Khẩn trương tổ chức lấy ý kiến của người dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ về việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường đang cùng các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức chính trị-xã hội, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân.
Hội nghị lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) trên địa bàn phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, thành phố Ðà Nẵng. (Ảnh Vũ Thủy) |
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau hơn một tháng triển khai đến nay có 43 tỉnh, thành phố và năm bộ, ngành đã ban hành kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi). Các ý kiến tập trung vào những vấn đề lớn và đang gặp nhiều vướng mắc như về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, vấn đề giá đất, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai...
Riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được gần 200 ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân bằng văn bản hoặc trên website (https://luatdatdai.monre.gov.vn). Nội dung góp ý tập trung nhiều nhất tại một số chương trong dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) như: Chương I- Quy định chung (32 ý kiến); Chương VI- Thu hồi đất, trưng dụng đất (23 ý kiến); Chương VII- Bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi (30 ý kiến); Chương IX- Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (13 ý kiến); Chương X- Ðăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (24 ý kiến); Chương XI- Tài chính về đất đai, giá đất (19 ý kiến)…
Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, để huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân nhằm hoàn thiện dự án Luật Ðất đai (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích của nhân dân và tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước, Bộ đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi).
Theo kế hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí về nội dung cơ bản của dự thảo luật, các vấn đề trọng tâm xin ý kiến nhân dân; xây dựng website lấy ý kiến nhân dân; đăng tải dự thảo Luật và các tài liệu có liên quan việc triển khai lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi)…
Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì, phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi). Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức lấy ý kiến trong khoảng thời gian từ ngày 20 đến ngày 23/2/2023; phối hợp Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức lấy ý kiến từ ngày 1 đến ngày 3/3/2023; phối hợp Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức lấy ý kiến từ ngày 3 đến ngày 5/3/2023. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng phối hợp các bộ, ngành, địa phương lấy ý kiến nhân dân theo yêu cầu của các cơ quan chủ trì; tổ chức hội thảo lấy ý kiến các doanh nghiệp, liên hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học tại TP Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian trung tuần tháng 3/2023…
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng tổ chức các đoàn công tác đôn đốc việc lấy ý kiến nhân dân tại các địa phương trên cả nước. Khu vực trung du và miền núi phía bắc, kiểm tra tại tỉnh Hòa Bình và tỉnh Lạng Sơn; khu vực đồng bằng sông Hồng kiểm tra tại tỉnh Thái Bình; khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung kiểm tra tại tỉnh Nghệ An và TP Ðà Nẵng; khu vực Tây Nguyên kiểm tra tại tỉnh Gia Lai; khu vực Ðông Nam Bộ kiểm tra tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; khu vực đồng bằng sông Cửu Long kiểm tra tại tỉnh Cần Thơ.
Nội dung làm việc về tình hình triển khai Nghị quyết số 170/NQ-CP về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Luật Ðất đai (sửa đổi); lấy ý kiến của nhân dân về chín nhóm vấn đề trọng tâm, trong đó tập trung vào một số nội dung cụ thể như: Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giá đất; chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số; chế độ sử dụng đất cho hoạt động khoáng sản; đất nông, lâm trường; đất đa mục đích; đất có mặt nước ven biển; đất tôn giáo, tín ngưỡng; đất khu kinh tế, khu công nghiệp; đất công trình ngầm, công trình trên không…
Ðể bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích của nhân dân, trong kế hoạch tham mưu cho Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất tất cả các báo cáo, ý kiến của nhân dân, ngoài gửi cho Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng gửi cho Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để cùng thẩm định và giám sát việc tiếp thu, giải trình của phía cơ quan soạn thảo. Mặt khác, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng phân công cụ thể cho các nhóm chuyên gia, tổ biên tập để theo dõi từng nội dung để tổng hợp, giải trình, tiếp thu một cách tốt nhất các ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài về dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến trực tiếp thông qua website: luatdatdai.monre.gov.vn hoặc góp ý bằng văn bản… và các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật ■
Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 32/CÐ-TTg về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi). Theo Công điện, bộ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương tổ chức lấy ý kiến đóng góp về dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) của cán bộ, công chức, viên chức, nhà khoa học, nhà quản lý, các tổ chức xã hội-nghề nghiệp, các doanh nghiệp trong phạm vi quản lý của bộ, ngành mình. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) đối với các đối tượng trên địa bàn, chú trọng đến các tầng lớp nhân dân, chính sách về đất đai có tính đặc trưng vùng, miền. Các địa phương chưa triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhân dân phải nghiêm túc kiểm điểm việc chậm ban hành kế hoạch, chậm tổ chức lấy ý kiến nhân dân; xây dựng báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo đúng thời hạn trong Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ… |
Theo nhandan.vn