.

Chuyện Bác Hồ mừng Tết Nguyên đán

Cập nhật: 20:17, 25/01/2023 (GMT+7)

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người dành cả một cuộc đời vì nước, vì dân, lấy gia đình cách mạng làm niềm vui, Người có cách mừng Xuân của riêng mình, Người dành trọn những ngày Tết để đi thăm, chúc Tết đồng bào, chiến sĩ.

Cũng có lẽ vì nhân dân còn nghèo, nhiều gia đình chưa có Tết, nên sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ tổ chức ăn Tết với anh chị em Văn phòng Phủ Chủ tịch một bữa ăn vào chiều ngày 30 Tết, còn những ngày sau đó, Bác giữ mức sinh hoạt bình thường.

Trước Tết ba tháng, Bác đã nhắc các cơ quan, các ngành, đoàn thể chú ý chuẩn bị Tết cho dân. Riêng Bác cũng tự mình chuẩn bị sớm ba việc: Tìm ý thơ cho bài thơ chúc mừng năm mới, nhắc văn phòng chuẩn bị thiệp "Chúc mừng năm mới" để kịp gửi đến những nơi xa xôi nhất, kể cả bộ đội ở các vùng rừng núi, hải đảo xa xôi và cán bộ công tác ở nước ngoài. Và cuối cùng là chương trình đi thăm và chúc Tết nhân dân không thể thiếu đối với Bác.

Kể từ tối 30 Tết Bính Tuất (1946) - Tết Độc lập  đầu tiên của đồng bào cả nước cho đến mùa Xuân cuối cùng của cuộc đời Người - Xuân Kỷ Dậu 1969 (trừ những năm kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc) Bác đều dành chọn để đi thăm và chúc Tết đồng bào, chiến sĩ, đặc biệt là những gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Bác muốn đến với những người dân nghèo bởi họ cần có sự quan tâm đúng lúc, cũng như Bác muốn có cái nhìn thấu đáo, thực tiễn để khẳng định trách nhiệm của Đảng cầm quyền phải hết sức chăm lo đến đời sống của nhân dân.

Bác Hồ chia quà Tết cho các cháu nhỏ ở Hợp tác xã Khe Cát, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh ngày 2-2-1965. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Bác Hồ chia quà Tết cho các cháu nhỏ ở Hợp tác xã Khe Cát, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh ngày 2-2-1965. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Hình ảnh vị Chủ tịch nước tuy tuổi đã cao nhưng đêm 30 Tết Bính Tuất 1946 vẫn trên con đường mấp mô trong ngõ Hàng Đũa, phố Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến, Hà Nội) đến thăm một người làm nghề kéo xe mãi mãi in đậm trong tâm trí người dân.

Chiều 30 Tết Đinh Dậu 1957, Bác đi chúc Tết gia đình ông Nguyễn Văn Hào, công nhân nhà máy điện An Dương, Bác nghiêm trang đứng trước bàn thờ tổ tiên của gia đình như một người thân đi lâu ngày về quê ăn Tết; Bác còn xuống tận bếp, xem nồi bánh chưng và hỏi cụ thể số lượng bánh, thịt mà gia đình đã lo được trong Tết này.

Sáng mồng 1 Tết 1962, Bác Hồ đi chúc Tết nhân dân xã Đông Ngạc (Từ Liêm), Bác ngó vào cả chuồng lợn nhà đồng chí Tấu, khen gia đình nuôi được lợn to khỏe, đến bên bể nước nhà đồng chí Miên, Bác nhắc phải đánh phèn cho nước trong rồi hãy cho các cháu ăn, uống…

Vào dịp Tết, một trong những việc đầu tiên Bác nghĩ tới là đi thăm các trường con em miền Nam ở Hà Tây, Hải Phòng... Bác bảo: "Các cháu xa nhà, xa quê. Mong người thân lắm. Để Bác đến thăm cho các cháu đỡ buồn".

Tết Nhâm Dần 1962, Bác xuống thăm và chúc Tết các cháu Trường học sinh miền Nam ở Hải Phòng. Trên bãi cỏ sân trường, sau khi hỏi thăm các cháu chuyện ăn Tết, học hành, sức khỏe..., Người xem các cháu biểu diễn văn nghệ và cũng tham gia một tiết mục. Người cầm cây đàn ghi ta, bấm phím, cầm nhịp cho các cháu hát bài “Giải phóng miền Nam”. Trên nét mặt mọi người, nhất là các cháu thiếu nhi miền Nam đều phấn khởi và cảm động lắm. Nhiều cháu miệng cười nhưng nước mắt chảy long lanh trên má. Các cháu nói rằng: "Tết đến, chúng cháu nhớ nhà, nhớ quê hư­ơng, cha mẹ ở miền Nam, không ngờ Bác đến thăm cùng vui với chúng cháu, còn gì sung s­ướng cho bằng".

Tết năm 1967, anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) vào thăm bộ đội và nhân dân các tỉnh Quân khu 4. Ngày anh Văn lên đường, mới 4 giờ sáng, Bác đã đến nhà, dặn dò Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuyển lời của Bác chúc Tết đồng bào, cán bộ và bộ đội, Bác gửi cả thiệp mừng Xuân. Bác hỏi những thứ bộ đội cần đã đem theo đủ chưa và Bác bảo: Bộ đội chiến đấu ở trong đó căng thẳng nhiều. Nhớ đem kha khá thuốc lào, giấy viết và mỡ để biếu các chú ấy…

Qua những câu chuyện cởi mở, thân tình giữa Bác và các tập thể, cá nhân, nhân dịp năm mới, Người còn căn dặn những biện pháp, chỉ ra những phương hướng, kế hoạch hành động của mỗi tập thể, mỗi ngành, mỗi địa phương vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. Mồng 1 Tết Tân Sửu 1962, Bác đến thăm và chúc Tết Nhà máy Rượu Hà Nội. Người đặc biệt quan tâm đến lực lượng công nhân, thanh niên của Nhà máy và căn dặn: “Làm việc gì cũng phải nghĩ ngay đến tăng năng suất, giảm sức lao động nặng và tiết kiệm”.

Đến với công nhân khu gang thép Thái Nguyên – công trình lớn đầu tiên của ngành công nghiệp gang thép non trẻ nước ta vào dịp Tết Giáp Thìn 1964, Bác hài lòng khi được chứng kiến không khí vui tươi, phấn khởi đón năm mới trên công trường và không quên nhắc nhở: “Để làm ra gang thép tốt thì người công nhân và cán bộ phải tôi luyện tinh thần cách mạng, lập trường giai cấp và ý thức làm chủ cho cứng rắn như thép, như gang”.

Năm 1965, vui vì thành tích công nhân mỏ than khai thác vượt kế hoạch, Bác về ăn Tết ở Quảng Ninh. Nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy điện Uông Bí và mỏ than Vàng Danh tại thị trấn Uông Bí, Người nhắc nhở: "Phải tăng cường quản lý kinh tế, nắm vững kỹ thuật; phải giữ gìn kỷ luật lao động; phải thường xuyên học tập kinh nghiệm của các đồng chí chuyên gia và công nhân Liên Xô. Công tác thiết kế và xây dựng phải làm cho chắc, cho kỹ. Tránh làm ẩu rồi phải chữa đi chữa lại, vừa lãng phí sức người sức của, vừa không tốt cho sản xuất…

Những câu chuyện về Bác Hồ đón mừng năm mới, chúc Tết nhân dân, mỗi câu chuyện có những ý nghĩa khác nhau. Từ rất nhiều câu chuyện đơn lẻ, nếu hệ thống và xâu chuỗi lại thì chúng ta sẽ thấy sáng ngời lên không chỉ là tác phong lãnh đạo sâu sát, thái độ yêu dân, kính dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, mà còn là niềm vui, hạnh phúc lớn của người “đầy tớ của nhân dân” khi được chứng kiến không khí mọi người, mọi nhà sum vầy, đoàn tụ và tận hưởng thành quả lao động sau một năm làm việc vất vả và lắng nghe họ nói về mơ ước, khát vọng và niềm tin của mình về một năm mới đang gõ cửa từng nhà.

Chắt lọc từ những câu chuyện tưởng là nhỏ ấy, chúng ta thấy được bao nhiêu điều lớn lao để suy nghĩ, để học theo Bác và làm theo Bác.

(Theo www.qdnd.vn)

 

 

.
.
.