.

Từ bài học kinh nghiệm "trụ lại, chống càn" đến phát huy sức mạnh ba mũi giáp công

Cập nhật: 11:37, 29/12/2022 (GMT+7)

Thắng lợi của ta trên khắp chiến trường miền Nam trong hai năm 1959 - 1960 giáng đòn nặng nề vào chính sách xâm lược thực dân kiểu mới của Mỹ, làm lung lay tận gốc chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm. Để đối phó với phong trào cách mạng của nhân dân miền Nam Việt Nam, đầu năm 1961, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy triển khai thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Chiến thắng Ấp Bắc đã làm thất bại mũi quân sự trong chiến lược chiến tranh mới của địch.

XOAY CHUYỂN TÌNH THẾ

Đầu năm 1962, địch tăng cường thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” trên toàn miền Nam với hai gọng kìm càn quét và lập ấp chiến lược. Tháng 4-1962, địch xây dựng ấp chiến lược thí điểm tại xã Tân Lý Tây (huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho), rồi lan ra các xã ven thị xã, thị trấn, các trục giao thông. Chúng xây dựng căn cứ Châu Phước Liêm (nay là Trường Văn hóa, Bộ Công an) ở ngoại ô thị xã Mỹ Tho và đưa về đây 182 cố vấn quân sự để chỉ huy đôn đốc thực hiện b́ình định Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng lúc này, địch mở một số cuộc càn quét biệt kích vào các ấp, xã ven vùng địch chiếm đóng, mở một số cuộc càn lớn cấp tiểu đoàn, trung đoàn vào vùng nông thôn giải phóng.

Sau Chiến thắng Ấp Bắc, nhân dân các địa phương tích cực tham gia cùng  bộ đội chống càn.                                                                                                 Ảnh: Trần Biểu
Sau Chiến thắng Ấp Bắc, nhân dân các địa phương tích cực tham gia cùng bộ đội chống càn. Ảnh: Trần Biểu

Trước tình hình trên, phong trào ba mũi giáp công của ta có “sượng lại” do lực lượng vũ trang tập trung không trụ lại chống càn, làm đòn xeo cho phong trào. Lực lượng vũ trang tập trung của ta cũng hạn chế tấn công ra vùng địch kiểm soát, do đó vùng nông thôn giải phóng không ổn định, quần chúng sợ địch càn bằng trực thăng. Bộ đội tập trung của Khu và tỉnh cũng lúng túng không biết đánh thế nào khi địch thực hiện chiến thuật “Bủa lưới phóng lao, bao vây hợp điểm”, nên thường “tránh càn”, ngại “đụng đầu” trực tiếp với địch.

Trong lúc bộ đội ta đang bị động về mặt chiến thuật, thì ngày 2-9-1962, địch tổ chức trận càn vào hai xã Hưng Thạnh, Mỹ Phước (căn cứ của Tỉnh ủy). Đại đội 2, Tiểu đoàn 514 dựa vào địa hình, địa vật luồn lách tránh địch và phục kích đánh địch thành công. Đây là điểm khởi đầu cho việc phá chiến thuật “bủa lưới phóng lao, bao vây hợp điểm” của địch, góp phần giúp Ban Quân sự tỉnh Mỹ Tho xây dựng cách đánh của bộ đội tập trung.

Ngày 7-9-1962, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Mỹ Tho họp với Ban Quân sự tỉnh để rút kinh nghiệm. Cuộc họp có đồng chí Võ Chí Công - Thường vụ Trung ương Cục và đồng chí Lê Việt Thắng - Thường vụ Khu ủy tham dự. Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định tình hình như sau: Địch đang đối phó với phong trào cách mạng miền Nam bằng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, chủ yếu là càn quét và lập ấp chiến lược, ta từ thế chủ động tấn công chuyển sang thế bị động lúng túng, nhưng thực tế không phải là địch mạnh, mà do ta chỉ đạo không chính xác, không phù hợp với thế lực đang lên của ta.

Đồng chí Võ Chí Công đã góp ý chỉ đạo cho Thường vụ Tỉnh ủy: “Địch đã chuyển sang chiến tranh đặc biệt, ta phải tiến hành chiến tranh cách mạng chống chiến tranh đặc biệt của địch, quy luật chiến tranh của địch là càn quét, ta phải chống càn quét, chống càn phải theo đường lối chiến tranh nhân dân, phải kết hợp chính trị, vũ trang, phải kết hợp ba thứ quân trên thế xã chiến đấu đánh địch. Lực lượng vũ trang tập trung phải đứng lại đánh càn tiêu diệt địch”.

Chấp hành ý kiến chỉ đạo của đồng chí Võ Chí Công, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đưa ra phương châm: “Tác chiến đánh càn của lực lượng tập trung là phục kích đánh quân yếu nhất, xuất kích xung phong tiêu diệt địch lấy súng bắt tù binh, chuyển qua một trận địa khác chuẩn bị đánh những trận tiếp theo”. Kết luận của Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy được triển khai ngay cho bộ đội, các ngành, các cấp để tổ chức thực hiện.

Thắng lợi của hai trận đánh của Đại đội 1, Tiểu đoàn 514 ở phía Nam của đường 4 đã khẳng định một bước việc thực hiện phương thức: “Lực lượng vũ trang tập trung “trụ lại đánh càn” dựa vào thế chủ động tấn công của lực lượng tấn công chính trị, binh vận, thế xã, ấp chiến đấu, công sự vững chắc là đúng đắn”. Kinh nghiệm “trụ lại đánh càn” của Đại đội 1, Tiểu đoàn 514 được phổ biến ra trong toàn tỉnh. Các nơi tích cực củng cố thêm xã chiến đấu, cắm chông ngoài đồng ruộng chống địch đổ bộ trực thăng, xây dựng các trận địa chống càn và tổ chức lại lực lượng tấn công ba mũi quân sự, chính trị và binh - địch vận ở cơ sở, sẵn sàng phối hợp với bộ đội đánh thắng địch.   

Đến tháng 11-1962, tỉnh Mỹ Tho đã hình thành những mặt trận đánh phá ấp chiến lược và mặt trận đánh càn từng khu vực có lực lượng “hai chân, ba mũi” hợp đồng chặt chẽ và xây dựng kế hoạch cụ thể. Do đó, thế trận đã thay đổi, lực lượng  thực hiện ba mũi giáp công luôn bám ở cơ sở tiến công ngày đêm. Bộ đội địa phương huyện, du kích ấp, xã phục kích đánh quấy phá các cuộc càn quét và bọn biệt kích làm địch phải cố thủ trong đồn không dám bung ra. Hoạt động của ta giành lại thế chủ động tấn công địch trong tình hình mới của chiến tranh đặc biệt.

Trước thắng lợi của tỉnh Mỹ Tho, Thường trực Khu ủy Khu 8 triệu tập Hội nghị Khu ủy mở rộng các cấp ủy, chỉ huy quân sự các tỉnh và chỉ huy đơn vị tập trung của Khu, đánh giá tình hình trong thời gian qua và bàn hai vấn đề chính: “Đánh càn và phá ấp chiến lược”. Hội nghị đã phổ biến kinh nghiệm đánh càn thắng lợi của Mỹ Tho; nhận xét Thường trực Khu ủy “Đại đội 1, Tiểu đoàn 514 là đơn vị đánh càn giỏi trong các đơn vị tỉnh, kể cả Tiểu đoàn 261 của Khu cũng phải học tập”. Hội nghị Khu ủy mở rộng thống nhất chọn Mỹ Tho làm chiến trường điểm và chọn Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 và Đại đội 1, Tiểu đoàn 514 là đơn vị thực hiện chủ trương mới: “Đánh càn và phá ấp chiến lược”. 

Hội nghị yêu cầu phải triển khai ngay ba việc lớn là phải củng cố mũi tấn công chính trị, binh vận và mũi vũ trang tại chỗ ở tất cả ba vùng: Vùng giải phóng, vùng tranh chấp và vùng tạm chiếm. Các lực lượng vũ trang tập trung, hành quân ban đêm đến nơi trú quân phải chủ động tạo trận địa phục kích, chủ động đánh càn bằng hệ thống công sự kiên cố có nhiều tuyến, tạo sẵn công sự phòng ngự ở nhiều vùng để cơ động lúc chiến đấu với đối tượng địch có bom pháo yểm trợ mật độ cao, bộ binh đông, sử dụng kỹ thuật tân kỳ “trực thăng vận”, “thiết xa vận”.

Chiến đấu của lực lượng vũ trang phải luôn được đặt trong thế chiến đấu chung của ba mũi kết hợp, phối hợp một cách nhịp nhàng trên diện rộng nhiều xã, toàn huyện, nhiều huyện... quy mô tùy theo trận đánh và khả năng kết hợp thì mới có thể đạt được mục tiêu đứng lại được. Kèm theo ba việc lớn, hội nghị chỉ ra sáu biện pháp quan trọng để trụ lại chống càn thành công.

Theo yêu cầu của Quân khu, hai đơn vị là Đại đội Bộ binh 1, Tiểu đoàn 261 và Đại đội 1, Tiểu đoàn 514 tạo thành một cặp, thường xuyên phối hợp hoạt động để tăng cường sức mạnh. Quân khu cử cán bộ xuống hướng dẫn cho hai đại đội luyện tập thông thạo đánh xe M.113 bằng súng trường bắn đạn tromblon, bắn máy bay bằng súng bộ binh, đào công sự phòng ngự.

Do vậy, trận Ấp Bắc ngày 2-1-1963 nổ ra ta giành thắng lợi hoàn toàn không phải là bất ngờ, may rủi, mà nó là một trận đánh nằm trong đợt tiến công nổi dậy ba mũi giáp công của tỉnh Mỹ Tho.

PHÁT HUY BÀI HỌC CHIẾN TRANH NHÂN DÂN

Chiến thắng Ấp Bắc là trận tác chiến thắng lợi điển hình của cuộc chiến tranh nổi dậy “hai chân, ba mũi” của tỉnh Mỹ Tho, của Khu 8 và của toàn miền Nam. Thắng lợi lớn nhất của trận Ấp Bắc là bộ đội đã “trụ lại” được cả ngày để đánh nhau với một lực lượng địch áp đảo cả về quân số và hỏa lực. Địch đã áp dụng bài bản, đủ hết các chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận”, “bủa lưới phóng lao”, đủ các phương tiện kỹ thuật hiện đại, lực lượng tinh nhuệ, hỏa lực tối đa mà vẫn không đánh bật được ta. Bộ đội ta không những bị thương vong ít, mà còn khiến cho quân địch thương vong nặng nề.

Thắng lợi của trận chiến Ấp Bắc được Trung ương Đảng đánh giá cao. Trong thư của đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng gửi lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam (2-1965) đã viết: “Kể từ trận Ấp Bắc, Mỹ thấy không thể thắng ta được”. Chiến thắng Ấp Bắc đánh dấu sự chuyển biến về chất của chiến tranh cách mạng ở miền Nam, đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng vũ trang cách mạng và báo hiệu khả năng đánh thắng những chiến thuật cơ động bằng máy bay lên thẳng và xe tăng, xe thiết giáp của Mỹ, ngụy; đồng thời, nêu bật sức mạnh của lực lượng đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang.

Sau trận Ấp Bắc trở đi, quân dân Mỹ Tho tiếp tục đẩy mạnh tiến công địch và từ đó đã xuất hiện khẩu hiệu: Bao vây bức rút bức hàng/Đứng lại, đánh càn giải phóng nông thôn. Dưới sự chỉ đạo của Khu ủy, Quân khu ủy, Tỉnh ủy, Ban Quân sự tỉnh Mỹ Tho, Tiểu đoàn 261 kết hợp với Tiểu đoàn 514 tiếp tục đóng vai trò nòng cốt cùng quân dân các địa phương mở nhiều đợt tấn công phá ấp chiến lược, đánh địch càn quét. Trong đợt tháng 3 và tháng 4-1963, quân và dân Mỹ Tho nổi dậy phá mảng ấp chiến lược ở Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè, Gò Công, Chợ Gạo, làm thất bại cuộc cào nhà, gom dân 7 xã trong 45 ngày của địch. Đợt tháng 6-1963, ta tiến công phá dứt điểm ấp chiến lược, giải phóng 2 xã Cẩm Sơn, Xuân Sơn.

Đợt hoạt động 20-7-1963, ta nổi dậy giải phóng 15 xã của Cai Lậy, Châu Thành (Vùng 20-7). Đợt tháng 9-1963, ta mở đầu thế phá banh, phá dứt điểm ấp chiến lược ở Gò Công. Đợt tháng 11-1963, tranh thủ lúc chính quyền địch rối ren (Ngô Đình Diệm bị đảo chính), toàn tỉnh nổi dậy tiến công ấp chiến lược, phá banh, phá dứt điểm toàn bộ hệ thống ấp chiến lược gồm 180 ấp trong tỉnh, mở ra một vùng giải phóng rộng lớn tạo điều kiện cho Mỹ Tho bước vào thế tiến công mới. Đến cuối năm 1963, Mỹ Tho đã đánh thắng 2 gọng kìm (càn quét, lập ấp chiến lược) của “Chiến tranh đặc biệt” trên địa bàn.

Trận Ấp Bắc là khởi đầu cho sự thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Đây là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta được vận dụng sáng tạo, linh hoạt với hai lực lượng, ba mũi giáp công ở tuyến trong và tuyến ngoài tạo nên sức mạnh tổng hợp tiến công địch, trong đó bộ đội tập trung phải “trụ lại chống càn” tổ chức đánh địch, làm hậu thuẫn đắc lực cho phong trào đấu tranh của quần chúng phá ấp chiến lược, giành quyền làm chủ.


              NGUYỄN TRUNG TRỰC
(Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Tiền Giang)


                     (Báo Ấp Bắc lược trích)

.
.
.