.

Đề cương về văn hóa Việt Nam - Cội nguồn và động lực phát triển

Cập nhật: 09:33, 27/02/2023 (GMT+7)

Cách đây 80 năm, giữa lúc văn hóa Việt Nam đang lâm vào tình trạng hỗn loạn, lai căng, chịu sự ảnh hưởng nặng nề của văn hóa thực dân phát xít, Đề cương về Văn hóa Việt Nam của Đảng ra đời đã đặt mốc son quan trọng trong việc khởi động, định hướng sự phát triển của văn hóa Việt Nam.

Đề cương về Văn hóa Việt Nam là văn kiện lịch sử có giá trị to lớn và ý nghĩa lý luận sâu sắc, có tính thời sự cấp thiết tại thời điểm lúc bấy giờ và tầm nhìn thời đại của Đảng ta, được coi là Tuyên ngôn của Đảng về một nền văn hóa “dân tộc”, “khoa học”, “đại chúng” mà mọi tầng lớp nhân dân đã và đang xây dựng trong tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam.

Trên cơ sở lập trường, quan điểm lý luận mác xít, Đề cương về Văn hóa Việt Nam đã thể hiện nhận thức lý luận khoa học của Đảng về văn hóa và các vấn đề về cách mạng văn hóa. Nội dung Đề cương được chia thành 5 phần: Cách đặt vấn đề; Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam; Nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp; Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam; Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa mác xít Đông Dương, nhất là những nhà văn hóa mác xít Việt Nam.

 Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động quảng bá nghệ thuật đờn ca tài tử, góp phần gìn giữ bản sắc  văn hóa dân tộc. 													       Ảnh: HOÀI THU
Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động quảng bá nghệ thuật đờn ca tài tử, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Ảnh: HOÀI THU

Bằng lối diễn đạt, hành văn cô đọng, hàm súc, nhiều ẩn ý sâu xa, Đề cương về Văn hóa Việt Nam đã thể hiện rõ các quan điểm, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc của nền văn hóa dân tộc Việt Nam cần hướng đến. Đảng ta đã xác định rõ nội dung, phạm vi, vị trí, vai trò của văn hóa trong hành trình cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Để thực hiện thắng lợi cách mạng văn hóa Việt Nam, bản Đề cương đã yêu cầu những người cộng sản cần nắm vững “ba nguyên tắc vận động” là: “Dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa”. Trong đó, “dân tộc hóa” là phải chú trọng đến bản sắc dân tộc, chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, lai căng, giáo điều máy móc từ bên ngoài khi tiếp xúc với văn hóa, “khiến cho vǎn hóa Việt Nam phát triển độc lập”. “Đại chúng hóa” là chống mọi chủ trương hành động làm cho vǎn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng.

“Khoa học hóa” là chống lại tất cả những cái gì làm cho vǎn hóa trái khoa học, phản tiến bộ. Và “muốn cho ba nguyên tắc trên đây thắng, phải kịch liệt chống những xu hướng vǎn hóa bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm...

Nhưng đồng thời cũng phải chống xu hướng vǎn hóa quá trớn của bọn tờ rốt kít”. Như vậy, ba nguyên tắc “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa” và “khoa học hóa” trong xây dựng và phát triển văn hóa là phương án trả lời đúng đắn và kịp thời cho các nhu cầu cấp thiết, nóng bỏng của lịch sử lúc bấy giờ.

Bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam khẳng định: “Nền văn hóa mà cuộc cách mạng văn hóa Đông Dương phải thực hiện sẽ là văn hóa xã hội chủ nghĩa”. Từ Cương lĩnh đầu tiên này, Đảng ta đã phát triển quan điểm lý luận về văn hóa qua các thời kỳ.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chúng ta đã phát triển văn hóa kháng chiến và con người kháng chiến tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc chiến thắng kẻ thù. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khi đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền, ở miền Bắc đã tiến hành công cuộc xây dựng văn hóa xã hội chủ nghĩa, xây dựng cuộc sống mới và con người mới xã hội chủ nghĩa. Ở miền Nam, xây dựng văn hóa chống Mỹ, cứu nước để thực hiện “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta tiếp tục khẳng định phải xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (1998); Nghị quyết Hội nghị lần 9, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (năm 2014); Kết luận 76 ngày 4-6-2020 về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh định hướng xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Như vậy, các nguyên tắc “dân tộc hóa”, “khoa học hóa” và “đại chúng hóa” trong Đề cương về Văn hóa Việt Nam cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Kế thừa và phát triển quan điểm lý luận của Đề cương này, trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định nhiệm vụ quan trọng của cách mạng nước ta là phải bảo vệ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”.

Thật vậy, văn hóa luôn là một dòng chảy liên tục quyết định sự trường tồn của mỗi quốc gia, dân tộc. Trong diễn trình lịch sử, trải qua bao biến đổi, thăng trầm, dân tộc Việt Nam đã tích lũy, tạo dựng nhiều giá trị, bản sắc văn hóa riêng, làm nên “hồn cốt” của dân tộc và đóng góp vào kho tàng văn hóa của nhân loại.

Vai trò quan trọng của văn hóa được Đảng ta khẳng định xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo cách mạng; phát huy tác dụng tích cực trong đời sống xã hội và đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vẻ vang của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

PHÚC LỘC

 

.
.
.