.

Kỷ niệm 55 năm Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân Mậu Thân 1968: Bản hùng ca chân trần - chí thép

Cập nhật: 09:47, 31/01/2023 (GMT+7)

Kỷ niệm 55 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lại một dịp để đọc lại, gặp gỡ, tìm hiểu thêm về những tháng ngày lịch sử hào hùng của dân tộc. Từng trang sử, từng dòng ký ức, từng lời kể như một mảnh ghép tái hiện cuộc chiến đấu ngoan cường của dân tộc - cuộc chiến mà chúng ta không bao giờ được lãng quên.

a
Quân giải phóng mặt trận Sài Gòn - Gia Định tuyên thệ, nhận nhiệm vụ trước giờ xuất kích. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Cuộc chiến sinh tử

Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là đỉnh cao của Biệt động Sài Gòn - Gia Định về nghệ thuật quân sự, tổ chức chỉ huy đánh địch ở đô thị với tinh thần dũng cảm tuyệt vời của các chiến sĩ cách mạng. Ra đời từ nhân dân, bám dân, hòa mình vào dân để xây dựng lực lượng và chiến đấu, Biệt động Sài Gòn - Gia Định đã xây dựng được những “căn cứ lòng dân” vững chãi, lập nên những chiến công vang dội, làm chấn động trong nước và thế giới. Những trận đánh nổi tiếng của lực lượng Biệt động Sài Gòn đã được tái hiện qua phim, ảnh, sách báo, và đặc biệt là qua lời kể của các nhân chứng lịch sử.

Ngày 29 Tết năm đó, đội 5 Biệt động Sài Gòn được giao liên dẫn đường từ căn cứ ở Trảng Bàng về tập trung ở nhà số 287/70 Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu), là nhà của ông Trần Văn Lai - nơi ông đào hầm bí mật chứa vũ khí chuẩn bị cho cuộc tiến công. Trước nhiệm vụ sinh tử là đánh vào Dinh Độc Lập, cụm trưởng giao nhiệm vụ và nêu rõ, trận đánh sẽ vô cùng ác liệt, không chỉ đòi hỏi lòng quyết tâm mà khi cần thì sẽ sẵn sàng hy sinh. Trước câu nói của người chỉ huy: “Ai sẵn sàng thì xung phong, ai chưa sẵn sàng sẽ được đưa ra ngay”, 15 cánh tay đồng loạt giơ lên không một chút do dự. Để rồi, 8 trong số 15 người giơ cánh tay hôm ấy, sau khi chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, đã mãi mãi không về. Những trận đánh khác của Biệt động Sài Gòn vào những mục tiêu đầu não kẻ thù cũng diễn ra tương tự, với nhiều tổn thất, hy sinh, nhưng các đồng chí đều đã hoàn thành mục tiêu chiến đấu.

Nhưng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 không chỉ có biệt động. Đó là cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở khắp các nơi, với nhiều lực lượng cùng tham gia. Đêm 30 rạng sáng ngày 31-1-1968, đúng vào đêm giao thừa Tết Nguyên đán Mậu Thân, tiếng súng của quân ta đồng loạt mở màn cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở 4 thành phố, 37 thị xã, đánh vào cơ quan đầu não của địch. Ông Châu Văn Hòa (hiện sống tại tỉnh Long An) là chiến sĩ của Tiểu đoàn Quân giải phóng 269. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, đơn vị của ông tham gia đánh vào khu vực Nhà đèn Chợ Quán, với hơn 30 người, nhưng chỉ còn 2 người sống sót. Nơi những người lính anh dũng ngã xuống vừa được dựng bia tưởng niệm, ở vị trí 628-630 Võ Văn Kiệt (quận 5, TPHCM).

Hay khi các lực lượng tiến về Sài Gòn, chính nhân dân đã giúp đỡ, chở che, như cách mà đoàn dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) đã miệt mài chuyển thương, tải đạn trong suốt chiến dịch. Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Chi bộ xã Vĩnh Lộc đã huy động 400 nam nữ thanh niên làm nhiệm vụ dân công hỏa tuyến. Trong một đợt tải thương, tải đạn, 32 dân công đã hy sinh. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, giờ đây, khi nhớ lại những năm tháng tuổi trẻ, điều mà cô cựu dân công Phạm Thị Tám nhớ nhất về ngày hôm đó trên đồng bưng Láng Sấu là ánh mắt của người bạn thân khi trúng đạn thù: “Tám ơi, tao sắp chết rồi, mày về nói với má tao nuôi con giùm tao nghe…”. Hôm đó, 55 người nấp dưới hai gốc dứa với trang bị thô sơ đã không tránh được làn mưa đạn từ máy bay địch…

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, Sài Gòn - Gia Định đã “đi trước” một bước, hoàn thành xuất sắc công tác chuẩn bị lực lượng, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Cho đến trước cuộc tổng tiến công, riêng trong nội thành đã có 11 đội biệt động cấp thành phố, 50 đội biệt động cấp quận, huyện và của các đoàn thể, nhiều tổ tự vệ, du kích mật. Do nhiệm vụ chiến đấu đặc biệt nguy hiểm, khó khăn, phức tạp nên tuyệt đại bộ phận cán bộ, chiến sĩ biệt động đều là công nhân hoặc xuất thân từ các gia đình công nhân giàu truyền thống yêu nước. Biệt động Sài Gòn - Gia Định là đội quân sinh ra từ nhân dân, điển hình của lực lượng vũ trang nhân dân. Các chiến sĩ biệt động và lực lượng tham gia công tác bảo đảm xuất thân từ con em lao động, học sinh, sinh viên, những tiểu thương, nghệ sĩ, công chức, mang trong mình khát vọng độc lập tự do, tự nguyện hiến dâng cuộc sống của mình cho cách mạng.

Vì độc lập, vì tự do

Trong số rất nhiều tư liệu về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, chúng tôi nhớ lời chia sẻ của chú Ba Đen, tức Ngô Thanh Vân, người chỉ huy biệt động đã “vô tình” sống sót trong cuộc tấn công vào tòa Đại sứ Mỹ đêm mùng 1, rạng ngày mùng 2 tết. Câu chuyện của ông được Đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) ghi lại, vào khoảng thời gian 8 năm sau trận đánh. “Khi nhận lệnh chỉ huy mười sáu anh em đánh chiếm tòa Đại sứ Mỹ ngay giữa đô thành Sài Gòn nhung nhúc Mỹ, ngụy… Cho đến nay, tám năm trôi qua rồi mà tôi vẫn không quên từng gương mặt, từng lời nói, và có lẽ suốt cả cuộc đời”. Những chia sẻ đầy xúc cảm, đầy tính nhân văn của người chỉ huy biệt động khiến những thế hệ sau khi tìm hiểu càng thấu hiểu và trân trọng, biết ơn những điều cha ông đã trải qua, phải đánh đổi cho độc lập, hòa bình hôm nay.

Câu chuyện của chiến sĩ biệt động Phan Văn Hôn (Bảy Hôn) khiến chúng tôi mỗi lần nghe lại đều xúc động như chính mình đang chứng kiến phút giây 15 người xung phong bước vào trận đánh Dinh Độc Lập kể trên. Người chiến sĩ năm xưa giờ đây đã trở thành một cụ già, cũng thành thật chia sẻ một khía cạnh rất con người. Ông bảo, nói không sợ chết là không thật. Ai cũng muốn sống, sống lâu, được sung sướng, hưởng thụ. Sau lưng lại còn có gia đình, cha mẹ, vợ con, người thương… “Chúng tôi cũng là những người dân bình thường, muốn yên ổn để làm ăn sinh sống. Nhưng hàng ngày phải chứng kiến bọn địch càn quét, bắt bớ, tra tấn, đánh đập bà con thân tộc, chứng kiến bom đạn kẻ thù tàn phá quê hương thì căm thù mà quyết tâm vùng lên chiến đấu. Vì thế nên mới xung phong tòng quân theo các chú, các anh vào bộ đội. Chứ nông dân như chúng tôi nào có hiểu biết bao nhiêu về cách mạng. Vào đơn vị được các chú, các anh chỉ bảo mà hiểu thêm nhiều điều”. Cho đến bây giờ, khi nghĩ lại giờ phút ấy, ông Bảy Hôn và những đồng chí may mắn còn sống vẫn tâm sự với nhau, không một chút hối tiếc về quyết định của mình khi đưa tay cao thể hiện quyết tâm nhận nhiệm vụ “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” ngày ấy. Nếu lịch sử có lặp lại, họ vẫn lựa chọn sống và chiến đấu cho quê hương.

Cho đến tận hôm nay, hơn nửa thế kỷ đã lùi xa, vẫn có rất nhiều góc nhìn và đánh giá về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Nhưng ý nghĩa lớn lao của nó thì không gì có thể phủ nhận được. Những mất mát, đau thương của những người dân Việt Nam yêu nước hơn nửa thế kỷ trước đã góp một phần xứng đáng đem lại hòa bình, độc lập cho dân tộc hôm nay. Đó là điều chúng ta mãi trân trọng và tự hào!

Trong cuốn sách “Chân trần - Chí thép”, xuất bản tại Mỹ tháng 10-2010, Trung tá Thủy quân lục chiến James G.Zumwalt - con trai Đô đốc Elmo R. Zumwalt, Tư lệnh hải quân Mỹ tại Việt Nam những năm 1968-1970 và sau này là Tham mưu trưởng hải quân Mỹ - đã nhìn nhận: “Trong chiến tranh Việt Nam, người Mỹ dựa vào sức mạnh công nghệ với vũ khí vượt trội; người Việt Nam phải dựa vào những thứ khác. Họ quay về truyền thống của mình - đó là truyền thống chống ngoại xâm có từ ngàn đời, khi đất nước liên tục bị xâm lăng... Tinh thần dân tộc, lòng tự hào và quyết tâm ấy phát triển thành một sức mạnh vĩ đại nhất, một “chí thép”, giúp họ thực hiện được điều tưởng như không thể. Để cuối cùng, “chí thép” đã đánh bại công nghệ của siêu cường hùng mạnh nhất thế giới”.

Theo sggp.org.vn
 

 


 

 

.
.
.