Cải cách hành chính là một trong ba đột phá chiến lược
Cập nhật: 20:54, 03/02/2023 (GMT+7)
(ABO) Chiều 3-2, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ chủ trì Phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo, tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang. Phiên họp được truyền trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại điểm cầu Tiền Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh chủ trì, cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.
Quang cảnh tại điểm cầu Tiền Giang. |
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Đảng ta đã xác định xây dựng và hoàn thiện thể chế, CCHC là một trong ba đột phá chiến lược, bởi đây là lĩnh vực còn nhiều băn khoăn, trăn trở, tâm tư. Thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các đột phá chiến lược theo chủ trương, đường lối của Đảng, trong đó có công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, CCHC.
Thủ tướng nêu rõ, năm 2022 và 1 tháng đầu của năm 2023, trong thành công chung của cả nước, có sự đóng góp tích cực, hiệu quả của công tác CCHC.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, đúng trọng tâm, trọng điểm, đánh giá, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong triển khai các nội dung, nhiệm vụ trong kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo và của từng thành viên Ban Chỉ đạo, chỉ ra nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện tốt kế hoạch hoạt động của năm 2023 và thời gian tới, tạo chuyển biến về nhận thức, hành động, có sản phẩm với hiệu quả cụ thể, đo lường được.
Thủ tướng phát biểu tại phiên họp (ảnh chụp tại điểm cầu Tiền Giang). |
Từ đó, tạo thuận lợi nhất, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp, nền kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người dân, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, vì mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thời gian vừa qua công tác CCHC đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhận thức về CCHC được nâng lên; việc triển khai các nhiệm vụ CCHC được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và có chuyển biến tích cực. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy công tác CCHC. Các bộ, ngành, địa phương đã chủ động triển khai các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác CCHC; công tác cải cách, hoàn thiện thể chế được chú trọng, có nhiều đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả; công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được đẩy mạnh, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp,
Quang cảnh tại điểm cầu Tiền Giang. |
Đặc biệt đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.041 quy định kinh doanh tại 101 văn bản; cả nước đã thành lập 11.700 Bộ phận Một cửa các cấp để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
Công tác cải cách bộ máy hành chính được triển khai quyệt liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực; cải cách công vụ, công chức có nhiều đổi mới. Năm 2022 đã ban hành 03 Nghị định và đang xem xét để ban hành 03 Nghị định quy định các nội dung liên quan đến chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Giai đoạn 2020 - 2022, đã tuyển dụng gần 19.000 công chức và hơn 125.000 viên chức; khắc phục phần nào tình trạng gần 40.000 công chức, viên chức nghỉ việc thời gian qua.
Cùng với đó, công tác chuyển đổi số quốc gia được triển khai một cách mạnh mẽ, thực chất, đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; các hệ thống thông tin phục vụ phục vụ chỉ đạo, điều hành tiếp tục được triển khai, phát huy hiệu quả.
LÊ PHƯƠNG