.

UBND tỉnh Tiền Giang trình nhiều nghị quyết tăng mức hỗ trợ

Cập nhật: 19:44, 09/12/2022 (GMT+7)

(ABO) Tại Kỳ họp thứ 7 - HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X, UBND tỉnh Tiền Giang đã có 24 tờ trình kèm theo dự thảo nghị quyết về nhiều vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) cần xem xét, thông qua tại kỳ họp lần này. Trong đó có nhiều tờ trình dự thảo nghị quyết tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị, địa phương hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch; động viên cán bộ, người lao động yên tâm công tác.

 TĂNG KINH PHÍ HỖ TRỢ GIÁO VIÊN MẦM NON

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đã có nhiều chủ trương, ban hành nhiều chính sách để phát triển giáo dục mầm non, như: Phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo, chính sách cho nhà giáo công tác ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, chính sách phát triển giáo dục mầm non, chính sách lương theo chức danh nghề nghiệp...

Và gần đây nhất, ngày 17-9-2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND quy định chính sách khuyến khích đối với viên chức quản lý và giáo viên các cơ sở mầm non công lập công tác tại các địa bàn của tỉnh Tiền Giang khó tuyển dụng (gọi tắt Nghị quyết số 12). Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết số 12, theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, tỉnh đã tuyển được 206 giáo viên mầm non về 57 trường khó tuyển dụng.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh đã phát sinh thêm 40 trường khó tuyển dụng giáo viên mầm non, tính đến thời điểm này thiếu 213 giáo viên và 13 viên chức quản lý so với nhu cầu thực tế, nguyên nhân chủ yếu do giáo viên nghỉ việc nhiều sau đại dịch Covid-19, giáo viên xin chuyển công tác, trường chuyển từ lớp 2 buổi/ngày sang lớp bán trú (25 lớp/năm).

Ngoài cấp học mầm non, hiện nay tình trạng thiếu giáo viên một số môn học các cơ sở giáo dục phổ thông công lập (gồm 5 môn: Giáo dục tiểu học, Ngữ văn, Địa lý, Mỹ thuật, Công nghệ) không tuyển dụng được do thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nhu cầu giáo viên thực hiện chương trình mới là rất lớn, đặc biệt là đối với các môn học bắt buộc.

Nhu cầu tuyển dụng trong 5 năm các môn khó tuyển dụng trên 9 trường thuộc địa bàn khó tuyển dụng là 33 giáo viên; nhưng số giáo viên không đăng ký tuyển dụng hoặc không đến nhận nhiệm sở là: 27, chỉ có 6/33 giáo viên đăng ký, chiếm 18%, với nguyên nhân chủ yếu thu nhập từ lương chưa đáp ứng được nhu cầu mức sống của giáo viên.

Cô giáo Trường Mầm non Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang trong giờ dạy trẻ
Cô giáo Trường Mầm non Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang trong giờ dạy trẻ.

Xuất phát từ tình hình trên, tại kỳ họp lần này, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chính sách khuyến khích đối với viên chức quản lý, giáo viên cơ sở giáo dục mầm non công lập, giáo viên mới tuyển dụng giảng dạy môn học trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập tại các địa bàn của tỉnh Tiền Giang khó tuyển dụng.

Theo dự thảo Nghị quyết này thì mức chi hỗ trợ: Đối với giáo viên mầm non mới tuyển dụng được phân công công tác trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị quyết được hỗ trợ 2.500.000 đồng/người/tháng thực dạy.

Đối với viên chức quản lý, giáo viên đang công tác trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị quyết được hỗ trợ 1.500.000 đồng/người/tháng quản lý, thực dạy.

Đối với giáo viên mới tuyển dụng giảng dạy các môn học khó tuyến dụng giáo viên trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị quyết được hỗ trợ 2.500.000 đồng/người/tháng thực dạy.

Hoạt động dạy học ở bậc mầm non rất vất vả, vì vậy các cô phải đầu tư rất nhiều cho các tiết dạy của mình.
Hoạt động dạy học ở bậc mầm non rất vất vả, vì vậy việc tăng mức hỗ trợ sẽ động viên, khuyến khích giáo viên gắn bó với nghề, hạn chế tình trạng giáo viên nghỉ việc.

Thẩm tra về Nghị quyết này, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Tuyết Vân cho rằng, việc UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chính sách khuyến khích đối với viên chức quản lý, giáo viên cơ sở giáo dục mầm non công lập, giáo viên mới tuyển dụng giảng dạy môn học trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập tại các địa bàn của tỉnh khó tuyển dụng (bổ sung 40 trường mầm non, 33 giáo viên phổ thông các môn khó tuyển dụng) vào Nghị quyết số 12 là rất cần thiết nhằm giải quyết thực trạng thiếu giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông đối với địa bàn khó tuyển dụng của tỉnh, nhằm bảo đảm đủ giáo viên trên lớp đạt được các chỉ tiêu đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

CHI HỖ TRỢ DỊCH VỤ THÔNG TIN CÔNG CỘNG 6 XÃ HUYỆN TÂN PHÚ ĐÔNG

Cũng tại kỳ họp này, UBND tỉnh đã có Tờ trình HĐND tỉnh xem xét ban hành Nghị quyết quy định nội dung chi và mức chi hỗ trợ duy trì, vận hành cung cấp dịch vụ thông tin công cộng phục vụ tiếp cận thông tin của nhân dân ở các xã đảo trên địa bàn huyện Tân Phú Đông giai đoạn 2022 - 2025.

Trần Văn Dũng, Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông trình tóm tắt tờ trình kèm theo Nghị quyết
Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Văn Dũng trình Tờ trình kèm theo Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 7.

Theo dự thảo Nghị quyết này thì mức chi hỗ trợ 6 xã đảo thuộc huyện Tân Phú Đông (Tân Thới, Tân Phú, Phú Thạnh, Phú Đông, Phú Tân, Tân Thạnh) sẽ áp dụng thực hiện cụ thể như sau: Chi hỗ trợ mở rộng băng thông Internet để phục vụ người dân khai thác các thông tin thiết yếu, đọc các xuất bản phẩm điện tử, báo điện tử, sử dụng dịch vụ công trực tuyến với số tiền 270.000 đồng/tháng/điểm (nâng gói sử dụng thành 568.000 đồng/tháng); hỗ trợ tiền điện duy trì hoạt động tại điểm phục vụ bưu chính 115.000 đồng/tháng/điểm (tổng chi phí sử dụng là 345.000 đồng/tháng). Chi hỗ trợ thêm nhân viên trực 430.000 đồng/tháng/người (tổng chi nhân viên 1.200.000 đồng/tháng). Và chi hỗ trợ phần mềm duyệt vi rút 25.000 đồng/tháng/điểm để đảm bảo an toàn thông tin truy cập.

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Vân cho biết: Qua thẩm tra, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh nhận thấy dự thảo nghị quyết đề nghị các mức chi hỗ trợ được đề xuất dựa trên mức đang hưởng hiện tại của các điểm cung cấp dịch vụ bưu chính trên địa bàn huyện Tân Phú Đông. Mỗi điểm dịch vụ bưu chính sẽ mở cửa hoạt động 6 giờ/ngày (trước đây là 4 giờ/ngày), vì thế, đây là mức hỗ trợ cho mỗi điểm hoạt động thêm 2 giờ/ngày và tổng mức hỗ trợ là 840.000 đồng/điểm/tháng. Nội dung dự thảo nghị quyết phù hợp với quy định tại Thông tư số 06/2022/TT-BTTTT và Thông tư so 46/2022/TT-BTC; nguồn kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh thống nhất với nội dung của dự thảo nghị quyết. 

Quang cảnh kỳ họp thứ 7
Đại biểu nghe trình các tờ trình kèm dự thảo nghị quyết tại Kỳ họp thứ 7.

Bên cạnh đó, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác triển khai, tuyên truyền đến các đơn vị, tổ chức và người dân được biết về nội dung hỗ trợ của nghị quyết; quan tâm công tác kiểm tra thời gian trực của các điểm dịch vụ bưu chính đảm bảo 6 giờ/ngày đúng theo tinh thần của nghị quyết với mục đích là chi hỗ trợ giúp người dân tiếp cận thông tin.

TĂNG HỖ TRỢ THU HÚT NGUỒN NHÂN LỰC

Năm 2019, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ để thu hút nhân lực về công tác tại tỉnh Tiền Giang (gọi tắt Nghị quyết 02). Từ khi Nghị quyết 02 được ban hành đã thu hút 63 bác sĩ về tỉnh công tác (58 bác sĩ về tuyến tỉnh, chỉ có 5 bác sĩ về công tác tại tuyến huyện, không có bác sĩ về tuyến xã).

Bên cạnh đó, nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng cao, cùng với đặc điểm bệnh tật và tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong khi đó khả năng đáp ứng của hệ thống y tế công lập trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, nhất là tuyến y tế cơ sở, một trong những khó khăn lớn nhất là thiếu nguồn nhân lực bác sĩ để tổ chức hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Ngoài ra, hiện nay tình trạng bác sĩ nghỉ việc có xu hướng tăng với nhiều lý do, trong đó áp lực công việc kèm thu nhập thấp được xác định là những nguyên nhân chính.

Theo báo cáo của Sở Y tế đến thời điểm này, toàn tỉnh thiếu trên 140 bác sĩ tuyến cơ sở, đây là vấn đề cấp thiết hiện nay cần có giải pháp để giải quyết khó khăn cho ngành Y tế. Do vậy, trong kỳ họp này, UBND tỉnh có Tờ trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết Bổ sung Điều 3, Nghị quyết số 02 của HĐND tỉnh Tiền Giang, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân, tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Việc ban hành chính sách tăng mức hỗ trợ thu hút nguồn nhât lực kỳ vọng sẽ thu hút bác sĩ về công tác tại tỉnh Tiền Giang trong thời gian tới
Việc ban hành chính sách tăng mức hỗ trợ thu hút nguồn nhân lực kỳ vọng sẽ thu hút bác sĩ về công tác tại tỉnh Tiền Giang trong thời gian tới.

 Theo dự thảo nghị quyết, bác sĩ về công tác tại cơ sở công lập thuộc tuyến huyện sẽ hỗ trợ 50 triệu đồng và về công tác tại các cơ sở công lập thuộc tuyến xã thì được hỗ trợ thêm 80 triệu đồng. 

Tin rằng với việc UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết Bổ sung Điều 3 Nghị quyết số 02, cùng với việc chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh đối với ngành Y tế, chú trọng công tác triển khai, tuyên truyền đến các đơn vị, tổ chức, nhất là các trường đại học y dược trong khu vực và người dân được biết về nội dung hỗ trợ của nghị quyết tỉnh Tiền Giang sẽ sớm thu hút được nguồn nhân lực y tế về công tác tại tuyến cơ sở.

THU HOÀI - TUẤN LÂM

 

.
.
.