Màu của "hồn nước, lòng dân"
Quốc kỳ Việt Nam - lá cờ đỏ sao vàng, là biểu tượng của “hồn nước, lòng dân”, của tình đoàn kết keo sơn, là biểu tượng thiêng liêng nhất của dân tộc Việt Nam. Cờ Tổ quốc làm nhân chứng cho sự đổi thay của quê hương, “thay áo mới” từ vùng quê nghèo vốn bị chiến tranh tàn phá nay đã hiện đại và khang trang.
Tất cả những bước ngoặt lịch sử đều hiện diện lá cờ Tổ quốc, minh chứng cho giá trị của hòa bình và hạnh phúc mà bao thế hệ đã chung sức giữ gìn.
CHỨNG NHÂN LỊCH SỬ
Nhắc lại lịch sử, cờ Tổ quốc lần đầu tiên xuất hiện trong Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ (đêm 22 rạng 23-11-1940), phấp phới tung bay trước đình Long Hưng - trụ sở cách mạng tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) là biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng quật cường của người dân xứ Nam kỳ. Cũng từ đây, chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho được thành lập dẫn dắt nhân dân tỉnh nhà từng bước vượt qua những chông gai trên con đường cách mạng.
Dòng chảy lịch sử luôn ghi dấu ngọn cờ hồng dân tộc. Tự hào khi biểu tượng của “hồn nước, lòng dân” là ánh hào quang tỏa sáng từ chiến khu Việt Bắc, từ “bàn đá chông chênh dịch sử Đảng” về Quảng trường Ba Đình lịch sử chung vui ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (ngày 2-9-1945). Từ ngày đó, lá cờ đỏ sao vàng tung bay từ Bắc đến Nam, từ miền xuôi đến miền ngược, đến tận cùng các hải đảo xa xôi tự hào ngày Tết Độc lập.
Quang cảnh đường Lê Lợi (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) rợp cờ hoa chào mừng kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2023). |
Tự hào khi cờ đỏ sao vàng còn tượng trưng cho niềm kiêu hãnh của dân tộc. Lá cờ Tổ quốc không một ngày vắng bóng cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Trong thời điểm ấy, “màu của Tổ quốc” là điểm hội tụ tình cảm thiêng liêng của đồng bào cả nước hướng về Bác Hồ kính yêu, mãi mãi trở thành linh hồn bất tử của dân tộc.
Lá cờ Tổ quốc linh thiêng một lần nữa chứng kiến sự ra đi của 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam trong một cuộc chiến không cân sức ngày 14-3-1988 đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển sâu để bảo vệ chủ quyền của đất nước tại đảo đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các anh với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” hiên ngang đứng thành vòng tròn bảo vệ lá cờ Tổ quốc trên Gạc Ma, kết thành “vòng tròn bất tử” ôm trọn màu của “hồn nước, lòng dân” mãi khắc ghi sử sách, viết nên bản anh hùng ca vang vọng mãi.
Năm tháng đã đi qua, “màu của Tổ quốc” vẫn mãi trường tồn theo thời gian. Sắc màu đó được điểm tô bằng máu xương và niềm tự hào của những người nằm xuống, của biết bao chiến sĩ hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đánh đuổi quân xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
MÃI LÀ NIỀM KIÊU HÃNH CỦA DÂN TỘC
Cờ Tổ quốc đã trở thành linh hồn với mỗi người dân đất Việt. Sự hiện diện của cờ đỏ sao vàng không chỉ xuyên suốt trong thời chiến tranh, mà còn hiện diện cả trong thời bình, trong thời đại đổi mới và hội nhâp. Dù ở nơi biên cương Tổ quốc, biển đảo khơi xa, từng địa phương từ tỉnh, thành đến huyện, thị, thành lá cờ Tổ quốc được người dân treo trang trọng ở các cơ quan, tổ chức và trong từng mỗi gia đình...
Việc treo cờ Tổ quốc là thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, là ý thức trách nhiệm của mỗi người dân. Treo cờ Tổ quốc trang trọng trong những ngày lễ lớn, ngày tết đã trở thành thể thức quen thuộc, tỏ rõ lòng yêu nước và tự hào của mỗi công dân Việt Nam.
Những ngày qua, nhìn lá cờ reo vui trong gió dọc theo các tuyến đường hòa theo sự kiện 93 năm thành lập Đảng thật hào hùng. Đảng bộ và nhân dân Tiền Giang luôn tự hào và lưu giữ giá trị trường tồn. Tiếp bước theo thế hệ cha anh, công việc của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân hôm nay là nỗ lực làm tốt công việc của mình để xứng đáng với biết bao anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống. Vững tin, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng bộ tỉnh cùng với sự đoàn kết thống nhất của người dân sẽ xây dựng và phát triển tỉnh nhà ngày càng hiện đại và phồn vinh.
Thực tiễn trong năm qua đã chứng minh, Đảng bộ tỉnh Tiền Giang luôn không ngừng đổi mới, xác định đúng tiềm lực của địa phương đề ra kế hoạch, chiến lược phù hợp với đặc thù của tỉnh, đạt thành tựu nổi bật trên nhiều lĩnh vực. Đổi mới trong việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; chú trọng các mặt hàng nông sản bằng việc xây dựng Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tạo được uy tín, thương hiệu, mở rộng thị trường sản xuất, kinh doanh.
Hạ tầng giao thông của tỉnh được chú trọng đầu tư và tạo ra đột phá, chú trọng chuyển đổi số, đổi mới công nghệ hướng đến đô thị thông minh và tiếp tục thực hiện chính sách thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp với phương châm “Tiền Giang luôn chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước”… Bằng những hành động thiết thực của Đảng bộ tỉnh, tin rằng trong năm 2023, người dân Tiền Giang ngày một ấm no, hạnh phúc, để vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng phát triển nhanh và bền vững, góp phần “xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như sinh thời Bác Hồ mong muốn.
LÊ TRANG