã ghi chép tỉ mỉ diễn biến trận đánh từ đầu đến cuối. Ngay trong những giờ phút chết sống ấy, anh nghĩ đến con mình:

8 giờ rời trận địa, đi suốt đêm qua cánh đồng sình lầy, 6 giờ sáng về vị trí an toàn. Nguyệt Hồng, Ba đã làm tròn nhiệm vụ đối với con.

Ai đọc đến những dòng nầy mà không thấy sững sờ. Quả thật, tình yêu thương con ở anh cũng rất là “lính”. Nó ngự trị và cháy bỏng trong anh, trong lửa đạn chiến trường.

Đại úy Đặng Minh Nhuận (Bảy Đen) và vợ cùng các con trước ngày vượt Trường Sơn.
Đại úy Đặng Minh Nhuận (Bảy Đen) và vợ cùng các con trước ngày vượt Trường Sơn.

Bao nhiêu dòng được trích trong nhật ký trên đây cũng đủ thấy anh Bảy Đen cầm súng với đầy đủ ý thức về tình yêu và lòng căm thù. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ vừa qua, có biết bao “anh Bảy Đen” đã rời mái ấm gia đình, hy sinh tình cảm riêng tư, một mất một còn với kẻ thù cũng với ý thức và lòng tự nguyện như vậy. Thực dân Pháp, đế quốc Mỹ bị thất bại, đó là điều đương nhiên cho dù chúng hơn ta gấp trăm lần về phương tiện chiến tranh.

Ngay trong Chiến thắng Ấp Bắc lừng lẫy, cũng có sự gặp gỡ kỳ diệu của anh Hai Hoàng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 261, anh Bảy Đen, Đại đội trưởng Đại đội 1 và Anh hùng Nguyễn Văn Đừng, Tiểu đội trưởng Tiểu đội Gang thép và những chiến sĩ dũng cảm, có những người mới tòng quân, lần đầu ra trận.

***

Ba mươi năm trôi qua, hài cốt của anh Bảy Đen đã bị thất lạc bởi đơn vị của anh gần như không còn ai ngoài anh Tám Thư, nhưng anh Tám Thư không trực tiếp chôn cất. Sau khi bị thương nặng, anh được đưa đi quân y và tắt thở trên đường đi. Anh mất đi mang theo cả bí mật về quê quán, gia đình, vợ con anh.

Vậy mà hiện nay trong nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Tiền Giang, anh đứng tên làm chủ nhân 2 phần mộ: Một là Đặng Minh Nhuận, tức Đoàn Triết Minh, còn mộ kia tên Nguyễn Bảy, tức Bảy Đen... Tất cả tên ấy đều đúng là tên của anh ở từng giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Đặng Minh Nhuận là tên cúng cơm, còn Nguyễn Bảy là tên mẹ anh.

Anh mang tên ấy khi bắt đầu trở về miền Nam. Đồng đội thấy anh đen nên gọi là Bảy Đen. Thực tế về 2 ngôi mộ làm đau đầu những người có trách nhiệm, nhất là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, ngành Thương binh xã hội và gia đình anh.

Chẳng là vào tháng 5-1992, bà con ấp Hòa Mỹ, xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo đã phát hiện bộ hài cốt trong khi đào ao. Bà con báo với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Sau khi điều tra, xem xét, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khẳng định đây là hài cốt của anh Bảy Đen và liền đem vào Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Sự kiện này được đưa lên Báo Ấp Bắc, Thông tấn xã Việt Nam.

Sau đó, Minh Trí, tác giả bản tin nhận được bức thư, người gửi là Đặng Thị Nguyệt Hồng ngụ ở 18Q - Lý Văn Phức, TP. Hồ Chí Minh. Thư cho biết là gia đình đã đem hài cốt Bảy Đen vào Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Tiền Giang năm 1987. 

Về 2 ngôi mộ của đồng chí Bảy Đen tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Tiền Giang, cô Nguyệt Mai, con gái của đồng chí Bảy Đen cho biết: “Hằng năm, gia đình vẫn thường xuyên xuống thăm, thắp nhang cho 2 ngôi mộ. Gần 60 năm đã trôi qua, gia đình vẫn chưa biết chính xác đâu là ngôi mộ thật của cha tôi, tuy nhiên gia đình chúng tôi cũng yên tâm và ấm lòng vì việc tìm kiếm hài cốt của cha chúng tôi đều xuất phát từ những tấm lòng của chính quyền và nhân dân nơi cha tôi đã ngã xuống”.

Lần theo địa chỉ trong bức thư, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang đã cử người tìm gia đình đồng chí Bảy Đen. Đến đây thì “bức màn bí mật” về thân thế gia đình Bảy Đen mới được vén ra. Người đại đội trưởng chỉ huy trận đánh vang dội ấy có tên thật là Đặng Minh Nhuận, sinh năm 1932 trong một gia đình giàu có ở huyện Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long.

Anh tham gia chống Pháp năm 1948 (năm 16 tuổi) vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1949. Năm 1954 tập kết ra Bắc, được học Trường Lục quân Việt Nam. Sau đó đi công tác ở biên giới phía Bắc. Đầu năm 1962 về Nam. Anh có vợ là chị Lưu Thị Minh Nguyệt và 3 người con gái là Nguyệt Hồng, Nguyệt Ánh, Nguyệt Mai. Chị Nguyệt cũng là cán bộ tập kết.

Chị và anh Bảy Đen kết hôn ngoài Bắc. 3 người con gái được học hành đến nơi đến chốn đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh và đã có gia đình. Chị Nguyệt hiện nay đã nghỉ hưu đang khai hoang 6 ha đất ở huyện Lộc Ninh (tỉnh Sông Bé).

Lúc còn ở ngoài Bắc, chị Nguyệt được anh hùng quân đội Nguyễn Minh Tua kể cho nghe về những ngày anh Bảy Đen chiến đấu ở miền Nam và nơi hy sinh.

Năm 1987, sau khi về hưu, chị Nguyệt lần xuống huyện Gò Công Tây tìm mộ chồng. Chị được Huyện ủy, UBND và Phòng Thương binh xã hội huyện tận tình giúp đỡ. Cuối cùng chị được hướng dẫn đến cù lao Lợi Quan để bốc hài cốt mà có người khẳng định là của Bảy Đen.

Từ đó đến nay, gia đình rất yên tâm. Hằng năm, cả gia đình đều vài ba lần từ TP. Hồ Chí Minh về Tiền Giang thăm mộ. Trước sự kiện tìm thêm 1 ngôi mộ ở xã Bình Ninh, chị Nguyệt rất băn khoăn, nhưng sau đó chị lại vui hơn vì dù sao thì việc tìm kiếm ra 2 ngôi mộ đều xuất phát từ những tấm lòng.

***

Thời gian qua đi, có những thứ phải mất đi theo thời gian nhưng anh Bảy Đen cùng với Chiến thắng Ấp Bắc sống mãi.

BẠCH VÂN (12-1992)
 

.
.
.